Dương Chí Dũng khai "lo lót" tin "mật báo" 500 ngàn USD

07/01/2014 - 10:12

PNO - PNO - Để có được cú điện thoại mật báo, Dương Chí Dũng khai nhận đã tình nguyện đem đến nhà "ông anh" Phạm Quý Ngọ số tiền “lo lót” lên đến 500 ngàn USD, được vay từ nhiều nguồn khác nhau.

edf40wrjww2tblPage:Content

Làm rõ vai trò của các bị cáo đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài

Dương Chí Dũng xác nhận chỉ nhờ Tuấn đưa về Quảng Ninh, sau đó định sẽ tính đường sang Trung Quốc chứ không nhờ việc gì khác. Bản thân Dũng quen Tuấn từ thời Tuấn học đại học với Dương Tự Trọng, còn rất nghèo, Dũng hay đến cho hai anh em lúc cái bánh mỳ, lúc túi bánh bao nhưng cũng chưa bao giờ đi chơi riêng hay làm việc riêng với Tuấn. Còn bị cáo Tuấn khai là vì thân với Trọng từ lâu, nên việc Trọng nhờ Tuấn luôn luôn giúp đỡ hết mình.

Dương Tự Trọng khai thêm: "Người làm hình sự lành nghề, thông thường theo thói quen, đi làm án thì sẽ bỏ điện thoại ở nhà cũng như không được hỏi gì nhiều, thành nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là thói quen với các anh em cấp dưới của Trọng hơn chục năm qua. Vậy nên việc các bị cáo khai về sự chấp hành, cứ thế làm theo, không hỏi lại gì là vì nghề nghiệp. Phạm Minh Tuấn, Trọng giải thích, vì có mối quan hệ đặc biệt với mình nên thường được trưng dụng đi làm án cùng anh em, càng không được phép hỏi gì, được anh em trinh sát thường xuyên yêu cầu giúp đỡ không lý do, không thời điểm cụ thể".

Tiếp tục phần thẩm vấn chiều 7/1, HĐXX đã dành nhiều thời gian, làm rõ vai trò của các bị cáo đã tham gia đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài nhằm mục đích "tạm lánh", như thông tin của "ông anh" Phạm Quý Ngọ.

VTV ghi nhận phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm trong ngày 7/1/2014



VKS nhận định, Đồng Xuân Phong thực hiện "nhiệm vụ" một cách tích cực, nhiều lần sang Campuchia tiếp tế cho Dương Chí Dũng trong khi bản thân mình cũng đang vi phạm pháp luật, phải trốn tránh. Trần Văn Dũng đã đưa Dương Chí Dũng trót lọt qua cửa khẩu Mộc Bài, đã sang Campuchia thu xếp việc ăn ở cho Dương Chí Dũng, thể hiện tính chất coi thường pháp luật.

Phạm Minh Tuấn - bạn thân của Dương Tự Trọng đã đi Hà Nội đón Dương Chí Dũng từ nhà chị HKN vì biết nhà chị này, đưa đi Quảng Ninh trốn nhưng thành khẩn khai báo, hành động vì tình cảm, có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Việc miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Hồng Vinh (em rể Dương Tự Trọng), VKS nhận định là có cơ sở, phù hợp, cần chấp nhận.

Hành vi làm giả hộ chiếu, một số giấy tờ khác của Đồng Xuân Phong, Bộ Công an đã chuyển cho Công an Hải phòng xem xét xử lý.Từ phân tích nhận định này, VKS đề nghị HĐXX phạt Dương Tự Trọng 18-20 năm tù; Vũ Tiến Sơn 17-18 năm tù; Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong 6-7 năm tù; Phạm Minh Tuấn 5-6 năm tù.

Việc Dương Chí Dũng khai một cán bộ có dấu hiệu làm lộ bí mật công tác, đề nghị VKS khởi tố vụ án hình sự về việc này để xem xét. Với nội dung Dương Chí Dũng tố cáo tiêu cực, nhận hối lộ của Thứ trưởng Phạm Qúy Ngọ, vụ nhận hối lộ liên quan việc chuyển mục đích sử dụng Cảng Sài Gòn liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, đề nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư bào chữa cho Vũ Tiến Sơn cho rằng, chỉ nên kết tội Vũ Tiến Sơn cũng như các bị cáo phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ở khoản 1 Điều 275 BLHS mới hợp lý chứ không phải khoản 3 điều này với khung hình phạt lên tới 12-20 năm tù.

Việc truy tố các bị cáo ở tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm, nếu ở tình huống nghiêm trọng khung hình phạt mới đến 7 năm tù. Còn ở đây các bị cáo chưa biết Dương Chí Dũng phạm tội ở mức độ nào mà coi người tổ chức trốn là đặc biệt nghiêm trọng, theo luật sư, chưa hợp lý, chỉ là cảm nhận theo chủ quan.

Hầu hết các bị cáo khai không nắm được mức độ vi phạm của Dương Chí Dũng, không biết ông ta bị xử lý như thế nào, chỉ biết Dũng là anh trai của Trọng nên giúp đỡ Dũng cũng là giúp Trọng. Theo các Luật sư, các bị cáo không hề biết Dũng phạm tội thế nào mà bị coi là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là khiên cưỡng.

Dương Chí Dũng khai thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ "mật báo"

@ Trước đó, mở đầu phiên làm việc buổi chiều (7/1), HĐXX tiếp tục hỏi Dương Chí Dũng về "ông anh bí mật" đã báo cho Dũng việc Dũng bị khởi tố để đi trốn. Dương Chí Dũng khai chính thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã gọi điện báo "Thủ tướng đã chấp thuận khởi tố và bắt tạm giam Dũng, nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian."

Duong Chi Dung khai
Dương Chí Dũng tại phiên tòa - Ảnh: Tâm Lụa

 Thứ Trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ  lúc ấy giữ trọng trách là Trưởng ban chuyên án, điều tra các sai phạm xảy ra tại Vinalines.

Dương Chí Dũng cho biết: "Có nguyên nhân tại phiên tòa trước tôi không khai tên người mật báo mà giờ lại khai, nhưng bị cáo khẳng định lời khai này là sự thật. 17-18g chiều ngày 17/5 tôi nhận được điện thoại của anh Phạm Qúy Ngọ báo cho biết "Thủ tướng đã đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Dũng, nên tránh đi một thời gian". Tôi quá lo lắng nên lời hướng dẫn của anh Ngọ là tránh đi một thời gian mà không suy nghĩ gì đến hệ quả liên quan. Trước đó, vì nhận được giấy triệu tập của CQĐT về việc mua Ụ nổi 83M, tôi quá lo lắng nên có ý nhờ anh Ngọ quan tâm đến tôi, chỉ đạo điều tra khách quan vụ ụ nổi vì còn nhiều thủ tục, nhiều giai đoạn liên quan đến quy trình... Mỗi lần đến thăm anh Ngọ tôi và vợ đều có quà cáp. Tối 2/5, tôi có đến nhà anh Ngọ ở tòa nhà Pacific 83 Lý Thường Kiệt, lễ tân có bấm điện thoại gọi hỏi, vợ anh nghe máy và nói anh đang chờ tôi. Anh ấy bảo tôi cứ lên nhà trước. Tôi có mang phong bì tiền để biếu anh. Khi lên đến phòng nhà, vợ anh đưa tôi vào phòng khách, pha nước mời, một lúc thì anh lên. Anh Ngọ gợi ý kiếm 1 sim rác để gọi cho anh nên tôi đã làm theo. Tại đây, anh gọi điện cho một cán bộ C48 nhưng ông này không nghe máy. Tôi đề nghị cho xin lại số điện thoại người đó, nhưng ngại không liên lạc trực tiếp. Sau đó tôi nhờ con trai anh Ngọ dẫn đến nhà vị cán bộ này. Tối 6/5, con trai anh Ngọ đưa tôi đến nhà vị cán bộcục C48 này để đút lót”.

Duong Chi Dung khai

Dương Tự Trọng và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: Quý Đoàn (VNExpress)

Dương Chí Dũng khẳng định, y đã huy động nhiều nguồn tiền khác nhau từ các anh em thân tín, cọc chèo với số tiền lên đến 200 ngàn USD để biếu xén các quan chức điều tra vụ ụ nổi 83m. Thậm chí vợ Dũng đã phải lấy khoản tiền tiết kiệm trong nhà dành nuôi các con đi du học nước ngoài để lo lót, mong các "ông anh" điều tra "khách quan" hơn.

Dương Chí Dũng tỏ ra vô cùng hối hận khi quyết định chạy trốn. Dũng nghẹn ngào:"Tôi sai rồi, tội tôi làm tôi phải chịu".

Dương Chí Dũng nói trước toà là rất thương em trai, Dũng khẳng định chính Dũng đã liên lạc với Dũng Bắc Kạn nhờ tên này giúp chạy trốn chứ không nhờ Trọng tham gia tổ chức chạy trốn.

Tòa hỏi Dương Chí Dũng về quá trình chạy trốn của Dũng, đồng thời công bố nhật ký những ngày trốn chạy của ông ta. Dũng khẳng định các bị cáo khai đúng về quá trình đó. 

Về lời khai liên quan đến quan chức cấp cao Bộ Công an đã báo tin và nhận tiền “bôi trơn” của Dũng, công tố viên cho biết sẽ đề nghị HĐXX làm rõ”. Đến đây, Tòa chuyển sang phần thẩm vấn Dương Tự Trọng.

Duong Chi Dung khai

Dương Tự Trọng trước vành móng ngựa - Ảnh: Hà An (Thanh Niên Online)
 

Dương Tự Trọng đối diện với mức án 18-20 năm tù

@ Sáng 7/1, hai anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng bị áp giải ra Tòa. Dương Chí Dũng đang trong giai đoạn kháng án tử hình từ phiên tòa trước, Dương Tự Trọng đối mặt với mức án đến 20 năm tù vì tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài.

Dương Tự Trọng trong vai trò là Phó giám đốc CATP Hải Phòng, đã sử dụng đối tượng đang bị lực lượng Công an truy nã, làm giấy tờ giả để phục vụ quá trình đào tẩu của anh trai mình.

Duong Chi Dung khai
Với việc chủ mưu tổ chức cho anh trai bỏ trốn, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng
phải đối mặt mức án từ 12 đến 20 năm tù - Ảnh: P.H.S

Cáo trạng buộc tội: Biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho cấp dưới Vũ Tiến Sơn (Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an Hải Phòng) tổ chức đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài. Sơn dùng quyền hành, chỉ đạo Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - PC 49 Công an Hải phòng), Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Hải quan TP.Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (GĐ Xí nghiệp Bạch Đằng, là bạn thân của Trọng) cùng 2 giang hồ đất Cảng là Đồng Xuân Phong, người đang bị công an Hải Phòng truy nã ráo riết về tội buôn lậu và Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, một đối tượng khét tiếng trên giang hồ), cùng một số người khác sử dụng xe ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội tối ngày 17/5/2012 về Quảng Ninh, và ngày 21/5/2012 tiếp tục đưa từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Các đối tượng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia vào khoảng 19g tối 23/5/2012.

Quá trình đưa Dương Chí Dũng đào tẩu, Trọng là người chủ mưu, cầm đầu; Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng bằng nhiều thủ đoạn như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, liên tục thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón. Việc cung cấp tiền, lo thủ tục, được giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau một cách rất kín kẽ, bài bản.

Bị cáo Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn bị VKSND tối cao truy tố về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ Luật hình sự. Các bị cáo Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn bị truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, các bị cáo này vẫn có thể bị tòa xét xử theo khoản 3 Điều 275 như Trọng, Sơn. Có 5 luật sư tham gia tố tụng. Luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc bào chữa cho cựu Phó GĐ Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng. Luật sư Trần Thiện Thuật và Nguyễn Thái Hòa bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn. Luật sư Đặng Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn.

Duong Chi Dung khai

Trọng và Sơn tại tòa. Ảnh: Quý Đoàn (VNExpress)

4 bị cáo còn lại gồm Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh không mời luật sư. Các bị cáo này cũng không thuộc diện cần tòa chỉ định luật sư bào chữa. Toà triệu tập nhiều người làm chứng. Nhân chứng đầu tiên chính là Dương Chí Dũng - “tâm điểm” của vụ án, người được các bị cáo tổ chức cho trốn đi nước ngoài.

Hai bố con-bạn gái của Dương Tự Trọng cũng bị triệu tập đến toà vì từng cho Dương Chí Dũng ở nhờ trước khi tẩu thoát. Trường hợp Nguyễn Hồng Vinh (em rể của Dương Tự Trọng), người được Trọng trao đổi về việc Dương Chí Dũng có liên quan đến pháp luật và nhờ lái xe ô tô 4 chỗ Mercedes từ trung tâm TPHCM lên địa phận huyện Củ Chi đổi xe và chuyển tiền cho Đồng Xuân Phong để Phong đưa cho Dũng, VKS cho rằng hành vi của Vinh cũng phạm vào tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” với vai trò là người giúp sức. Nhưng xét thái độ khai báo thành khẩn của Vinh, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội, động cơ phạm tội là vì tình cảm gia đình nên được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an miễn trách nhiệm hình sự.

Đặng Thái Hòa, Nguyễn Thái Hưng là những người cho mượn và mượn hộ xe ô tô nhưng không biết mục đích sử dụng xe của những người đi mượn là để chở Dương Chí Dũng đi trốn nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý về hình sự, nhưng được coi là nhân chứng của vụ án. Dương Chí Dũng tham gia phiên toà này với vai trò là nhân chứng. Toà đang tiến hành kiểm tra căn cước những người liên quan.

@ Tiếp tục cập nhật!

CHI MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI