Đứng trước biển cả và cách tân

31/03/2018 - 08:06

PNO - Tháng Ba năm nay, những khúc nhạc đề cao sự cách tân và tinh thần đương đại của Claude Debussy đã vang lên ở nhiều thánh đường âm nhạc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp.

Vào đầu thế kỷ XIX, tác phẩm của những nhà soạn nhạc thiên tài thuộc trường phái cổ điển Vienna như Haydn, Mozart, Beethoven… chiếm lĩnh toàn bộ châu Âu. Giai đoạn sau đó, thời kỳ lãng mạn, hàng loạt tên tuổi Franz Liszt, Franz Schubert, Robert Schumann, Johannes Brahms, Richard Strauss, Tchaikovsky, Frédéric Chopin… tiếp tục làm nên những năm tháng cực thịnh của âm nhạc cổ điển. 

Điều này vô hình trung khiến những bản giao hưởng, concerto, nhạc kịch… của những tác giả lỗi lạc vừa nêu trở thành “khuôn vàng thước ngọc” ở không chỉ các học viện, nhà hát, mà còn ảnh hưởng đến những người sáng tác, tác động đến thẩm mỹ của người thưởng thức. 

Dung truoc bien ca va cach tan

Bức họa Claude Debussy cùng bản ghi khúc nhạc Ánh trăng của nữ họa sĩ Mỹ Cheryl

Tuy nhiên, thời đại mới sẽ sản sinh ra những người sáng tạo mới, công chúng âm nhạc mới. Sau thời kỳ lãng mạn (1800-1910), bước sang thời kỳ hiện đại (1890-1975), những tên tuổi mới với những cách triển khai âm nhạc khác biệt đã xuất hiện, mà một trong những đại diện mang đến nhiều cách tân cho giai đoạn này là nhà soạn nhạc Claude Debussy (1862-1918). 

Dù không phải con nhà nòi, nhưng nhờ được hấp thụ tinh hoa từ các danh nhân đã gặp, Debussy dần trở thành gương mặt tiêu biểu của trường phái Ấn tượng. Ông chịu nhiều ảnh hưởng của hai khuynh hướng nghệ thuật chủ đạo thời bấy giờ là trường phái Ấn tượng trong hội họa và trường phái Tượng trưng trong thi ca, cũng bởi thơ Ấn tượng vốn liên quan gần gũi với thơ Tượng trưng.

Tuy vậy, Debussy không khép mình vào bất kỳ hình thức, trường phái âm nhạc nào. Ông cũng không đưa ra bất cứ quy tắc, định dạng lý thuyết nào đối với sự diễn đạt, thể hiện âm nhạc. Tuy vậy, trước khi qua đời vì bệnh ung thư, Debussy đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Pháp, chủ yếu là các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và các bản solo piano. 

Một trong những di sản vĩ đại nhất của Debussy là bản giao hưởng Biển cả (La Mer). Với nhà soạn nhạc người Pháp này, đại dương mang đến nguồn cảm hứng sáng tác vô tận. Ông có Sirènes (Các nàng tiên cá), khúc nhạc thứ ba trong tập Nocturnes (1897-1899) và các trích đoạn trong opera Pelléas et Mélisande (1893-1905) thể hiện rõ rệt hơi hướng biển cả. 

Song đã tiến xa hơn hẳn mọi tác phẩm trước đó của Debussy hay bất cứ nhà soạn nhạc nào khác trong việc nắm bắt bản chất nguyên sơ và diện mạo của tự nhiên, mang đến những luồng liên tưởng không thể vơi cạn cho người thưởng thức. Nghe La Mer, có đoạn gợi liên tưởng đến khúc dạo đầu (Buổi chiều của thần điền dã) viết năm 1894, vốn được coi là “khúc dạo đầu với âm nhạc hiện đại” của Debussy.

Tuy vậy, nhà soạn nhạc thiên tài sẵn sàng phủ nhận chính mình: “Không có lý thuyết. Bạn chỉ phải nghe thôi. Niềm vui thích là niêm luật. Tôi yêu âm nhạc say đắm. Và vì yêu mà tôi cố gắng giải phóng âm nhạc khỏi các truyền thống cằn cỗi đã khiến nó ngộp thở. Âm nhạc là một nghệ thuật tự do phun trào về phía trước, một nghệ thuật ngoài trời bao la bát ngát như các hiện tượng khí tượng, gió, bầu trời, biển cả. Nó phải không bao giờ bị giam hãm và trở thành một nghệ thuật hàn lâm”. 

Những năm gần đây, nhạc của Debussy được trình diễn ở nhiều không gian, đặc biệt trong những buổi độc tấu piano. Theo nghệ sĩ piano - nhà soạn nhạc - nhà văn Anh Stephen Hough: “Các tác phẩm âm nhạc viết cho piano của Debussy dường như được “đo ni đóng giày” cho thứ nhạc cụ này”. 

Mới đây, trong album Chat với Mozart 2, ca sĩ Mỹ Linh hát và viết lời cho bài Ngay phút giây này chính là dựa trên khúc nhạc Ánh trăng (Clair de lune) thuộc tổ khúc Bergamasque. Mỹ Linh nói, cô yêu bản nhạc giàu điệu tính của Debussy, đây là minh chứng cho thấy sự khác biệt của những nhạc sĩ thời kỳ hiện đại được chọn ở đĩa nhạc này so với Chat với Mazart đậm màu cổ điển của 12 năm trước. 

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI