Đừng bỏ quên 'nội lực'

06/05/2018 - 09:00

PNO - Vấn nạn học sinh trầm cảm, chọn tự vẫn trước áp lực học hành, áp lực về kỳ vọng của gia đình chưa thôi “nóng”, mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều “hội kín” chung “trường phái”: muốn chết, chán sống…

“Cô ơi! Con Sinh muốn chết”. Nửa đêm, đang ngon giấc ở resort Mũi Né, vợ chồng bà Tô Ngọc Vân (Q.11, TP.HCM) giật nảy trước tin nhắn từ đứa bạn của con. Khép lại kỳ nghỉ lễ dở dang, vợ chồng bà đón xe về TP.HCM trong đêm.

Dung bo quen 'noi luc'
Ảnh minh họa

1. Ngồi đối diện bậc sinh thành, Sinh chẳng nói chẳng rằng, mở mấy clip trên Facebook cho cha mẹ xem. Trong đó, một bạn nữ vừa tốt nghiệp kế toán hóa thân thành diễn viên, tâm sự: “Đây là giấc mơ của tôi, còn kế toán là mong ước của mẹ tôi”; hay hình ảnh một bạn nam tỉ mẩn… vá quần, mếu máo: “Khi bạn muốn thành thợ may mà cha mẹ bắt đi học bác sĩ”. Sinh nức nở trần tình: “Đó thực sự là vấn đề của bọn con khi cha mẹ áp đặt những điều bọn con không mong muốn”.

Ba năm học tiếng Trung, Sinh ấp ủ được… bỏ ngang để thi lại ngành sư phạm mầm non. Nhưng lần nào nói ra sở thích, Sinh đều khiến cha mẹ nổi giận: “Con xem chị Linh học tiếng Trung thành công ra sao. Lương của nó giờ hơn 2.000 USD/tháng. Nó còn hứa xin cho con vào công ty ngay khi con tốt nghiệp”. Linh là chị họ của Sinh. Mới đây, Linh “tài trợ” cả dòng họ chuyến nghỉ lễ 30/4 về Mũi Né, có cả vợ chồng bà Vân. Trước chuyến đi, bà Vân không quên “dội” lên Sinh kỳ vọng: “Con nhìn chị Linh mà học hỏi”…

Sinh quyết liệt: “Những ngày qua, con nhận ra cuộc sống của mình quá buồn vì phải sống theo ý của cha mẹ. Nếu cứ như vậy, con thà chết còn hơn”. Giật nắm thuốc ngủ trên tay con, bà Vân dỗ dành: “Người ta dọn sẵn đường, con chỉ việc đi thì có gì không thích. Những đứa làm clip đó có chọn chết như con không?”. Cô bạn của Sinh trấn an: “Sao phải chết. Cứ bỏ học, ra ngoài sống với tớ, tìm việc làm rồi thi lại. Tớ cũng từng vậy mà, nhớ không?”. 

Vấn nạn học sinh trầm cảm, chọn tự vẫn trước áp lực học hành, áp lực về kỳ vọng của gia đình chưa thôi “nóng”, mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều “hội kín” chung “trường phái”: muốn chết, chán sống… Ở đó, quy tụ hàng ngàn người trẻ muốn quyên sinh mà lý do luôn đẩy về “ngoại lực” - sự tác động đến từ người khác: gia đình ép học chữ trong khi muốn học nghề, bị nói xấu trên mạng, người yêu bỏ rơi…

Mỗi chia sẻ không có nhiều comment thông cảm, phần lớn thành viên xúm nhau chửi bới: “Cha mẹ sao có thể để con ra nông nỗi ấy”, hay “Bậc sinh thành cần… sáng mắt trước nỗi khổ của con trước khi quá muộn”. Ở đó, không có lời khuyên, kiểu như hãy biết sống cho chính mình, hãy tự quyết định cuộc đời và mạnh mẽ sống theo lựa chọn của mình.

Dung bo quen 'noi luc'
Ảnh minh họa

Không bậc sinh thành nào mảy may nghĩ rằng, chuyện ép buộc, kỳ vọng là “bức tử” con, ngược lại, xuất phát từ tình yêu và mong muốn tương lai con tốt đẹp. Chưa nói đến mỗi cá nhân nên ý thức sự tồn tại của bản thân luôn mang một trách nhiệm nào đó với gia đình, xã hội để không nảy ra ý nghĩ vứt bỏ cuộc sống; thì xu hướng chán sống ngày càng đông đảo kia nói lên rằng, họ không có hoặc không được khơi gợi, dạy dỗ, xây dựng tinh thần tích cực, để từ đó phát huy nội lực bằng suy nghĩ độc lập, tin vào bản thân, kiên cường vượt lên nghịch cảnh và biết đứng ngoài những áp đặt, tác động, kỳ vọng của người khác.

2. Huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, mười lăm năm trước, một tiếng nổ chát chúa xé tan trưa hè yên ắng. Ông X. mua quả bom từ vựa phế liệu cưa lấy chất nổ đem bán. Bom nổ, 5 người thiệt mạng. Nhờ cách chỗ cha xa nhất, Lâm, cậu con trai 7 tuổi của ông X., sống sót, nhưng hai chân đứt lìa. Không còn gia đình, bà con trong họ đưa Lâm vào trung tâm xã hội, mong được hưởng một số chính sách dành cho trẻ cơ nhỡ, khuyết tật. Lâm xin được sống cùng ngoại, ngày ngày bóc vỏ hạt điều mưu sinh. 

Láng giềng xem Lâm là đứa trẻ bất hạnh, đáng thương, nhưng cậu bé chưa bao giờ để ai thương hại mình. Lâm quả quyết: “Lâm làm hạt điều đủ ăn mà. Lâm chưa cần ai giúp đỡ mình hết”. 18 tuổi, Lâm nộp đủ 3 chỉ vàng tích cóp từ bao năm làm hạt điều để học nghề sửa xe, dù người chủ thương tình, hứa dạy nghề miễn phí. 

Lâm ra nghề, có người quen làm quản lý một hãng xe gần nhà muốn giúp em công việc sửa máy móc, bảo trì xe của hãng. Mọi người khuyên Lâm nhận lấy sự giúp đỡ. Ngoại Lâm muốn em có cuộc sống ổn định, Lâm lựa chọn mở tiệm sửa xe nhỏ.

Mặc kệ những tác động, Lâm độc lập với lựa chọn của mình. Lâm là cậu bé giàu nội lực. Viktor E.Frankl - bác sĩ tâm lý - viết trong cuốn sách Đi tìm lẽ sống: “Con người có thể bị tước bỏ mọi thứ nhưng có một điều, thứ cuối cùng của tự do cá nhân - chọn cho mình thái độ, một cách thức sống của riêng mình trong bất cứ hoàn cảnh nào”. 
Lâm là trường hợp như vậy.

Giữa vấn đề người trẻ thấy bế tắc, chán sống bởi áp lực, kỳ vọng; thay vì nói về những tác động khiến họ không được là chính mình bằng sự lên án, hãy khơi gợi nội lực ở họ, giúp họ xây dựng tinh thần biết sống vì chính mình, được không? 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI