Đức: Cô dâu Việt không được nhập cảnh vì rào cản ngoại ngữ

07/04/2014 - 15:40

PNO - PNO - Anh Michael Guhle gặp tình yêu của đời mình khi đi du lịch đến một làng chài ở Việt Nam. Anh đã gặp chị Nguyễn Thị An, lúc đó bán hến và trái cây cho du khách. Hai người cảm mến nhau ngay từ lần đầu gặp gỡ năm 2006. Dành dụm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Duc: Co dau Viet  khong duoc nhap canh vi rao can ngoai ngu

Anh Michael Guhle và chị Nguyễn Thị An (ảnh: AP)

“Chúng tôi chỉ muốn sống với nhau” - người đàn ông 43 tuổi với một bộ râu rậm và đôi mắt màu xanh xám ấm áp đã nhẹ nhàng thổ lộ chuyện tình của mình. Khi Guhle lần đầu tiên đã đến Toà thị chính thành phố Berlin năm 2006 xin đăng ký kết hôn với bạn gái từ Việt Nam, anh đã bị từ chối. Hai người sau đó quyết định tổ chức một đám cưới truyền thống tại quê của An ở tỉnh Khánh Hoà và làm hôn thú tại Việt Nam vào hè năm 2007.

Họ lên kế hoạch đến Đức ngay lập tức mà không biết rằng Chính phủ Đức vừa ban hành qui định, bắt buộc người nước ngoài muốn nhập cư phải đạt trình độ cơ bản tiếng Đức và phải có giấy chứng nhận ngoại ngữ trước khi được cấp visa. Ngay cả những người kết hôn với dân Đức cũng phải theo luật này.Hầu hết các nước EU - bao gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển - không yêu cầu điều này; nhưng Áo , Anh và Hà Lan lại qui định bắt buộc và Đức là khó khăn nhất . Tuy nhiên, những người có trình độ đại học và những người có công ty riêng thì được miễn điều này.

Vậy là vợ chồng họ phải chịu đựng những tháng ngày cô đơn và chờ đợi, nỗi nhớ càng đong đầy sau những chuyến bay về Việt Nam của Guhle, nhưng anh cũng không thể thăm vợ thường xuyên vì tiền bạc là vấn đề phải xem xét.

Chính phủ Đức cho biết yêu cầu ngoại ngữ là nhằm ngăn chặn những cuộc hôn nhân cưỡng bức, cũng như giúp người nhập cư hòa nhập dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình chỉ trích luật pháp phân biệt đối xử đối với những người nghèo và thất học. Đồng ý rằng khi sống tại Đức thì phải biết tiếng bản địa, nhưng người nhập cưcó thể học tiếng Đức dễ dàng hơn và rẻ hơn ngay tại Đức, thay vì học ở những nơi khác. Trong khi, những người có học vấn và khả năng tài chính thì dễ dàng đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ một cách nhanh chóng. Hiltrud Stoecker-Zafari, người đứng đầu Hiệp hội các cặp vợ chồng và người yêu cho rằng, qui định trên nhằm nhắn gửi thông điệp rằng cặp vợ chồng có khả năng tài chính yếu kém không nên đến Đức.

“Tôi nghĩ kết hôn với người mà bạn yêu thương và sống chung với nhau là quyền con người” - anh Guhle chia sẻ. Anh so sánh nếu một công dân EU không phải người Đức và đang sống ở Đức muốn đưa vợ/chồng không biết tiếng Đức đến nước này sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng với Guhle thì thật sự khó khăn. Nhà chức trách Đức thậm chí còn từ chối cấp visa du lịch để cho An thăm chồng tại Berlin.

Duc: Co dau Viet  khong duoc nhap canh vi rao can ngoai ngu

            Sau gần 7 năm là vợ chồng ngâu, Michael Guhle và Nguyễn Thị An cuối đã cập bến hạnh phúc ở Berlin từ tháng 9/2013 (ảnh: AP)

Không có số liệu chính thức về những cặp vợ chồng phải xa cách nhau do những qui định của pháp luật về ngôn ngữ. Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, khoảng 40,000 người đã kiểm tra tiếng Đức tại các Viện Goethe của Đức trên toàn thế giới năm 2012, trong số đó có khoảng 14.000 bị rớt và không thể xin visa vào Đức.

Guhle đã làm thêm để giúp An có tiền trả học phí và đi lại giữa các khoá học tiếng Đức nhưng cô vẫn không thể thi đậu. “Tôi làm thêm việc và tranh thủ bay về Việt Nam thăm vợ vào những kỳ nghỉ. Hàng ngày chúng tôi đều gọi điện cho nhau” - Guhle nói - “Với An cuộc sống cũng không dễ dàng gì. Cô phải chịu điều tiếng dư luận về việc lấy chồng ngoại mà không thể "theo chồng về dinh”.

Cuối cùng, may mắn đã đến với họ. Vợ chồng Guhle đưa trường hợp của mình lên một tòa án Đức. Sau khi chứng minh rằng An đã cố gắng học tiếng Đức trong hơn một năm, cô  được phép nhập cư và đến Berlin tháng Chín năm ngoái .

Giờ đây trong căn hộ nhỏ của mình ở Berlin, Guhle và An đang tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Trò chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Việt, họ luôn âu yếm trao cho nhau những ánh mắt trìu mến.

“Tôi thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được đến Đức cùng chồng” - An, cô gái Việt Nam 27 tuổi với mái tóc đen dài chia sẻ. Cô đang tham gia một lớp học chuyên sâu tiếng Đức và dự định tìm việc tại một nhà hàng Việt Nam ở Berlin.

AN KHUÊ (Theo ABCNews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI