Đổi “bằng lái quốc tế” giá 100 USD: Coi chừng vô ích!

07/10/2013 - 19:35

PNO - PN - Dịch vụ đổi bằng lái xe quốc tế cho công dân Việt Nam với giá 100 USD đang được rao rầm rộ trên một số trang mạng. Tuy nhiên, ngay cả nơi làm dịch vụ cũng không chắc chắn về tính hợp pháp của loại bằng này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đổi bằng… lòng tin

Theo quảng cáo của Công ty GGP (đường Hoa Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trên trang mạng xã hội Facebook, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng làm đại lý cho Hiệp hội Du lịch quốc tế, cung cấp dịch vụ đổi bằng lái xe quốc tế cho khách hàng đã có bằng lái xe Việt Nam, nhằm sử dụng lái xe, thuê xe ô tô khi ra nước ngoài. Nhân viên nữ tên Huyền của GGP giới thiệu: bằng lái này do Hiệp hội Ô tô thế giới có trụ sở ở Mỹ cấp, có thể sử dụng ở 192 nước. Thủ tục rất đơn giản: khách hàng chỉ cần gửi file ảnh chụp bằng lái Việt Nam còn hạn sử dụng, địa chỉ thường trú, file hình thẻ, chữ ký và kèm theo các số đo chiều cao, cân nặng, màu mắt, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Sau đó, khách hàng trả phí qua tài khoản ngân hàng hoặc đóng trực tiếp, chờ một - hai tuần sau sẽ nhận được bằng lái. Mức phí được tính từ 2,3 - 2,9 triệu đồng mỗi bằng, tùy vào thời hạn sử dụng ba, năm hay 10 năm.

Trong các đường link mà doanh nghiệp nói trên nêu ra để chứng minh cho dịch vụ của mình, hầu hết đều dẫn đến trang web của Hiệp hội Lái xe quốc tế chứ không phải Hiệp hội Ô tô thế giới (như lời của nhân viên tên Huyền) hay Hiệp hội Du lịch quốc tế (như quảng cáo trên Facebook). “Tất cả thông tin em đã đưa hết lên trang web của công ty, anh lên đó xem”, Huyền nói. “Nhưng những thông tin từ đường link em dẫn đâu có thấy nói đến Hiệp hội Ô tô thế giới? Em có giấy tờ gì chứng minh rằng cái bằng bên em làm là thật không?”, phóng viên hỏi. “Em chỉ có những thông tin ấy thôi. Vả lại, nhiều người đã làm và sử dụng được. Anh không tin thì em cũng không biết làm sao. Tình trạng làm bằng giả ở Việt Nam nhiều nên anh nghi ngờ cũng phải, nhưng em không biết nói thế nào cho anh hiểu. Anh tin thì làm thôi!”, Huyền trả lời.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết GGP có ngành nghề kinh doanh chính thuộc lĩnh vực bất động sản.

Dỏi “bang lai quoc te” gia 100 USD: Coi chung vo ích!

Dịch vụ đổi bằng lái quốc tế ở Việt Nam đang được quảng cáo rầm rộ nhưng không được kiểm soát

Thực chất chỉ là bản dịch

Liệu có phải cứ bỏ 100 USD ra là bằng lái Việt Nam trở thành bằng lái quốc tế? Vào tài khoản Facebook nói trên, có thể thấy số người quan tâm đến việc đổi bằng lái quốc tế khá đông. Trong đó, số người thắc mắc về tính hợp pháp của loại bằng này cũng không ít.

Tuy nhiên, đa số câu trả lời của GGP đều dẫn vào một đường link của Wikipedia nói về Công ước về giao thông đường bộ năm 1926, 1949 và 1968.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy phép được chấp nhận theo các công ước trên được ghi là “International Driving Permit” (giấy phép lái xe quốc tế) chứ không phải “International translation of driver’s license” (bản dịch quốc tế của bằng lái xe). Ngoài ra, hiện Việt Nam không có đơn vị nào có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe quốc tế vì Việt Nam không tham gia công ước.

Dù được quảng cáo là “bằng lái xe quốc tế”, song thực tế đây chỉ là bản dịch bằng lái Việt Nam ra ngôn ngữ của một số nước. Trên “bằng lái” cũng ghi rõ rằng đây là bản dịch.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam, thường xuyên đi công tác nước ngoài cho biết: cách đây vài năm, ông đã tìm hiểu về việc dịch bằng lái xe. Bản dịch giấy phép lái xe từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài của ông là do Hiệp hội Lái xe quốc tế cấp và hoàn toàn có thể sử dụng được ở nhiều nước. “Theo tôi được biết, hiện trên thế giới có cả trăm đơn vị cấp loại giấy phép - bản dịch bằng lái này, trong đó một số tổ chức lớn có trụ sở ở Mỹ được nhiều quốc gia tin tưởng và chấp nhận. Người có nhu cầu nên chọn những tổ chức được nhiều người biết đến”, ông Nam nói.

Đa số các nước khi tham gia Công ước về giao thông đường bộ đều có một số quy định riêng đối với người sử dụng loại bản dịch bằng lái, như hạn chế về thời gian, đối tượng hoặc địa điểm. Chẳng hạn, Singapore quy định những người sử dụng giấy phép lái xe quốc tế phải lưu trú tại quốc gia này hơn 30 ngày, hay Nepal quy định người nước ngoài chỉ được sử dụng giấy phép này tối đa 15 ngày. Do đó, theo ông Nam, người có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị làm dịch vụ đổi bằng, hoặc có thể tự làm với mức phí từ 25 - 50 USD, chưa tính phí vận chuyển về Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện chưa có một văn bản cụ thể nào cho phép đổi bằng lái Việt Nam sang bằng lái quốc tế, bởi mỗi quốc gia có luật giao thông đường bộ riêng nên sẽ có những quy định khác nhau. Một số nước chấp nhận cho người nước ngoài sử dụng bản dịch bằng lái. Riêng Việt Nam chưa công nhận bản dịch bằng lái là giấy ​phép lái xe quốc tế, do đó việc cấp văn bản​ này ở Việt Nam cũng chưa có.

 CA HẢO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI