Diễn viên kịch… “nói”!

04/04/2013 - 02:14

PNO - PN - Không khó để khán giả nhận ra không ít DV, cả người trẻ lẫn nghệ sĩ tên tuổi dường như quên mất bài học vỡ lòng của người DV là phải khai thác hành động sân khấu khi thể hiện vai diễn. Bước ra sân khấu, họ nói như một...

Thiếu sáng tạo hành động sân khấu, DV phải che lấp bằng lời thoại. Lối diễn này dẫn đến tình trạng các DV tranh nhau nói trên sân khấu để được khán giả chú ý, nhất là ở những vở hài hoặc những cảnh diễn mang yếu tố hài. Sự khác biệt giữa tấu hài và diễn kịch dài dường như đã bị các DV xóa bỏ. Khá nhiều đạo diễn khi được hỏi đều bày tỏ sự bức xúc: “Chỉ vì sợ “kém miếng” hoặc sợ mình diễn khán giả không cười bằng bạn diễn, nhiều DV đã tranh thủ sáng tạo lời thoại để khi mình nói khán giả phải cười, phải vỗ tay nhiều hơn bạn diễn”. Kiểu cương ẩu đó không chỉ khiến mạch kịch bị phá vỡ, tiết tấu chùng, tính cách nhân vật thiếu nhất quán… mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói bậy, nói nhảm trên sân khấu cốt để mua tiếng cười. Từ vài vở diễn ở một hai sân khấu, tình trạng này đang có dấu hiệu lan rộng. Xem kịch ở Thế Giới Trẻ, khán giả dù dễ tính cũng khó có thể chấp nhận kiểu xưng hô mày tao, con nhỏ kia, con nhỏ nọ… của một vị thần! Không ít khán giả của kịch Idecaf thì giật mình khi nghe một vài DV ở đây thản nhiên buông “đồ chó đẻ”, “Đ.M mày”… chỉ để làm khán giả phải cười, lại còn kiểu diễn cố tình nhấn nhá để biến những từ ngữ bình thường trở nên thô tục của một vài DV khá tên tuổi ở sân khấu kịch Hồng Vân…

Dien vien kich… “noi”!

Giật mình khi vị thần xinh đẹp xưng hô mày tao với người phàm - Ảnh H.N.

Chuyện DV diễn chính bận chạy sô, DV khác phải lên sàn tập thay cũng ngày càng phổ biến. Đến gần ngày phúc khảo, DV chính tập vội vài buổi theo đường dây có sẵn. Tập tành như vậy, không đủ để DV thuộc lời, nói gì đến sáng tạo hành động sân khấu! Do vậy, DV diễn hệt cái máy, theo khuôn mẫu đã có trước. Không hành động sân khấu, không đủ cảm xúc cho nhân vật, không đủ tự tin vào chính mình, nên DV rất sợ những cảnh diễn không lời thoại vì có cảm giác mình đang “chết” trên sân khấu. Khi bạn diễn có thể làm khán giả cười, họ càng cuống cuồng, sợ khán giả không để ý mình nên sáng tác thật nhanh lời thoại có thể “nối dài” tiếng cười, bất chấp việc có thể làm hỏng tính hợp lý xuyên suốt của vở diễn, bất chấp những lời thoại vô nghĩa, dung tục…

Có lẽ những người làm nghề nên tỉnh táo nhìn lại. Bản thân DV còn không coi trọng nghề nghiệp của mình thì mong gì thuyết phục được khán giả! Đừng biến mình thành thợ diễn, chỉ biết nói như một cái máy mà thiếu cảm xúc, thiếu sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật… Cứ tiếp tục như thế, khán giả sẽ quay lưng lại với sân khấu một ngày không xa.

Hồ Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI