'Thường xuyên đi làm muộn vì không biết mặc gì'

23/08/2018 - 09:57

PNO - "Tôi phát hiện có quá nhiều bộ mình chưa mặc, lãng phí tiền cho quần áo và thay đổi tư duy ăn mặc", độc giả Hồng Hạnh chia sẻ.

Sau khi bài viết Hôm nay tôi không có gì để mặc được đăng tải trên Báo Phụ Nữ, độc giả Đinh Thị Hồng Hạnh, nhân viên ngân hàng tại Hải Phòng, chia sẻ câu chuyện từ chính trải nghiệm của chị.

Rối bời với những lựa chọn

'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
Độc giả Đinh Thị Hồng Hạnh. 

Mỗi sáng thứ Bảy, tôi không phải mặc đồng phục đến nơi làm việc. Lẽ ra, đây là ngày tuyệt vời nhất trong tuần để tôi tung tăng với những bộ cánh xinh xắn. Ngược lại, tôi ước suốt tuần mặc đồng phục cho nhanh bởi tôi thường xuyên đi làm muộn... vì không biết mặc đồ gì.

Câu chuyện của tôi thường bắt đầu như thế này: 

Đầu tiên, tôi chọn áo và suy nghĩ nên mặc cùng chân váy kiểu như thế nào? Khi tôi chọn được chân váy ưng ý thì phát hiện ra nhược điểm trang phục hơi ngắn, không hợp với công việc của một nhân viên giao dịch thường di chuyển trước mặt khách hàng. 

Tôi chọn lại chân váy dài hơn, có họa tiết nhưng không hợp với áo. Tôi chọn lại áo, áo có thiết kế sát nách không hợp, quyết định lấy áo một màu.

Áo một màu có nhược điểm là màu đen. Sếp tôi thuộc tuýp người tín ngưỡng nên tôi chọn màu đỏ cho rực rỡ, rồi áo này không hợp với chân váy dài có hoạ tiết. Cuối cùng, tôi cởi hết, chọn váy liền cho đỡ mệt. 

Vấn đề khác phát sinh, váy liền thả tóc mới đẹp. Ngày nào chưa kịp gội đầu, tôi phải cột cao tóc. Tôi quay lại với đống đồ mình vừa lăn tăn suy nghĩ nên chọn hay không ban đầu. Tôi đã trễ 15 phút. 

'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
Mặc đẹp sẽ giúp chị em tự tin và tỏa sáng hơn. 
'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
"Hôm nay tôi không có gì để mặc" là câu nói quen thuộc của nhiều chị em khi đứng trước tủ quần áo. 

"Tai nạn" thường lặp đi lặp lại là khi tôi lao xuống nhà nhanh như tia chớp để đến nơi làm việc, tôi không biết các đôi giày đế thấp, slip-on, thể thao đang nơi đâu, vì sao kệ giày chỉ toàn cao gót? Kết quả, tôi đã muộn mất 20 phút. 

Để khắc phục tình trạng đi làm muộn, tôi lựa chọn giải pháp chọn trước đồ vào buổi tối. Lúc đó, tôi không vội vàng với thời gian, thong dong cho những ý tưởng kết hợp làm mới bản thân.

Sau khi thay đổi cách thức, thời gian chọn trang phục cho ngày đi làm vào mỗi sáng thứ Bảy, tôi đã giảm tình trạng muộn giờ, bối rối với các cách phối trang phục vào mỗi sáng. 

Cảm hứng với thời trang

Tôi bắt đầu quan tâm đến thời trang từ khi vào đại học. Thời đó, ngoài những lần mặc đồng phục đi học, tôi còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, từng là MC, cán bộ lớp, hay đứng trước đám đông nên tôi chú ý đến diện mạo mình hơn.

Thời sinh viên của tôi không có tiền nhiều, bộ trang phục nào rẻ thì tôi sẽ mua, không để ý đến chất lượng vải. Tôi chỉ nghĩ đến việc thay đổi cách phối để làm mới mình.

Trong lần gia đình chuyển nhà, tôi bỏ hết quần áo từ tủ vào thùng, rất vất vả. Khi về nhà mới, tôi treo lại những bộ đồ đó lên tủ, càng vất vả hơn.

Tôi tự hỏi: "Tại sao trước kia mình có thể cất toàn bộ những bộ cánh này trong tủ bé thế?". Tôi quyết định mua thêm tủ, nhưng tình trạng vẫn chật kín.

'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
Tủ quần áo của độc giả Hồng Hạnh khi chưa dọn nhà với rất nhiều túi lớn, túi nhỏ, trang phục sắp xếp theo cảm tính khiến cô khó chọn được bộ cánh ưng ý, mất nhiều thời gian. 
'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
Sự thay đổi từ chiếc tủ nhỏ hơn sang lớn hơn cũng khó giải quyết được vấn đề rối bời và câu cửa miệng "Hôm nay tôi không có gì để mặc" của nhiều chị em. 

Từ đây, tôi phát hiện có quá nhiều trang phục chưa mặc, nhiều bộ nhìn lại thấy kết hợp với nhau rất đáng yêu và hợp lý. Tôi đã quá lãng phí tiền bạc cho quần áo và bắt đầu thay đổi tư duy ăn mặc. 

Suốt nhiều năm, câu than vãn của tôi khi đứng trước tủ quần áo là "hôm nay tôi không có gì để mặc". Đặc biệt vào những lần đi dự đám cưới, sự kiện, sinh nhật, liên hoan cùng bạn bè, tôi luôn mua đồ mới hoặc nhớ lại xem lần trước đi chơi mặc gì để không mặc trùng. 

Bây giờ, tiêu chí chọn đồ của tôi cũng thay đổi theo điều kiện kinh tế và tuổi tác. Tôi để ý đến chất lượng, sự tiện dụng đầu tiên, sau đó là giá tiền.

'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
"Tôi tự thấy mình quá lãng phí tiền bạc cho quần áo".

Thay đổi tư duy, thay đổi tủ đồ

Khi thay đổi tư duy về trang phục, tôi quan sát xung quanh mình có rất nhiều đồng nghiệp thích thời trang nhanh, nhất là ảnh hưởng của mạng xã hội hiện nay. Còn tôi vẫn là con người cổ điển, thích thời trang bền vững. Tôi chú ý sự thoải mái, tiện lợi từ bộ đồ lót bên trong đến bộ cánh bên ngoài.

Tôi thích phong cách tối giản. Nếu đi dự tiệc, tôi chỉ chọn điểm nhấn cho một chi tiết. Tôi thích những bộ trang phục dù không có màu sắc ấn tượng nhưng ton-sur-ton, từ quần áo đến đồng hồ, túi xách, thậm chí là màu móng tay, móng chân.

Sự khác biệt hay ấn tượng tôi nghĩ đến từ sự tự tin và thần thái.

'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
"Tôi thích phong cách tối giản".
'Thuong xuyen di lam muon vi khong biet mac gi'
"Theo thời gian, lựa chọn thời trang bền vững vẫn phù hợp với tôi hơn".

Tôi không ghép sẵn chân đầm này với áo kia, nhưng tôi treo chúng theo nguyên tắc một chút để dễ sử dụng. Ví dụ, đầm họa tiết một dây, đầm một màu một dây, áo kẻ một dây, áo chấm bi một dây, giày slip-on một dãy, giày thể thao một dãy…

Lời khuyên tôi dành cho chị em để không còn rơi vào tình huống "Hôm nay tôi không có gì để mặc" là một chiếc áo thường được sản suất ra cho hàng trăm, hàng nghìn người mặc, sự khác nhau ở chính gương mặt, dáng người bạn.

Bạn nên chọn trang phục ưu tiên sự gọn gàng, sạch sẽ. Đừng đặt nặng vấn đề hôm nay nên mặc gì, hay lo lắng không mặc đẹp bằng người khác để bị ám ảnh và khiến bạn kém tự tin, không tỏa sáng. 

Minh Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI