Khi thời trang mang thông điệp mạnh mẽ từ cuộc sống

22/09/2019 - 07:00

PNO - Không chỉ phá vỡ các quy chuẩn, New York Fashion Week mùa xuân - hè 2020 còn phản ánh những thông điệp từ cuộc sống, xã hội.

Một lần nữa, thời trang không chỉ đóng vai trò tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn mang diện mạo của một thực thể sống. Và thực thể ấy dĩ nhiên không thể đứng bên lề xã hội. Một cách tự nhiên nhưng không hô hào, cũng chẳng bất ngờ, các nhà mốt năm nay đều ít nhiều gặp nhau ở những giá trị mà họ tin rằng sẽ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn.

#Metoo lên sàn diễn

Tinh thần nữ quyền vẫn tác động mạnh mẽ đến các nhà mốt trong suốt nhiều năm trở lại đây qua các thiết kế dành cho nữ mang dáng dấp vừa mạnh mẽ, vừa quyến rũ. Khi tiếng nói của phụ nữ trở nên yếu thế, đặc biệt là trong ngành công nghiệp giải trí và thời trang, khi phụ nữ dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn quấy rối, xâm hại tình dục thì họ cần nhận được sự động viên, lời cổ vũ để ít nhất có thể dũng cảm vượt qua bóng tối đã nuốt chửng họ.

Khi thoi trang mang thong diep manh me tu cuoc song

Lời động viên ấy trên sàn diễn New York Fashion Week (NWFW) 2020 mang tính ẩn dụ và tinh tế làm sao khi đóa hoa trắng - biểu tượng của phong trào #Metoo trở thành nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập của nhiều thương hiệu: Prabal Gurung, Paris 99, Refuse Club…

Các người mẫu của Gurung bước  bên nhau, tay trong tay cầm hoa trắng như một biểu tượng thể hiện sự đồng lòng trước phong trào #Metoo.

Trên hàng ghế đầu của Prabal Gurung, Tarana Burke - người khởi xướng phong trào #Metoo - xuất hiện, một lần nữa, như một ngọn cờ đầu và lời khẳng định: “Cho dù bạn là ai và rơi vào hoàn cảnh như thế nào, chúng tôi vẫn ở bên cạnh bạn, chỉ cần bạn đừng mất niềm tin và hãy nhìn về phía chúng tôi”.

Nỗ lực thay đổi định nghĩa về cái đẹp

Bạn sẽ không thể nào ngừng tự ti, thậm chí không thể ngừng căm ghét bản thân khi xung quanh bạn là những cô gái da trắng như trứng gà bóc, có số đo chuẩn ba vòng với đôi chân thon dài liên tục xuất hiện từ tạp chí, truyền hình, biển quảng cáo… cho đến mạng xã hội. Thật may, các nhà mốt danh tiếng đang nỗ lực thay đổi điều này, nhằm khuyến khích sự tự tin của mỗi người vào chính bản thân họ. Bạn có quyền làm đẹp và nỗ lực để trở nên đẹp hơn - nhưng điều đó là cho chính bạn chứ không phải vì ai khác hoặc vì một thứ chuẩn mực nào đó áp đặt xuống bạn.

Khi thoi trang mang thong diep manh me tu cuoc song

Chính vì thế, giờ đây, việc tuyển chọn người mẫu của các show diễn đã trở nên đa dạng hơn, đồng nghĩa nó cũng mang đến cơ hội cho nhiều nhóm thiểu số hơn. Lần đầu tiên, giới thời trang chứng kiến người mẫu đồng tính, lớn tuổi, ngoại cỡ sải bước tự tin trên sàn diễn NYFW. Kate Spade, Prabal Gurung, Christian Siriano, Deveaux… đã không ngại mời họ.

Đặc biệt nhất là sự xuất hiện của người mẫu nhí khuyết tật Daisy-May Demetre (9 tuổi) trong show diễn của thương hiệu thời trang cao cấp Lulu et Gigi. Daisy đến từ nước Anh, cô bé mắc bệnh Hemimelia sợi, phải phẫu thuật cắt bỏ hai chân khi mới 18 tháng tuổi. Nhiều khán giả vô cùng ấn tượng trước hình ảnh một cô bé khuyết tật đầy tự tin trong chiếc đầm dạ hội, rảo bước trên sàn diễn.

Sau buổi diễn, Daisy nói em rất tự hào về bản thân. Trước khi đến với NYFW, Daisy cũng từng là người mẫu cho Nike, River Island. Cuối tháng Chín này, Daisy-May Demetre cũng sẽ góp mặt với vai trò người mẫu trong tuần lễ thời trang xuân - hè Paris. Cô bé hiện sở hữu hơn 20.000 lượt theo dõi trên Instagram và có cả một tương lai đầy triển vọng trong sự nghiệp người mẫu. Câu chuyện của cô bé đã và đang truyền cảm hứng, nghị lực sống tích cực cho rất nhiều người trên thế giới.

Khi thoi trang mang thong diep manh me tu cuoc song
Khi thoi trang mang thong diep manh me tu cuoc song

Thông điệp sống xanh gửi đến tất cả

Trong ngành công nghiệp thời trang, vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ nằm ở lời kêu gọi sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường. 

Để giảm thiểu việc lãng phí năng lượng, trong show diễn của thương hiệu mang tên mình, nhà thiết kế Gabriela Hearst quyết định không dùng các thiết bị làm tóc sử dụng năng lượng điện. Thay vào đó, nhà tạo mẫu tóc James Pecis đã sáng tạo các kiểu tóc tết bím cho toàn bộ dàn người mẫu của Gabriela Hearst. Đặc biệt, Gabriela Hearst còn hợp tác với EcoAct, một tổ chức tính toán lượng khí có hại cho môi trường thải ra trong mỗi sự kiện, đề ra mức năng lượng tối ưu cho khách hàng với hy vọng việc tiết kiệm năng lượng sẽ trở thành tiêu chuẩn chung cho ngành thời trang.

Khi thoi trang mang thong diep manh me tu cuoc song

Câu hỏi lớn về vấn đề nhập cư

Khi Stephen M. Ross - ông trùm bất động sản đứng sau dự án Hudson Yards cùng hàng loạt ngành kinh doanh - tiết lộ ý định tổ chức buổi gây quỹ cho Tổng thống Mỹ - Donald Trump tại Manhattan, trên mạng xã hội xuất hiện rầm rộ lời kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp của Ross. Tháng Chín năm nay, trong khuôn khổ tuần lễ thời trang Shed for New York, các thương hiệu danh tiếng bậc nhất nước Mỹ gồm Michael Kors, Vera Wang, Rag & Bone, Prabal Gurung, Học viện Nghệ thuật tại San Francisco cũng đã tuyên bố rút khỏi show diễn, cho thấy một sự đồng lòng chưa từng có của các nhà thiết kế trước hàng loạt vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt.

Tại NYFW lần này, cuối show diễn của Prabal Gurung, các người mẫu bước ra chào khán giả với tấm băng đeo in dòng chữ: “Who gets to be American?” (tạm dịch: Ai là người Mỹ?). Động thái này là một trong những phản ứng mạnh mẽ lên án chính sách ngăn cản người nhập cư của Tổng thống Trump cùng ý tưởng xây dựng bức tường ngăn cách giữa Mexico và Mỹ. Nước Mỹ sẽ viết tiếp điều gì khi chính lịch sử của nó được hình thành từ những người nhập cư?

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI