Chiếm dụng văn hóa: Họa từ sự thiếu hiểu biết

26/04/2019 - 17:30

PNO - Ranh giới giữa việc vay mượn và chiếm dụng đang dần trở nên rất mong manh.

Từ lâu, việc một thương hiệu thời trang vay mượn dấu ấn từ những nền văn hóa bản địa đã được xem là câu chuyện rất phổ biến, nhằm góp phần tăng thêm sự đa dạng và tính độc đáo cho các bộ sưu tập. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc vay mượn và chiếm dụng đang dần trở nên rất mong manh.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, ngành thời trang đã không còn xa lạ với những cuộc tranh luận xoay quanh khái niệm “chiếm dụng văn hóa” (cultural appropriation) bởi các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ khắp nơi, nhào nặn chúng và cho ra những sản phẩm mang đậm tính thương mại. Việc biến những giá trị văn hóa vô hình thành hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Song nghiêm trọng hơn, việc ứng dụng sai cách đã tạo ra những sự hiểu biết lệch lạc, dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc.

Chiem dung van hoa: Hoa tu su thieu hieu biet
Bộ sưu tập Valentino xuân hè 2016 lấy cảm hứng từ văn hóa châu Phi làm dấy lên làn sóng phản đối của người da màu khi hầu hết người mẫu xuất hiện trong show là người da trắng.

Giữa tháng 6/2017, nhà mốt Chanel đã bị chỉ trích dữ dội khi chi 1.325 USD để sản xuất boomerang - thứ vũ khí được người dân bản địa Úc sử dụng cho mục đích săn bắn trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trong thể thao và ngành giải trí. Nối tiếp đó, giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của nhà mốt Gucci khi tung ra bộ sưu tập Cruise 2018 đã nhận về những cáo buộc quanh việc ăn cắp ý tưởng từ văn hóa hip hop do Dapper Dan gầy dựng vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Đỉnh điểm có lẽ là trường hợp của siêu mẫu Karlie Kloss khi cô diện nội y tại show Victoria’s Secret nhưng lại đội chiếc mũ đính lông vũ lấy cảm hứng từ mũ của người da đỏ, tạo nên làn sóng giận dữ chưa từng thấy. Cả nhà mốt và siêu mẫu sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi. Nam ca sĩ Pharrell Williams cũng từng đội chiếc mũ tương tự khi xuất hiện trên bìa tạp chí. Gwen Stefani, Christina Fallin và nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng phạm phải sai lầm tương tự khi đội chiếc mũ này tại các lễ hội âm nhạc. Hành động tưởng chừng đơn giản nhưng được xem là báng bổ đối với người Mỹ bản địa bởi chiếc mũ không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn mang giá trị thiêng liêng về tâm linh. Nó không phải là món đồ thêm vào để làm nổi bật bộ trang phục. Chỉ những bậc đáng kính đã cống hiến xây dựng và lãnh đạo dân tộc mới được đội chiếc mũ này.

Đối với người nổi tiếng, tình trạng chiếm dụng văn hóa vẫn thường xuyên xảy ra mà đôi khi chính bản thân họ không hề hay biết. Selena Gomez, tại lễ trao giải MTV Movie 2013, trong màn trình diễn ca khúc Come and Get It theo hơi hướng Bollywood đã “vô tình” chấm thêm dấu bindi truyền thống của người Hindu trên trán cho hoàn hảo. Tuy nhiên, phong cách tribal và đạo Hindu không hề đồng nhất, bởi dấu bindi là một truyền thống cổ xưa của đạo Hindu và là một ký hiệu tôn giáo. Đôi khi nó cũng được coi như con mắt thứ ba hay ngọn lửa và là một biểu tượng của tín ngưỡng. Dấu bindi không thể sử dụng bừa bãi để tạo hiệu ứng khêu gợi. Nó cũng không phải là món phụ kiện thời trang để chưng diện.

Chiem dung van hoa: Hoa tu su thieu hieu biet
Quảng cáo gây tranh cãi khi người mẫu châu Á ăn món pizza bằng đũa.

Tháng 11/2018, thương hiệu thời trang D&G vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội khi đăng tải đoạn clip người mẫu ăn pizza và spaghetti bằng đũa để quảng bá cho chiến dịch mới của hãng tại Trung Quốc. Tháng 4/2019, hãng đồ ăn nhanh Burger King dường như vẫn chưa rút kinh nghiệm cay đắng từ D&G khi tung ra đoạn clip quảng cáo vô cùng nhạy cảm đối với người Việt Nam, với cảnh người mẫu ăn hamburger bằng… đũa! Có thể trong mắt các thương hiệu, điều này thú vị và độc đáo nhưng với người bản địa, đó là sự chế nhạo, xúc phạm.

Sự thiếu hiểu biết dẫn đến việc làm méo mó những giá trị văn hóa bản địa. Đó chính là lý do, vấn đề chiếm dụng văn hóa đang ngày càng được nhiều tổ chức bảo vệ tính độc đáo của văn hóa bản địa quan tâm, nhằm chống lại sự đồng hóa mà chính thời trang, ẩm thực là thứ dễ lan tỏa nhất.

MINH NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI