Đề nghị tăng tuổi hưu từ năm 2016

26/05/2014 - 17:33

PNO - PNO - Ngày 26/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phá sản (sửa đổi).

edf40wrjww2tblPage:Content

 Lo vỡ quỹ trong tương lai gần

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, số thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Cùng với đó, bổ sung một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đặc biệt, Chính phủ đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Vợ sinh con, chồng được nghỉ

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật.

P.Mai

Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như hiện nay.

Cùng với đó, sẽ sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động. Cụ thể, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên. Người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi. Người có đủ 15 trở lên (trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Chính phủ cũng muốn sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Đồng thời, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Lương hưu sẽ giảm?

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai đi thẳng vào những nội dung nóng đang được xã hội quan tâm.

Về kéo dài tuổi nghỉ hưu, bà Trương Thị Mai cho biết, có 2 luồng ý kiến. Một là tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, thì phải đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.

Hai là đề nghị thực hiện đúng Điều 187 của Bộ luật Lao động, chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghiêng về loại ý kiến thứ hai. Ủy ban cho rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, dự thảo Luật đã thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động. Từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.

Có ý kiến cho rằng, khi thay đổi cách tính lương hưu như trên là làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (mức hưởng chênh lệch 10% đối với nam và 15% đối với nữ).

Tuy nhiên, Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban cho rằng, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định tại Điều 55 nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành (thời gian đóng ít, mức đóng thấp; thời gian hưởng dài, mức hưởng cao hơn so với mức đóng), từng bước thực hiện nguyên tắc cân đối đóng - hưởng và bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng nhằm mục tiêu bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm hưu trí.

Dù vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hàng tháng thì phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu giữa các thời kỳ.

Nên sớm có Luật Biểu tình

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): “Nhiều ĐB lo lắng luật này ra, người ta lợi dụng đi kiện tụng, tuyên bố phá sản và sợ phá sản nhiều quá. Tôi không lo như vậy. Nếu chúng ta không sửa đổi theo luật này, doanh nghiệp sẽ chết mà không chôn được”.

Cùng ngày, thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình khóa XIII vì đó là quyền cơ bản của công dân, đã được quy định trong Hiến pháp. “Các vụ tụ tập đông người đang ngày một tăng và rất dễ bị lợi dụng, gây hậu quả xấu. Yêu cầu khách quan từ thực tiễn phải có Luật Biểu tình để đáp ứng nhu cầu chung, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Ban hành được luật này sẽ có lợi” - ông Lê Nam chốt lại.

Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI