Công an huyện “thuê” nhà dân hơn một năm chưa trả tiền

25/04/2014 - 17:16

PNO - PN - Theo phản ánh của bà Phạm Thị Đô (SN 1957), suốt một năm qua, Công an (CA) huyện Nhà Bè đã niêm phong phòng cho thuê trọ của bà, khiến bà không thể kinh doanh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bà Đô là chủ sở hữu căn nhà số 18/22/17, ấp 5, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ngày 2/4/2012, bà Đô cho bà L. thuê căn nhà nói trên để ở. Tháng 3/2013, CA huyện Nhà Bè phát hiện bà L. có hành vi mua bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, nên đã tạm niêm phong số hàng hóa tại căn nhà nói trên để điều tra làm rõ.

Bà Đô kể: “Tại thời điểm xảy ra vụ việc, cơ quan CA đề nghị tôi cho thuê hai phòng trong căn nhà để chứa lô hàng vi phạm. Cán bộ thụ lý vụ việc có nói miệng là sẽ trả tiền thuê hai căn phòng nói trên cho tôi trong thời gian sử dụng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm, tôi không nhận được thông tin gì của CA huyện Nhà Bè về việc giải quyết số hàng trên, cũng không hề được trả tiền thuê phòng. Vì có hai phòng bị niêm phong, tôi cũng không thể cho thuê căn nhà, thiệt hại rất lớn. Tôi đề nghị CA huyện Nhà Bè chuyển toàn bộ hàng hóa đi nơi khác, trả lại nhà và thanh toán tiền thuê nhà cho tôi”.

Cong an huyen “thue” nhà dan hon mot nam chua tra tien

Bị niêm phong hơn một năm khiến căn nhà bà Đô không sử dụng được

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Ước, Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế, CA huyện Nhà Bè, cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất sự việc lên lãnh đạo, hiện CA huyện đang tìm kho để chuyển số hàng trên đi”. Về tiền thuê hai căn phòng của bà Đô, ông Ước nói: “CA huyện không có văn bản nào thuê nhà của bà Đô cả, nhưng chúng tôi sẽ bàn với lãnh đạo xin UBND huyện rót kinh phí hỗ trợ bà Đô. Trong vụ án này, bà Đô không hề vi phạm, chuyện xảy ra ngoài ý muốn, chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh của bà Đô. Chúng tôi cũng muốn làm nhanh nhưng không thể nhanh được vì số hàng trên là những mặt hàng mới, gồm nhiều loại thực phẩm chức năng giả, không cho phép lưu hành trên thị trường. Để xử lý, chúng tôi phải xác minh nhiều nơi, khảo sát giá và lập hội đồng định giá”.

Theo luật sư Nguyễn Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM), hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có chứng từ hóa đơn hợp lệ, được xem là tang vật để xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Theo quy định tại điều 125, Luật XLVPHC, thời hạn tạm giữ tang vật để XLVPHC là bảy ngày, có thể kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật. Người có tang vật bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật… trong thời gian tang vật bị tạm giữ theo quy định nêu trên. Ngoài thời hạn đó, chi phí bảo quản tang vật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chi trả, cụ thể là sở tài chính, phòng tài chính, kế hoạch ở địa phương.

Như vậy, việc bà Đô đề nghị CA huyện Nhà Bè gỡ bỏ niêm phong, chuyển toàn bộ số hàng hóa vi phạm đi nơi khác và yêu cầu CA huyện Nhà Bè có trách nhiệm trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền chi trả chi phí thuê nhà để lưu giữ số hàng hóa trái phép nói trên là hoàn toàn có cơ sở. CA huyện Nhà Bè cần sớm giải quyết những tổn thất bà Đô phải gánh chịu hơn một năm qua.

 Quỳnh Mai - Tình Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI