Có một thế giới khác ngoài sống ảo

03/02/2020 - 07:32

PNO - Tết này, tuổi tôi vẫn còn bốn mấy, chưa tới năm mươi. Thế mà chát chít, hẹn hò đến thăm vườn của các em, các em nỡ nào lại chát: “Dạ, con chào chú ạ”. Gọi chú, nghe sao nản quá! Bên kia chát: “Chú rảnh ngày nào, chứ con gần thi rồi, hơi bận xíu”. Á à, vậy kêu chú phải rồi. Trẻ mà cũng mê cây?

Lời nói dối dễ thương

Nghe hỏi về tiền mua cây, Ðạt thấp giọng, sợ má nghe: “Người ta ship hàng tới, má hỏi, con nói mấy anh trong hội tặng”.

Nguyễn Thành Ðạt, sinh năm 2000, mắt tròn, răng khểnh, má búng ra sữa, mặc áo thun ba lỗ, dẫn tôi đi một vòng thăm thế giới riêng, là đoạn hông nhà, bên mặt tiền Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Ðức. Ðoạn ấy đầy những chiếc lu lành, chậu bể, thau móp, thùng xốp mới, lố nhố chen nhau. Ðôi chỗ, cũng lọt vô vài cái chậu đất nung, đường kính cả mét, trông khá sang chảnh. Ðạt mê sen, cái gì chứa được nước thì tận dụng làm chậu sen. Ðạt đổ đất tạo bùn, châm nước, sục sạo rồi để lắng, cho mầm sen xuống.

“Ðây, đây. Cái mầm đây chú. Nó sống rồi đó”. Nghe giọng Ðạt reo vui, tôi dòm mãi, mới thấy cái gì be bé trồi lên từ bùn, chấm lên mặt nước một chấm nhỏ như đuôi chuồn chuồn. “Sen siêu mini của Trung Quốc đó chú - Ðạt nói - bông nó màu trắng, đẹp lắm. Bữa nó ra nụ mà bị sốc phân, con bứt luôn rồi”. Ðạt lại thuyết minh về sen, mỗi loài cho “ở” trong một vài chậu riêng, nào sen Lucky Pink, cũng mini luôn, màu cà rốt; nào sen Raining Love - Cơn Mưa Tình Yêu, bông vàng nhạt phớt hồng dễ thương lắm, mới trồng lại, nhú được một lá à; nào sen siêu mini nghìn cánh, bông xòe như chổi lông gà, nhìn đã lắm; nào sen gì tên dài không nhớ, bông to màu trắng, bên ngoài viền hồng nhẹ, anh kia nhập về năm ngoái, mới bán cho con...

Nguyễn Thành Ðạt có một “thế giới riêng” bên hông nhà, trồng sen, hoa hồng và các loại cây bắt ruồi
Nguyễn Thành Ðạt có một “thế giới riêng” bên hông nhà, trồng sen, hoa hồng và các loại cây bắt ruồi

Các loài sen có bông lớn (sen ta) như sen quan âm, cung đình có thể trồng bằng hạt, còn những loài sen mới mà Ðạt đang sưu tầm chỉ trồng được bằng củ, nên tiền mua giống khá nặng với cậu sinh viên năm thứ hai Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Ðạt than, người chơi sen ngoại thường ở tuốt miền Trung, miền Bắc nên mỗi lần mua củ hơi bị khó. “Con mua củ xổ số thôi hà, 200.000 đồng/củ. Có những giống sen như siêu mini nghìn cánh, mua loại hàng tuyển, giá phải 500.000 - 600.000 đồng/củ”. Củ xổ số nghĩa là “hàng xôn”, bán đại trà, hên xui. Như của người ta, trồng 15 ngày, nó ra lá thì trồi nụ, xòe bông luôn, còn của Ðạt có cây ra bông, có cây không, mà bông cũng không được đẹp “như các anh trồng”. Các anh mà Ðạt nói là các anh trên mạng, chuyên về sen độc, lạ.

Tôi đếm số thau, xô, chậu mà Ðạt có, tính ra số tiền Ðạt mua củ sen diện xổ số cũng hơi bộn. Ðạt nói phải mua dần, mấy tuần mới mua một củ, chứ đâu dám mua một lượt. Tôi hỏi có bị má la không, Ðạt nói nhỏ: “Người ta ship hàng tới, má hỏi, con nói mấy anh trong hội tặng”. Ðó là củ, còn như chậu, đất thì phải khai thật là mua. 

Diệu Linh mê sen đá vì theo cô, bản thân cây sen đá đã là một bông hoa, nếu chúng nở hoa, lại càng tuyệt
Diệu Linh mê sen đá vì theo cô, bản thân cây sen đá đã là một bông hoa, nếu chúng nở hoa, lại càng tuyệt

Thế giới của Ðạt còn có một ô chuyên trồng những cây bắt ruồi, cũng toàn be bé, xinh xinh: nắp ấm, bẫy kẹp, gọng vó. Có vẻ Ðạt “có tay” trồng những loại này, bởi mỗi cây ra rất nhiều bẫy (hoa). Ðạt cười hí hí: “Cây này là hôm bữa con xin của chị ở trên Bình Dương một đoạn dài, con cắt ra từng mắt ngắn, giâm vô xơ dừa cho nó ra rễ. Ba con không biết, ổng bón phân vô, trời ơi con la quá trời, con phải tắm rửa cho nó”. Theo Ðạt, những loài bắt ruồi này ưa đất cằn, thiếu dinh dưỡng mới phát triển, ra ấm, ra kẹp, cho phân vô là tịt ấm hoặc ngủm luôn.

Ðạt lại có riêng một ô khác trồng hồng. “Mấy cây này bữa đem về nhỏ xíu, mà nay ra bông nè chú. Ðây là hồng bạch trà, đây là hồng tường vi, màu ngọt ghê hông?”. Chen giữa dãy chậu, Ðạt cắm rau sam, rộ màu bông cam rực rỡ.

Dang nắng trên mái nhà vì mê sen đá

Cứ tầm 14g, Linh lại lên sàn mái, đội nắng vốc đất, trồng sen đá đến tối mịt.

Có một loài cây mà dáng lá của nó trông giống hoa sen, nên người Việt gọi là sen, chứ chẳng “bà con họ hàng” gì, đó là sen đá. Trần Diệu Linh - ở đường Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình - là người đam mê loài cây mọng nước này. Cô có cả một vườn sen đá đủ loại, thùng xốp, chậu mủ, chậu nhựa, chậu sành, sứ xếp chồng lên nhau, bít cả lối đi trên sàn mái. “Ðây trước kia là cái mái nhà. Sau này, mẹ con cần phơi nắng, làm cầu thang đi lên, thế là con tận dụng trồng sen đá luôn” - Diệu Linh kể.

Trên sàn mái, trời nắng chang chang, hơi nóng hầm hập. Linh đội nón lá, phát cho tôi chiếc nón tai bèo, dẫn tôi nhích chân qua từng ô đặc kín các chậu sen đá. Trong nhiều cụm chậu, từ nách lá, ngọn lá, những nhánh bông túa ra, chĩa thẳng lên trời. Trồng sen đá ra bông là thuộc hàng cao thủ. Linh giới thiệu đủ loại sen, nghe tên cũng vui tai: sen đá bắp cải, dù hồng, bánh bao lửa, hoa hồng cánh nhọn, hoa hồng cánh tròn, kim cương, cỏ ngọc, xiên thịt, thằn lằn…

Linh kể, lúc chưa đi làm, cứ tầm 14g, Linh lại lên sàn mái, đội nắng vốc đất, trồng sen đá đến tối mịt. Công việc của Linh hiện giờ là làm công cho một tiệm cây trên đường Thành Thái, quận 10, nghĩa là đã có ít nhất 8 giờ/ngày gắn với cây, nhưng Linh vẫn chưa thỏa mãn. Chiều tối, về nhà, Linh phi ngay lên mái, tưới cây. Sen đá không cần chậu to, nên số chậu trên vườn Linh phải hàng trăm. Cứ thấy lá sen đá già, Linh lại ngắt ra, để ráo mủ vài ngày rồi đặt lá lên chậu đất. Từ đó, những chiếc rễ sẽ mọc ra, chấm xuống đất và một chiếc hoa sen mini sẽ xòe ra, một cây sen đá con chào đời. Nhiều khi trên cùng một lá, mọc lên hai, ba cây con. Thương lắm.

Các “shop 0 đồng” cho cây, tặng hạt ở TP.HCM

Trong quá trình trồng cây (chủ yếu trên sân thượng), các thành viên trong nhóm THÍCH TRỒNG CÂY nhận thấy, có người thừa loại cây này nhưng lại cần loại cây khác, nên đã tổ chức “phiên chợ 0 đồng”. Từ năm 2017 đến nay, mỗi quý một lần, nhóm tổ chức họp mặt ở Công viên Văn hóa Tao Ðàn (quận 1), mang đến tặng nhau hạt giống, cây giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây. Từ “phiên chợ 0 đồng” trên, nhiều người thấy rằng, chờ đến ngày họp mặt hơi lâu, nên nảy ra sáng kiến mở shop. Ðó là quán cà phê có bố trí một khu quầy kệ để đặt cây, treo hạt, ai có cây, có hạt thì mang đến gửi, ai cần loại gì đến shop lấy về gieo, trồng.

Trong năm 2019, tại TP.HCM, đã có ít nhất 5 shop ra đời, ở các địa chỉ: 129 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8; 177 Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú; 47/86 Bùi Ðình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh; 80/12/36 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp; B431 Tô Ký, phường Ðông Hưng Thuận, quận 12.

Có những loại sen lên nhiều nhánh, nhảy chồi - như sen đá lửa - Linh ngắt ra, cắm vào chậu mới, chúng cũng đâm rễ, thành ra con đàn cháu đống, lại phải cơi nới thêm chậu. Có loại - như sen thằn lằn - rụng cánh xuống gốc, tự mọc cây con, Linh không nỡ để các bé èo uột, thế là phải cấp cho bé căn nhà, là cái chậu con con. “Con mê trồng cây lúc 18-19 tuổi, nhưng bắt đầu mê sen đá cách đây bốn năm. Người ta trồng cây để chúng ra hoa, còn như cây sen đá, bản thân nó đã là hoa rồi, mà từ cây lại trổ hoa nữa thì tuyệt vời”.

Ngoài sen đá, Linh còn mê xương rồng, sống đời, lan cẩm cù, sao biển. “Mê mấy cái này đau ví lắm chú. Cứ liên tục tha chậu, tha đất về, mà thứ nào cũng phải mua. Mẹ con cứ bảo con gái không lo làm đẹp, suốt ngày lom khom phơi nắng, còn con thì thấy vui, bình an khi ở bên cây” - Linh tâm sự. 

 

Ở phòng trọ, cũng không bỏ tật… mê cây

Không được thuận lợi như Ðạt, như Linh, Lê Thị Thu Hiền phải chật vật trồng cây ở nhà trọ.

Hiền trồng cây bên ngõ vào khu trọ thành một vườn thập cẩm, gồm diếp cá, ngò gai, bạc hà, lá cẩm, lá dứa, ngót Nhật, xà lách xoong Nhật và cả xương rồng, sen cỏ ngọc, đậu biếc, hoa hồng. Vườn Hiền không chỉ “thập cẩm” về loại cây, mà còn tả pí lù về chậu: chậu mủ, chậu nhựa, chai nước suối cắt đôi, cái xô bể, cái nồi nhôm thủng đáy, cái ly mì, ly nhựa trong… “Cô chú quản lý cũng thích khu vườn của con, thấy hoa đậu biếc nở là ra ngắm” - Hiền khoe.

Thu Hiền bên shop tặng cây, hạt giống ở quận Gò Vấp
Thu Hiền bên shop tặng cây, hạt giống ở quận Gò Vấp

Khu nhà trọ Hiền ở hiện giờ là hai dãy lầu chia nhiều phòng, Hiền trọ ở lầu trên. Ban đầu, Hiền bắt kệ bên cửa sổ, trồng cây. Sau một thời gian cơi nới, một chậu đứng không vững đã rớt xuống đất, làm bể ống nước của nhà trọ, thế là bị bắt dẹp cây. Hiền phải thu dọn vườn cây trên cửa sổ vô phòng. “May là cô chú quản lý hiền, không báo chủ nhà, chứ không là con bị đuổi rồi”. Không trồng cây được ở cửa sổ, Hiền xin cô chú quản lý cho trồng bên mép ngõ, từ cửa sân ra cửa cổng của khu trọ. Mấy ngày đầu, Hiền xách nước từ lầu xuống tưới, sau được cô chú quản lý tài trợ nước, chỉ việc xách từ sân ra cổng thôi.

 Hành trình kiếm nhà trọ để được trồng cây của cô sinh viên năm cuối ngành dược Trường đại học Nguyễn Tất Thành này thật lắm gian nan. Lúc mới từ quê (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Ðồng) xuống Sài Gòn học, Hiền thuê trọ gần trường (quận 4). Phòng nhỏ, không có sân, Hiền chỉ trồng được vài chậu sen đá, xương rồng treo toòng teng nơi cửa sổ. Ðến năm thứ tư, Hiền chuyển qua chung cư An Bình (quận 5) thuê trọ, trồng cây ở hành lang phía trước. Không may, có cô hàng xóm ở đó thích trộm cây, trộm từ cây ớt, cà chua đến cây sen đá, móng rồng. “Cứ sáng ngủ dậy thấy mất cây, con chịu hông nổi nên gửi cây sang phòng bạn bên quận Gò Vấp rồi cùng bạn đi tìm phòng để trồng luôn cho tiện”.

Hiền đi kiếm nhà trọ mất nửa tháng, vì phải tới tận nơi xem phòng có nắng không, có ban-công hay sân để trồng cây không. Tìm mãi không ra, tình cờ thấy trên web có hình nhà trọ ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp thoáng, gọi điện hỏi thì quản lý chịu cho trồng cây, sang coi phòng thì thấy cô chú quản lý có trồng cây phía trước nên thích. “Ðúng thiệt, qua đây cô chú cũng giúp đỡ chỗ trồng rồi thích thú ngắm nghía cây, nên giờ con quyết định ở đây lâu dài luôn”. Hiền nói, từ Gò Vấp qua quận 4 học cũng ngán thiệt, nhưng kiếm được nơi có người thích cây cối ở chung là số 1 rồi. Mỗi lần từ quê xuống Sài Gòn, trong hành trang của Hiền không thể thiếu bao đất, là đất đỏ do ba chở 30km từ rẫy về và đất Hiền cào từ hố phân heo nhà hàng xóm. Nghĩ cũng buồn cười.

Mình thích thì trồng thôi

Ðạt thích trồng cây từ nhỏ, vì nhà Ðạt có vườn, ba Ðạt trồng mít, xoài, ổi, sa-bô-chê… mỗi lần hái trái, thích lắm. Vườn cũng có đủ loại rau, hoa. Theo ba ra vườn, cái màu xanh thân thiện, mát mẻ của cây lá “ám” vào cậu lúc nào không hay. Bởi vậy, khi nghe hỏi tại sao thích, Ðạt cười: “Tự nhiên vậy hà chú”.

Hiền nói mình thích trồng cây từ nhỏ, vì là con nhà nông. Ba má Hiền làm rẫy, ông ngoại Hiền thì mê trồng kiểng, hoa hồng. Hiền thích hoa nên cứ theo chân ông chăm sóc cây. Giờ xuống Sài Gòn thuê nhà trọ, Hiền nhất thiết phải trồng được cây: “Con thấy ở bên cây, mình thu được năng lượng tích cực. Khi con có chuyện buồn không nói được với ai, con nói với cây”. Tôi quên hỏi Hiền nói thành tiếng hay chỉ nói trong lòng. Riêng cái “năng lượng tích cực” thì chắc là có, vì tôi thấy những người yêu cây thường hồn nhiên, vui vẻ, yêu đời.

Còn Linh thích giâm, trồng nhiều sen đá vì chúng đẹp từ thân đến lá, từ lá đến hoa, và cô thích cảm giác được nhìn ngắm những mầm sống mới hình thành. Linh hơi kỹ tính khi trồng cây: trồng cây gì cũng phải tìm hiểu thấu đáo tập tính của nó. Bởi vậy, có những cây khó trồng, khi vào tay cô, chúng lại rộ hoa. Trước, cô cũng thấy lạc lõng, vì không chia sẻ được với ai niềm đam mê trồng trọt; còn bây giờ, mạng xã hội phát triển, chia sẻ trong hội nhóm, thấy rất vui.

Nhóm Thích Trồng Cây trên Facebook là nơi kết nối những người yêu thích trồng trọt, góp phần làm cho môi trường sống xanh hơn
Nhóm Thích Trồng Cây trên Facebook là nơi kết nối những người yêu thích trồng trọt, góp phần làm cho môi trường sống xanh hơn

Dù có chỗ trồng rộng hay hẹp, mỗi lần offline (họp mặt) nhóm THÍCH TRỒNG CÂY (nhóm trên Facebook), Ðạt, Hiền, Linh đều có những cây con do mình tự giâm trồng, mang đến tặng những người chưa có. Niềm vui trồng trọt cứ thế nhân lên. Riêng Linh, mỗi lần offline, cô đều có gian hàng cây quý tặng mọi người: sen đá các loại, trâm ổi, cẩm cù, sao biển. Từ ngày các thành viên nhóm THÍCH TRỒNG CÂY mở các “shop 0 đồng” ở nhiều quận, Linh mang đến shop lúc thì vài chục cây sen dù, lúc thì mươi phần sen cỏ ngọc. Còn Ðạt mang đến shop “đặc sản” cây bắt ruồi: nắp ấm, bẫy kẹp, gọng vó. Hiền tặng shop các ly nhựa chứa cây lá cẩm, lá dứa, cỏ lan chi. Ai thích cây, cứ ghé các shop, lấy về trồng. 

Ngọc Hồ

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=