Cỏ đón ông về...

16/10/2015 - 12:25

PNO - Ông là hiền triết. Đời cho ông vinh hạnh, trên vai là tước hiệu, điều đó sẽ đi liền với bao quyền lợi... nhưng ông coi như không biết.

Co don ong ve...
Anh hùng Hồ Giáo - Ảnh: Báo Thanh Niên

Vẫn hằn trong tôi cái buổi ngồi với ông khi ông vừa khám bệnh về, trong căn nhà nhỏ ở thành phố Quảng Ngãi. Lúc ấy, ông vừa nghỉ hưu được một năm. Trời mưa, lênh láng nước. Ông ướt sụ, khắc khổ, già nua, đưa tay bắt.

Hình như trên bàn tay ông còn vương cỏ. Cỏ sắc, rì rào và đã cứa cắt bàn tay đó, không phải một ngày một buổi, mà đến cả 40 năm, kể từ ngày ông bắt đầu công việc mục đồng trên thảo nguyên Ba Vì xa xôi.

Vết cứa, vết cắt ngày đó đã theo ông, cho đến cuối đời, khi không thể đi bộ mười mấy ki-lô-mét từ nhà đến trại trâu Mu Ra ở Hành Thuận-Nghĩa Hành để chăm bẵm đàn trâu theo lời dặn của người đồng hương là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Ông cười. Nụ cười không thành tiếng. Hình như có điều gì đó, không phải như đối thoại với người. Hai lần được phong Anh hùng lao động, lương hưu chỉ hơn hai triệu đồng, ông ở trong căn nhà mà cha mẹ dựng từ năm 1964.

50 tuổi ông mới có vợ, được mỗi mụn con gái. Con ông học, ra trường làm giáo viên, nhưng trầy trật mãi mới chuyển được từ Sơn Hà xa xôi về thành phố dạy để chăm sóc cha mẹ… Thế thái nhân tình ở một người nổi tiếng từ đồng cỏ bước vào sách giáo khoa, rồi hoàn nguyên về đồng cỏ, dồn hết trong tiếng cười không chút hơi gió.

Buồn, chắc là có, nhưng nó hình như vi vu đâu đó, không có mặt trong sắc màu suy tư của ông. Tôi đành nghĩ rằng, ông là một đại hiệp, đã luyện tiếng cười vô ngôn, vô âm, vô sắc, nhưng kình lực bạt vía kinh hoàng, trong diễn ngôn riêng có, mà hình như ở đất nước này, nếu kiểm đếm và bày biện ra xem thử ở những người nổi danh, thì chỉ mình ông: cười với cỏ!

Nghĩ đến đó, tôi buộc phải nghĩ rằng, ông là hiền triết. Đời cho ông vinh hạnh, trên vai là tước hiệu, điều đó sẽ đi liền với bao quyền lợi, từ tiền bạc đến chức quyền, nhưng ông coi như không biết, một đời với cỏ, với đàn bò ở Ba Vì, rồi về Quảng Ngãi chăn trâu.

Bảy mươi tuổi, ông không nghỉ, vẫn sống và đối thoại âm thầm với “chúng nó”, từ đồng cỏ ban ngày theo đuôi chúng, đến nửa đêm mưa gió xách đèn đi xem chúng có bị ướt không. Hình như ông đã đọc được ở cỏ, triết lý tuyệt đối không suy suyển về đời sống nông dân Việt: cực khổ và tận tụy. Lợi danh như gió thoảng.

Phật giáo có chuyện thập mục ngưu đồ tìm trâu thành Phật. Cỏ đã song hành suốt đời ông, rồi bây giờ ông về với cỏ, có muốn đặt tên đường, tượng đài cho ông, thì cũng chỉ là chuyện sau cùng. Bởi ngay khi ông đứng trên đồng cỏ, mặc nắng mưa, chuyên chú chuyện ăn ngủ sinh sôi của những con vật yêu thương, thì ông đã thành một nhà thông thái.

Một đời tận tụy, không đăng đàn, không rao giảng, không đòi hỏi, chỉ lao động miệt mài, không cần biết đến thế giới xung quanh nhốn nháo. Ông đối xử với súc vật, cỏ cây như người, như bạn, sướng khổ cùng nhau, để rồi tan trong cỏ, vô ưu. Thử hỏi mấy ai được như thế?

Tôi nhớ ông nói rằng: “Tôi chỉ nuôi bò, trồng cỏ. Quen rồi, không ưng làm thứ khác, vì làm theo lời ông Đồng dặn”. Một lời hứa có vẻ giản đơn, nhưng không dễ dàng. Giữ được lời hứa đó, là công phu được hàm dưỡng về nhân cách và lý tưởng và biết rõ mình là ai.

Câu chuyện ông Hồ Giáo ở đất nước này, ai học qua phổ thông đều biết, những lời văn của tác giả dễ dàng đi qua cửa miệng ai đó, rồi tuột mất, nhưng nếu chịu khó ngoảnh lại một chút, có lẽ sẽ có người bật ra ngơ ngác: Mãi một đời chỉ thế thôi ư?

Vậy nhưng xin hỏi, có gì khác không, khi lao động và tận hiến vốn là phẩm hạnh lớn nhất mà không một thứ vinh quang, tước hiệu nào đắp đổi, thay thế được?

Ông Hồ Giáo có cơ hội làm quan, bởi ông kể người ta từng gợi ý ông làm giám đốc này nọ, nhưng có lẽ ông tự biết mình, nên làm đời dân mê mải với đồng cỏ, và bây giờ cỏ đón ông về, tri âm - tri kỷ gặp nhau, bên nhau mãi mãi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI