Chờ bệnh mới mua bảo hiểm để trục lợi

15/08/2013 - 07:47

PNO - PN - Chỉ cần sau 150 ngày (năm tháng) mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được thanh toán kỹ thuật cao nên nhiều đối tượng đã không tham gia BHYT liên tục. Khi có nhu cầu sử dụng các kỹ thuật cao như: phẫu thuật đứt dây chằng, thay...

Chịu đau để được hưởng trọn gói

Khi chơi đá banh, anh Lê H.Ng. (38 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) bị đứt dây chằng cổ chân bên trái và đến Bệnh viện (BV) Q.Gò Vấp khám. Các bác sĩ (BS) cho biết: BV không thực hiện phẫu thuật đứt dây chằng, khuyên bệnh nhân (BN) lên tuyến trên điều trị. Đến BV Chấn thương chỉnh hình, nhân viên BV báo chi phí điều trị cho kỹ thuật này khoảng 12 - 15 triệu đồng (tùy kỹ thuật điều trị là loại vít tiêu hay không tiêu). Nếu tham gia BHYT trên 150 ngày, BN sẽ được BHYT thanh toán gần như trọn gói. Sau đó, anh Ng. quyết định chỉ mua thuốc uống cầm cự và mua thẻ BHYT giá 600.000đ để chờ đến sáu tháng sau mới đi mổ và được hưởng gần như toàn bộ chi phí điều trị.

BS Nguyễn Hữu Tâm, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, BV Nhân dân 115 cũng gặp nhiều trường hợp BN bị đứt dây chằng nhưng không đồng ý phẫu thuật ngay vì chưa mua BHYT. Theo người bệnh, bị đứt dây chằng, nhất là đứt dây chằng một bên, là tổn thương đơn giản... không nhất thiết phải mổ ngay. Nhiều người bệnh chỉ làm những công việc nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến chân nên đã mua BHYT và đợi đủ 150 ngày mới quay trở lại BV phẫu thuật. Một số BN khi biết phải thay khớp háng (do thoái hóa khớp, hoại tử khớp, hư khớp...) với chi phí cho một bộ khớp háng nhân tạo khoảng 70 - 80 triệu đồng cũng áp dụng chiêu này. Ít đau, đi lại chỉ hơi “lúc lắc” nên nhiều BN đã không bỏ tiền túi phẫu thuật mà mua BHYT và chờ đủ thời gian mới phẫu thuật. Lúc đó, BN sẽ được BHYT “trả giúp” khoảng 50 triệu đồng. Các BN này cho rằng, mua thẻ BHYT liên tục nhưng cả năm chẳng bệnh gì, tốn tiền vô ích, trong khi hiện nay, theo quy định chỉ cần đến tháng thứ sáu sau khi mua thẻ BHYT là đã được hưởng kỹ thuật cao. Riêng thuốc men, kỹ thuật thông thường thì được hưởng sau tháng đầu tiên mua thẻ BHYT. Do đó, một số đối tượng tự nguyện đã không mua BHYT liên tục.

Không chỉ có bệnh về chấn thương, một số BN phát hiện mắc bệnh suy thận có nguy cơ chạy thận nhân tạo cũng mua BHYT “đón đầu” đến ngày chạy thận. Tại BV Nhi Đồng 2, chị H.Th.L. phụ huynh của một bệnh nhi đang chạy thận nhân tạo kể: “Lúc nhỏ, bé có BHYT miễn phí dành cho trẻ dưới sáu tuổi và chỉ cảm cúm lặt vặt nên ít khi sử dụng đến thẻ. Vì vậy, khi bé qua sáu tuổi, tôi định đợi khi cháu vào lớp 1 rồi mua, nhưng chưa kịp mua thì cháu đã bị suy thận. Mua xong, tôi phải chờ đến đủ hơn năm tháng mới cho bé chạy thận nhân tạo. Mỗi tháng, BHYT chi trả phí chạy thận nhân tạo và thuốc men được khoảng 5,5-5,6 triệu đồng. Cụ thể, một tuần chạy thận ba lần, mỗi lần BHYT thanh toán 400.000đ và mỗi tuần phải truyền tám-mười đơn vị tạo máu, mỗi ống được thanh toán là 200.000đ".

Cho benh moi mua bao hiem de truc loi

Ảnh: Phùng Huy

Đối tượng “chờ thời” có nghèo?

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết: Hiện TP.HCM có 4,8 triệu thẻ BHYT, trong đó chỉ có 800.000 thẻ thuộc dạng BHYT tự nguyện. Mục tiêu của BHYT là hướng đến BHYT toàn dân, cùng chia sẻ cho cộng đồng nên đã có những chính sách khuyến khích người dân tham gia BHYT như được thanh toán kỹ thuật cao sau 150 ngày mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, một số đối tượng của nhóm BHYT

Bà Lưu Thị Thanh Huyền,
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM

Đối tượng có hộ khẩu hoặc diện KT3 tại TP.HCM có thể mua thẻ BHYT tại phường/xã. Còn đối tượng chưa có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng công ty đóng trên địa bàn TP không mua thẻ BHYT thì phải về nơi cư trú mua để tiếp tục được hưởng chế độ BHYT. Dù đối tượng có đóng BHYT 10 năm nhưng lần tham gia sau đó mua thẻ BHYT trễ một tháng thì thời gian tham gia BHYT sẽ bị tính lại từ đầu.

tự nguyện đã lợi dụng điểm này, không mua BHYT thường xuyên, nhất là nhóm bệnh không cần điều trị gấp như: đứt dây chằng, thay khớp háng, chạy thận nhân tạo. Chỉ cần mua BHYT sau 150 ngày thì đã được chi trả cho trường hợp mổ đứt dây chằng từ 20-30 triệu đồng, thay khớp háng nhân tạo khoảng 50 triệu đồng và khoảng 5,6 triệu đồng cho một tháng chạy thận nhân tạo. Cũng theo bà Huyền, những đối tượng “chờ bệnh mới mua” không phải là BN nghèo, vì những hộ nghèo hay những đối tượng chính sách đã được TP.HCM hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Kẽ hở của luật đã bị lợi dụng, góp phần làm tăng nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Tuy các BS có thể “nhận diện” những trường hợp “cơ hội” nhưng đành bó tay. “Quyền lợi của người đóng BHYT liên tục trên ba năm sẽ nhiều hơn người mới tham gia BHYT”, bà Huyền cho biết. Cụ thể, người tham gia BHYT trên ba năm được hưởng các thuốc ngoài danh mục BHYT như thuốc chống thải ghép khi thực hiện ghép thận, ghép gan... hay các dạng thuốc điều trị ung thư. Tất cả các loại thuốc này ít nhất từ năm-mười triệu đồng/lọ, BHYT chi trả đến 50% cho người bệnh và một BN dùng rất nhiều loại thuốc ngoài danh mục.

Chính sách BHYT có “kẽ hở” để người bệnh “chờ thời” trục lợi nhưng lại bất công với những trường hợp người bệnh tham gia BHYT hơn ba năm nhưng vì mất thẻ cũ nên không được BHYT chi trả. Người bệnh tìm về nơi mua BHYT xác nhận cũng không được xác nhận thời điểm đã mua BHYT.

Để luật không còn kẽ hở, các chuyên gia cho rằng nên sử dụng mạng lưới công nghệ thông tin để quản lý thẻ BHYT điện tử nhằm đảm bảo chế độ cho “người ngay”, khoanh vùng và có những quy định xử lý đối tượng “có bệnh mới mua”. Xã hội nên có một tổ chức đứng ra hỗ trợ các đối tượng muốn tham gia BHYT tự nguyện bằng cách chia nhỏ phí mua thẻ BHYT 600.000đ/năm thành 50.000đ mỗi tháng. Với số tiền chi trả mỗi tháng ít như vậy, cộng thêm việc tuyên truyền chính sách BHYT mua càng lâu càng có lợi mới hy vọng sẽ giảm bớt số người trục lợi BHYT, đồng thời giúp quỹ BHYT vững mạnh, đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Cho benh moi mua bao hiem de truc loi

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh BHYT tại BV Chợ Rẫy

Tính “già” coi chừng hóa “non”

BS Nguyễn Hữu Tâm khuyến cáo: Một số trường hợp tổn thương dây chằng nhẹ có thể kéo dài thời gian điều trị, nhưng với những tổn thương dây chằng thông thường phải tiến hành phẫu thuật ở tuần thứ ba sau khi bị thương. Nếu người bệnh không hiểu cặn kẽ mà đợi đến tháng thứ sáu thì có thể bị teo cơ phía trước đùi, khớp lỏng lẻo, xương sụn tổn thương. Do phẫu thuật trễ nên có khả năng dây chằng sẽ phục hồi không tốt bằng khi mổ sớm, thậm chí là xơ hóa dây chằng. Đặc biệt, ở những BN bị đứt dây chằng nặng, phức tạp mà phẫu thuật trễ có thể bị thoái hóa khớp, teo các cơ xung quanh khi chưa đến tuổi già. Còn với người bệnh cần thay khớp háng mà để quá trễ thì khả năng phục hồi gần như lúc ban đầu rất khó.

BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM - khuyên: hiện nay, dịch bệnh mới nổi nhiều nên không biết trước được cơ thể sẽ mắc bệnh gì, do đó, mỗi người cần phải mua thẻ BHYT liên tục. Nếu suy thận mức độ 4-5 thường phải chạy thận nhân tạo, trong khi hiện nay, người bệnh khi phát hiện thường rơi vào giai đoạn trễ. Lúc đó, người bệnh phải chạy thận nhân tạo ngay, việc uống thuốc như mức độ 1-3 ít hiệu quả. Nếu BN không chạy thận nhân tạo có thể suy tim cấp, phù phổi cấp, co giật, riêng người lớn có thể bị thêm chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ do thiếu máu ở não.

 Văn Thanh - Ngọc Huệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI