Châu Âu và nước cờ của Trung Quốc

22/03/2019 - 11:30

PNO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Ngày 21/3 (giờ châu Âu), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Ý, sau đó thăm Monaco và Pháp. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong năm 2019, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Bẫy nợ từ Trung Quốc

Công du Ý lần này, ông Tập sẽ nhận được cái gật đầu ủng hộ, gia nhập sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) của Trung Quốc từ quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu. Ý là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 (7 nước công nghiệp phát triển) đồng ý là thành viên của sáng kiến BRI - một chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc, hiện đã có hơn 60 nước tham gia.

Chau Au va nuoc co cua Trung Quoc
Thủ tướng Giuseppe Conte (trái) sẽ nhận “món quà” gì từ chuyến công du đến Ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?

Chi tiết thú vị được truyền thông Ý đăng tải là Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu không sắp xếp ông ở gần khu vực Đại sứ quán Mỹ. Ông Tập đã nói không với các khách sạn sang trọng khu Via Veneto - vốn là nơi được nhiều nguyên thủ, người nổi tiếng lựa chọn khi tới Roma, để chọn ở khách sạn Parco dei Principi - nơi được đánh giá là đủ an toàn cho ông tập trung vào những việc cần làm.

Một trong những lý do được báo chí Ý tiết lộ là vì ông Tập lo ngại “hệ thống ăng-ten giám sát” từ Washington. Mỹ và đồng minh vốn không mong chờ ngày hôm nay. Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình, với mục đích lớn nhất là “lan tỏa” tinh thần “Một vành đai, một con đường” sang các nước châu Âu hiện vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát hoặc tranh thủ “gây thiện cảm” với những quốc gia kịch liệt từ chối BRI.

Cùng thời điểm ông Tập Cận Bình đến Ý, lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng họp, thảo luận một chiến lược mang tính phòng thủ cao hơn đối với ảnh hưởng từ Trung Quốc. Vài ngày trước khi thông tin Ý gia nhập BRI được truyền thông đăng tải, EU công bố văn bản 10 điểm đối phó với Trung Quốc. Trong đó, EU gọi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống” (systemic rival). Mỹ cùng đồng minh chỉ trích, sáng kiến BRI thực chất chỉ đem lại lợi ích cho Bắc Kinh và phía sau những “thiện chí” chính là bẫy nợ nần dành cho các nước. Nước cờ của Trung Quốc là cho các nước vay khoản nợ vượt mức chi trả và dùng khoản nợ đó làm lợi thế cho quan hệ ngoại giao không bình đẳng.

Phía Trung Quốc, đương nhiên, phủ nhận cáo buộc này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố, Ý là cường quốc kinh tế, nên nước này hiểu mình nên hợp tác với ai và có quyền độc lập đưa ra quyết định. Thật ra, nền kinh tế Ý đã không còn mạnh như xưa. Tính đến tháng 1/2019, nợ công của Ý là gần 2.400 tỷ EUR - mức nợ “khủng” mà nếu không có sự thay đổi nào, Ý sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính tồi tệ, hậu quả khôn lường. Trước đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland từng nhận gói giải cứu, nhưng nợ công của các nước đều không bằng mức nợ công của Ý.

Châu Âu có thể khước từ?

Trung Quốc không giấu ước mơ sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong hơn một thập niên nữa. Với mỗi châu lục, Trung Quốc đều có một chiến lược cụ thể. Với châu Âu, Trung Quốc sử dụng nguồn tài chính - thứ mà châu Âu đang tìm kiếm, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn chưa thật sự hồi phục sau khủng hoảng tài chính, nợ công. Thông qua những hợp đồng kinh doanh, đầu tư, cho vay béo bở, Trung Quốc đang muốn trói châu Âu vào vòng phụ thuộc, quy phục sức mạnh đồng tiền, để Trung Quốc có thể chi phối nhiều vấn đề.

Một nghiên cứu, do Trung tâm Phát triển toàn cầu đưa ra, vào năm 2018, cho biết: trong số hơn 60 quốc gia tham gia BRI, đã có hơn 20 nước rơi vào rủi ro “mắc nợ”. Trong đó, không thể không nhắc tới Sri Lanka. Do không có khả năng trả nợ cho Trung Quốc, Sri Lanka đã đồng ý chuyển quyền kiểm soát cảng Hambantota có ý nghĩa chiến lược cho Trung Quốc, theo hợp đồng thuê 99 năm, trị giá 1,12 tỷ USD. Nhiều quốc gia bị hấp dẫn bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn lại các dự án do Trung Quốc bỏ vốn xây dựng ở 35 quốc gia Âu - Á, có đến 89% nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc, chỉ 11% nhà thầu đến từ các nước khác.

Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh tại châu Âu hầu như chẳng có gì vào năm 2009, nhưng nhanh chóng nhảy vọt lên 13 tỷ EUR vào năm 2014. Con số tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015 và đạt đỉnh điểm 35 tỷ EUR vào năm 2016. Chỉ sau đó, châu Âu mới giật mình và bắt đầu nhìn lại. Năm 2017, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker từng tuyên bố hạn chế khả năng Trung Quốc mua lại các công ty châu Âu về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế tạo công nghệ cao và năng lượng. Đức, Pháp, Ý là những nước nhiệt tình ủng hộ tuyên bố của ông Jean-Claude Juncker. Nhưng đến thời điểm này, nhiều thứ có lẽ đã thay đổi, vì nhiều quốc gia châu Âu đã không thể chối từ lợi ích tài chính mà Trung Quốc mang đến, ít nhất là trong thời gian đầu.

Châu Âu hiểu Trung Quốc có thể mang “món quà” gì cho họ. Nhưng liệu châu Âu có đủ tỉnh táo trước dòng tiền cuồn cuộn của Trung Quốc đang ụp xuống đầu mình? 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI