Chân trời

09/11/2014 - 07:10

PNO - PNCN - Lâu lắm, không biết là bao nhiêu năm rồi tôi mới nhớ ba. Nhớ lắm.

Ba nằm đâu đó trong những mảng ký ức rơi rớt trên đường tôi không nhặt lại. Để đến lãng quên. Để khi bật nhớ, những nơ-ron thần kinh cũng không kịp trả về cho tôi một định nghĩa. Chữ “ba” ghép vần “b” với vần “a”, nó còn có nghĩa là số đếm. Số ba thì tôi đã đánh vần, phát âm rất nhiều lần. Ba ngày, ba tháng, ba năm, rồi ba mươi năm… Những con số đơn giản, đếm rất nhanh. Nhưng thời gian thì xa tít mù. Biền biệt.

Còn ba chỉ như một hình hài, tồn tại rất xa xôi.

Chan troi

*

Bây giờ ba cười với tôi mỗi ngày.

Bất kể lúc nào tôi tình cờ chạm mặt đều thấy ông cười, không nói gì. Tôi bảo ba đừng cười nữa, hãy nói chuyện, nói ba muốn ăn gì tôi mua, đi đâu tôi chở, cần gì tôi lấy. Mà ba cứ cười. Tôi quay đi, cảm giác ba vẫn dõi mắt nhìn theo. Nụ cười hiền lành, mong đợi, nửa bao dung nửa như hối lỗi, nửa hy vọng nửa cầu xin. Chưa lúc nào tôi thấy khuôn mặt ba trở nên khó đoán đến vậy. Tôi nhớ có lần ba cũng cười, không phải với tôi mà với má. Khi đó tôi nép sau cửa tủ. Má nói con nít không được nghe chuyện người lớn. Tôi đi trốn. Trong ngôi nhà lá nhỏ như hộp diêm, tôi có trốn đâu cũng không thể không nghe tiếng ba má cãi nhau. Ba to tiếng còn má thì khóc. Tôi không biết sao ba má cãi nhau, chỉ nhớ mình không hề muốn như vậy. Tôi đứng áp mặt vào cánh cửa tủ, quẹt nước mắt nước mũi tèm lem. Giờ cơm chiều nhưng chẳng ai được ăn cơm. Ba hất cả mâm cơm tung tóe. Tôi nhớ câu cuối cùng ba nói:

- Sống thế này mà sống được sao?

Ba đã cười. Mà không, chỉ là một cái nhếch mép. Rồi ba bỏ đi.

Ba băng đường mòn đi tắt qua đám ruộng khô, ra đường đê, đi miết tới đình làng rồi mất hút ở phía khúc quanh. Má ngồi chết lặng ở hiên nhà. Tôi mon men rời hốc tủ ra đứng cạnh má, hỏi:

- Má, giờ mình nấu cơm lại hả má?

Má không nói gì, quay lại kéo tôi vào lòng. Áp mặt trong lồng ngực má, tôi cảm nhận cả người má rung lên. Những hạt ấm nóng lăn trên tóc tôi.

Năm đó tôi bảy tuổi.

Năm đó tôi mặc áo đầm hồng hoa trắng, đồ của con gái út bác Tư không mặc nữa mang về cho. Năm đó ba mặc áo kaki ngắn tay, quần màu xám bạc, đi tắt qua đám ruộng khô, ra đường đê rồi mất hút ở đình làng. Và không trở lại…

*

“Sống thế này mà sống được sao?”.

Tôi đã định hỏi như thế lúc thấy ba bưng tô cơm ngồi ăn trong một căn chòi, chính xác chỉ là tấm bạt che tạm ven sông. Ba luống cuống đánh rơi đũa khi bất ngờ thấy tôi. Ba lật đật đặt tô cơm xuống nền đất lởm chởm.

- Sao ba không về nhà? Tôi hỏi khi ba vội vàng trải mấy tấm báo cũ cho tôi ngồi. Con gái ba mặc áo dài trắng, của má may cho chứ không phải áo cũ người ta.

Ba không nói gì, cũng không nhìn tôi. Mái tóc lốm đốm bạc. Ba mặc bộ quần áo dấp dính xi măng đất cát.

- Sao ba không về nhà? Tôi vẫn hỏi. Bình thản nhưng giống như muốn truy bức ba đến tận cùng. Nhà, cách ba chỉ một dòng sông, một con đê và lối mòn đi tắt qua đám ruộng. Khoảng cách đó 10 năm ba đi bộ không tới được hay sao?

- Nhà… Đâu còn là của ba.

Cuối cùng thì ba trả lời. Gió từ bờ sông thổi vào làm những mảnh giấy báo ba vừa trải bay xáo xác. Ba vẫn ngồi cúi mặt. Không có đứa trẻ nào áp vào lồng ngực ba để cảm nhận được khuôn ngực ấy rắn rỏi, ấm áp hay là đang run lên vì điều gì. Tâm hồn tôi đi hoang như những cơn gió thổi lang bạt trên sóng nước ngoài kia.

- Ở nhà vẫn còn cây cần câu của ba trong hốc tủ. Nếu ba cần ghé qua mà lấy. Đừng tới trường tìm con nữa.

Ba ngẩng đầu lên nhưng tôi đã đi ra, dắt xe đạp, vén áo dài leo lên yên xe rồi cong lưng ngược gió đạp về nhà. Không quay đầu lại.

Tôi không nhìn lại để có thể đọc được điều gì trong đôi mắt ba khi ấy. Mà có thể cũng chẳng đọc được gì, mắt tôi đang nhòe đi.

*

Ba không về nhà lấy dây câu.

Túp lều gió bên sông cũng biến mất cùng ba. Tôi đứng ngoài bờ sông, thấy lòng mình mênh mông như gió. Ba bảo, đừng nói má biết ba có về ngang. Má bảo, đừng bao giờ nhắc đến tên ba. Hai người đã như hai mũi tên lao vút về phía ngược chiều nhau kể từ ngày mâm cơm chiều bị hất tung xuống đất. Tôi đi chiều nào cũng khuyết. Những mũi tên đâm vào ngày tháng. Má bảo, một mình má sẽ nuôi tôi khôn lớn, để ba thấy không có ba hai má con vẫn sống tốt, con của má sẽ được ăn học thành tài. Ba không phải là một giấc mơ ngọt ngào. Ba là nỗi uất hận đau thương mà tôi không bao giờ được phép giữ lại hay tô vẽ gì trong ký ức. Ba là một khái niệm tan loãng… Những cánh cửa đóng lại. Chỉ còn hình ảnh hai mẹ con co tròn ôm nhau trong ngôi nhà lá đèn dầu hắt hiu vào những đêm mưa. Đó là những ngày người làng nói ba lên thành phố có vợ bé, chắc là ăn sung mặc sướng rồi. Cơm ba ăn chắc ngon lành, không còn là rau muống luộc chấm nước tương.

Rau muống luộc chấm nước tương mà cũng sống được sao?

Thì hai má con vẫn sống. Tôi và má vẫn mỗi ngày đi bộ trên lối mòn tắt qua đám ruộng, băng quãng đường đê ra lộ lớn đi hàng mấy cây số đến trường, đến chợ, về nhà - ngôi nhà dột trước ướt sau bữa đói bữa no.

Vẫn sống. Suốt mấy ngàn ngày.

*

Vẫn sống mỗi ngày một cách bình an cho đến khi ba về.

Ba không về một mình. Đồng nghiệp mang ba về cùng lời nhắn: bác sĩ lắc đầu. Đồng nghiệp đóng cho ba cái giường, góp tiền thuốc men, an ủi má rồi đi. Má ngồi chết lặng ở bàn nước nhìn ba nằm ngủ khó nhọc. Mũi tên không đi thẳng về chân trời, đi gần hết đời người rồi vòng trở lại. Mũi tên của má đã gãy. Má chao đảo hứng trọn mũi tên ba. Hứng trọn một cuộc trở về im lặng. Hứng trọn 20 năm ký ức trắng xóa giờ được gọi tên, rồi lại trắng xóa. Chẳng còn gì để nhắc nhớ hay trách hờn, chẳng còn gì kể cả khóc cười cho nhau.

Ba không nhận ra má và tôi. Ba không làm được gì, ngoài ngủ.

“Sống thế này mà sống được sao?”. Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong óc tôi, ngay cả khoảnh khắc tôi biết mình không hề muốn hỏi ba như thế. Ba nằm đó, một năm, hai năm, rồi sáu năm… Ngần ấy năm tôi đi làm xa, mỗi tháng gửi tiền về. Ba như một thực thể tồn tại trong nhà, một đứa trẻ không bao giờ lớn lên, không có ký ức. Mũi tên của ba cũng đã gãy như một thanh gỗ mục rớt xuống dòng sông. Mũi tên không còn làm má đau đớn. Má mỗi ngày gom dọn những mảnh gỗ vụn, trở thành thói quen. Tôi đã từng mong thêm một lần nào đó trong đời ba đủ sức hất đổ mâm cơm. Nhưng không được. Ba như sợi dây leo quấn trên mái nhà. Không có tiếng nói, không có mùi hương, không có gì ngoài sự sống.

*

- Nói chuyện với ba được không con?

Vào những đêm giật mình khuya lắc lơ, tôi nghe ba bảo vậy. Mở mắt ra nhìn, tôi vẫn thấy ba cười. Ba cứ cười. Ba muốn tôi nói gì? Hay là trả lời câu hỏi năm nào? Ba có biết con đã lớn lên như thế nào không? Có biết con mong ước gì, sợ hãi gì?

- Kể chuyện đi con, đừng hỏi!

Ba vẫn cười với tôi. Sao cái ngày hằn học bỏ đi, ba không quay lại cười với tôi, không thấy tôi đứng sợ hãi ngơ ngác trong hốc tủ, không ôm tôi một lần, không cả lời từ biệt. Sao tôi bảo ba về nhà lấy dây câu mà đợi mãi ba vẫn không về. Sao ba không có mặt trong ngày tôi thi đại học? Ba bên cạnh ai trong những phút giây tôi cần ba nhất, giờ thì họ ở đâu?...

- Con có nhớ hồi con còn nhỏ, hai ba con mình… Ba vẫn cười, hiền.

- Con không nhớ! Tôi hét lên. Tôi ghét nụ cười của ba. Tại sao ba không thấy tôi đang khóc. Tôi không nhớ gì hết, ký ức đã tẩy trắng ba. Tôi quên mất sự tồn tại của ba suốt những năm tháng ông nằm hôn mê - mà người ta nói ba đang “trả nghiệp”. Ba cứ nằm đó, trước mắt tôi nhưng hình như ba đã chết trong tiềm thức tôi từ lâu lắm.

…Lâu lắm, không biết là bao nhiêu năm rồi tôi mới nhớ ba. Nhớ lắm.

Tôi vòng tay ôm ba.

Bây giờ tôi mới nhìn rõ khuôn mặt ba, nói chuyện cùng ba, rằng tôi vẫn nhớ những đêm mùa đông ba quấn tôi trong lớp chăn dày, ủ ấm và nâng niu tôi bằng đôi bàn tay chai sần. Tôi vẫn nhớ những ngày mùa hè ba cặm cụi cắt giấy làm diều những chiều gió chạy trên đường làng mấp mô cho diều bay cao, có lần trượt té trầy chân mà ba vẫn cười tươi vẫy tay tôi. Đâu đó ngày ba kiên nhẫn ngồi động viên đợi tôi câu được con cá rô bé xíu ở bờ ao, ngày ba cõng tôi đi học mẫu giáo trên con đường đất lầy lội nước mưa, ba mua cho khúc bánh mì con con dặn dò học ngoan trưa hết giờ đập lúa ba đến cõng tôi về. Mùi nắng, mùi đồng ruộng mùi mồ hôi, mùi nhọc nhằn cứ quyện lấy những năm tháng tôi ê a học từng chữ cái…

Nhưng tôi không kịp nói với ba rằng, tôi đã đủ lớn khôn để có thể chấp nhận những lỗi lầm của người lớn, chấp nhận ba và những cuộc trở về. Sống như thế nào cũng được, miễn là sống, ba ơi…

Bây giờ, ở đây. Ba nằm cách tôi ba tấc đất. 

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI