Câu chuyện trồng rau VietGAP ở Bình Định

11/03/2014 - 14:52

PNO - PNO - Rau VietGAP ở nhiều địa phương không còn xa lạ, người tiêu dùng (NTD) những nơi đó quen dần với những mớ rau mang nhãn hiệu rau sạch. Thế nhưng, ở Bình Định là một câu chuyện mới, thú vị, thay đổi cách làm, tư duy của cả...

edf40wrjww2tblPage:Content

Rau VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices- Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm cây trồng của Việt Nam) thí điểm sản xuất tại Bình Định từ năm 2011 đến nay. Dự án này do New Zealand tài trợ và BQL dự án Sinh kế nông thôn bền vững (thuộc Sở NN&PTNT Bình Định) thực hiện. Khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là hai làng rau lâu đời ở Bình Định được chọn triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng nhau canh tác rau VietGAP

Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn) là làng trồng rau có tiếng. Rau là cây trồng chủ lực mang lại đổi thay, hiệu quả kinh tế cho hàng trăm hộ dân ở khối Thuận Nghĩa.

Cau chuyen trong rau VietGAP o Binh Dinh
Thu hoạch rau muống VietGAP tại HTX rau Thuận Nghĩa

“Dân làng rau vốn dĩ quá quen với cách trồng rau. Trước đây chọn giống gì, trồng đất nào, tưới nước, bón phân… đều theo quán tính. Có ai nghĩ cây rau được gọi là rau sạch phải theo một quy trình nhất định, có áp dụng khoa học kỹ thuật. Tiếp xúc công nghệ trồng rau mà BQL dự án đưa xuống, bà con mới vỡ lẽ, trồng rau sạch khác lắm. Từ khâu chọn giống đến gieo trồng, tưới tiêu, đều phải theo quy định. Trước đây trồng rau phải vài ba tháng mới thu hoạch, trong khi rau sạch chỉ trồng từ 25 đến 30 ngày là thu hoạch. Chi phí ít hơn, sức người giảm mà rau sạch hơn. Tham gia vào mô hình sản xuất rau sạch từ những ngày đầu, đến nay gia đình tôi sản xuất hơn 3 sào rau sạch”, bà Trần Thị Tùng (Thuận Nghĩa, Phú Phong), nói.

Nông dân Đào Văn Tri hồ hởi: “VietGAP đâu có khó như mình nghĩ, làm đúng theo hướng dẫn là đã đạt chuẩn sản xuất rau an toàn rồi. Trước đây chúng tôi vẫn làm theo thói quen, cứ nghĩ tưới nước phải tưới lênh láng rau mới tốt. Giờ xem cách canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP mới hay, tưới nước cũng phải vừa đủ, tưới ít rau khô mà tưới nhiều quá thì rau không hấp thụ hết, lại làm mất chất của đất. Trước đây cứ nghĩ rau tốt phải bón nhiều phân các loại. Nhưng thực tế không phải vậy, bón phân vừa phải rau hút chất dinh dưỡng, bón nhiều phân trôi vào đất ứ lại, rau lại nhiễm nhiều kim loại nặng không tốt cho sức khỏe. Giờ đây, làm rau VietGAP thấy rõ hiệu quả mà tiết kiệm được sức người, sức của”.

Canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ các hộ đăng ký thực hiện mô hình, nhiều hộ còn truyền tai nhau, học nhau.. cùng làm rau VietGAP. Ông Nguyễn Xin (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), tự tin: “Trước đây mình cậy quen nên làm không đúng, giờ biết sai trồng lại cho đúng thôi. Gia đình tôi sản xuất hơn 5 sào rau các loại như đậu cô ve, khổ qua, đậu bắp… tuy không nằm trong nhóm sản xuất mô hình, nhưng tôi cũng học tập quy trình làm rau VietGAP. Nông dân Luật Chánh giờ đua nhau làm rau VietGAP. Trong nhóm hay ngoài nhóm, ai cũng tập làm rau sạch từ đầu. Nhờ cách làm này mà bà con nơi đây biết bảo vệ môi trường, làm hố rác để thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng cho sạch. Rau sạch làm môi trường sạch, là thay đổi cách sản xuất cũ và làm sạch cả sức khỏe mọi người nữa”.

Rau sạch dần có chỗ đứng

Thế mạnh của HTX rau sạch Thuận Nghĩa là các loại rau ăn lá. Luật Chánh lại chuyên trồng các loại rau, củ, quả. HTX rau Thuận Nghĩa cung cấp ra thị trường gần 300kg rau sạch/ngày, Luật Chánh 350kg/ngày. Thị trường của rau VietGAP Bình Định chủ yếu là siêu thị Coop mart Quy Nhơn. Ông Thái Lương Hùng - Giám đốc Siêu thị Coop mart Quy Nhơn, cho biết: “Luân phiên mỗi ngày, Siêu thị Coopmart Quy Nhơn thu mua rau của hai HTX từ 300 - 400kg/ngày, dịp cao điểm thu mua gấp đôi. Ngoài việc cung cấp rau sạch cho NTD, chúng tôi cũng muốn giới thiệu và quảng bá hình ảnh rau sạch của nông dân Bình Định đến NTD mọi nơi”.

Cau chuyen trong rau VietGAP o Binh Dinh
Cánh đồng trồng rau sạch VietGAP ở Bình Định

Đầu ra còn nhỏ hẹp, tuy nhiên nông dân Bình Định đang từng bước tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rau sạch của mình. Theo ông Quách Văn Cầu - Chủ nhiệm HTX rau sạch Thuận Nghĩa: “Trước đây, khi chưa tiêu thụ rau ở Quy Nhơn, chúng tôi chỉ có mối bán rau sạch ở Gia Lai. Giờ, ngoài Siêu thị Coopmart Quy Nhơn, rau sạch Thuận Nghĩa được bán ở nhiều chợ. Số lượng tiêu thụ chưa nhiều, nhưng từng ngày rau sạch Thuận Nghĩa được nhiều người biết đến”. Để đảm bảo thương hiệu rau sạch của mình, ông Cầu cho hay thời gian qua các hộ dân tham gia trồng rau sạch đều đáp ứng quy trình đầu tư, sản xuất và sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau sạch của HTX Thuận Nghĩa được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II, thuộc Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn rau VietGAP.

“Rau sạch có giá cao hơn, thuyết phục người mua tin là sạch thì người sản xuất phải làm đúng quy trình. Có thể ban đầu sức mua chậm, dần dà người mua sẽ tăng lên. Ngoài một số nơi đặt gian hàng bày bán, chúng tôi tự mang rau rạch đến các nhà hàng, quán ăn giới thiệu”, bà Nguyễn Thị Thu - nhân viên thu mua rau sạch HTX Thuận Nghĩa nói.

Cau chuyen trong rau VietGAP o Binh Dinh
Sơ chế và đóng gói rau sạch để đưa ra thị trường

Theo ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTX rau Luật Chánh, để rau VietGAP phát triển, cách duy nhất là phải đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, vì chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng, đầu ra của rau sạch còn hạn chế.

Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án cho biết: “Tại 2 địa phương trên đã thành lập được 6 nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với trên 130 hộ tham gia thực hiện 10ha rau. Dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 nhà sơ chế với năng lực 1.000 kg rau/nhà sơ chế/ngày; hỗ trợ vốn lưu động để thu mua, sơ chế và tiêu thụ rau cho nông dân; xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân giải quyết đầu ra với lợi nhuận cao hơn"…

Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định hỗ trợ mở thêm 10 điểm cung cấp rau VietGAP tại Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Tây Sơn. Mỗi ngày, số lượng rau sạch tiêu thụ trên thị trường khoảng 1 tấn, con số còn ít ỏi nhưng là từng bước “nhích” quan trọng trong việc phát triển rau VietGAP tại Bình Định.

DỊU DỊU
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI