GS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: 'Vợ không chính danh thường ôm con bơ vơ đêm giao thừa'

23/01/2020 - 23:32

PNO - Với người trẻ, nhất là những người nhập cư tại các thành phố lớn, chuyện sống chung, sống thử, góp gạo thổi cơm chung không còn xa lạ. Nhưng thực tế, không mấy cô gái sống thử được về đón tết cùng gia đình bạn trai.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui san sẻ cùng nhau trong tình yêu, các cặp đôi cũng gặp phải những vấn đề rắc rối về sự nhìn nhận, kỳ thị của xã hội. Ngày tết, trong khi nhiều "cô dâu chính thống" được về nhà chồng ra mắt, làm dâu, tận hưởng niềm vui sum họp thì các cô gái sống thử đành lủi thủi giam mình nơi nhà trọ, vì... bạn trai không cho theo về. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhỏ với GS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Thưa ông, cùng sống thử với nhau, nhưng phía phụ nữ vẫn bị xã hội kỳ thị nhiều hơn nam giới. Ông nghĩ sao về việc này?

GS TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn: - Đầu tiên, phải khẳng định rằng chúng ta cần có cái nhìn tôn trọng bởi đó là sự lựa chọn mang tính cá nhân. Tuy vậy, cũng cần nhận ra, có những điểm lặng đằng sau sự lựa chọn ấy nếu các chàng trai, cô gái cân nhắc, suy nghĩ sâu sắc hơn... Vì đến những hoàn cảnh nhất định hay những tình huống có vấn đề, thì điểm lặng về tâm lý trỗi dậy để tạo nên những khoảng trống hay những cơn sóng. Giao thừa, ba ngày tết là một trong những  tình huống đáng nhớ.

Thứ nữa, người phụ nữ khi chọn sống thử, cô ấy có thể quyết định cho bản thân mình. Nhưng đến những tình huống hay hoàn cảnh cần có sự tương tác xã hội, cô ấy lại chưa thể như người vợ "danh chính ngôn thuận", bởi đó là mối quan hệ đa chiều. Lúc ấy,  mâu thuẫn thường nảy sinh.

Nếu đã lựa chọn quyết kiểu cá nhân, cần chấp nhận những điều chưa mong đợi trên bình diện khác. Thực tế cho thấy sự kỳ thị với những cô gái sống thử, những người vợ chỉ được chồng và con biết đến bởi dư luận xã hội, quan niệm của nhóm, cộng đồng vẫn còn rất nặng nề. Liệu có công bằng hay không khi chính người chồng đang sum vầy với đại gia đình trong ngày tết, mà người đầu ấp tay gối của mình phải lủi thủi để bảo toàn thanh danh, để an toàn về hình ảnh, để tránh những sự va đập?

GS TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Những người phụ nữ chưa được gia đình chồng thừa nhận làm sao để giải tỏa những khúc mắc này và để cho tết khỏi lăn tăn, xuân khỏi buồn, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, có những anh đêm giao thừa, mùng Một phải về nhà bố mẹ, sau đó mới có thể quay về tổ ấm nhỏ, bởi cô gái không chính danh nên thể cùng về. Xót hơn khi họ có con chung nhưng phải giấu nhẹm và vợ con anh chàng kia phải lủi thủi ôm nhau tròn 3 ngày tết. Đó không chỉ là ước mơ sum họp, về niềm vui của con cái, mà còn là mong ước được về sự thừa nhận.

Để xoa dịu nỗi buồn thì điều căn bản là phải xác định rõ vấn đề của chính mình là gì; xác lập lại niềm tin thật sự trong mối quan hệ của đôi bên; chuẩn xác kế hoạch để cân bằng cảm xúc. Người phụ nữ sống thử cần tránh những không gian quá quạnh vắng, tránh những hình ảnh quá hạnh phúc gợi sự sum vầy ngày tết, hạn chế chia sẻ về vấn đề có liên quan... sẽ phần nào làm cho nỗi buồn ngày tết khi danh phận không như ý.

Theo ông vì sao người đàn ông khi quyết định sống thử, anh ta vẫn không thể hết lòng để đối đầu mọi thứ? 

- Mỗi người có sự lựa chọn riêng vì những lý do riêng. Nói về vấn đề hết lòng thì không hẳn ai cũng vậy. Ví như trường hợp mà tôi biết, anh chàng đâu có xa, chỉ từ TP.HCM đi đến Long An, nhưng chưa thể công khai, chưa thể sum họp vì quý tử vốn là một hình mẫu của đại gia đình. Những kỳ vọng quá mức của gia đình trở thành gánh nặng với người đàn ông dù đã có ít nhiều kinh nghiệm sống... Vấn đề hết lòng có thể chưa, nhưng cũng có thể đó là bản lĩnh, đó là sự quan tâm sâu sắc đến những nhu cầu rất con người, đó là quan niệm giản đơn hóa, có phần vô tư.

Lộ trình chưa thể vạch ra để người chung sống cũng không buồn bã, không tủi hổ phụ thuộc vào quan niệm của người đàn ông và sự tương tác của người phụ nữ. Để không quá lệ thuộc, người phụ nữ cần tập chịu trách nhiệm về quyết định sống thử, không đẩy cảm xúc của mình theo hướng là mình phải giống những gia đình đề huề, sum họp ngày xuân.

Kế đến, nếu chưa có con, cũng cần nhớ mình đang là con cái trong gia đình để tròn trách nhiệm yêu thương. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng khoảng tạm xa để cân bằng cảm xúc, để làm cho mình tự tin và trở nên mới mẻ hơn thay vì ghen tuông, tủi giận.

Ông chồng nào cũng mong muốn đưa con về ăn tết cùng nhà nội. Ảnh minh hoạ.
Ông chồng nào cũng mong muốn đưa con về ăn tết cùng nhà nội, nhưng.... Ảnh minh hoạ.

Sống thử trước hôn nhân, xách va li đu di lịch xa thay vì về quê với ông bà, tổ tiên hay gốc gác… đó có phải là sự nổi loạn của giới trẻ nhằm chống lại những định kiến, quy tắc xã hội chuẩn mực thời trước?

- Tôi nghĩ đó cũng là một cách thức thể hiện sự lựa chọn của con người. Quan trọng là cần cân bằng những giá trị. Nếu dành những ngày xuân cho nhau, cũng cần thu xếp tối đa những ngày trước tết để chăm sóc đại gia đình, thể hiện sự tôn trọng và nhân nghĩa với đấng sinh thành, dòng tộc. Ngày tảo mộ, ngày cúng ông bà - tổ tiên hay đêm giao thừa, có thể dành cho người thân những cảm xúc đủ đầy. Và những ngày xuân sắp tới, sẽ giải quyết được ít nhiều vấn đề của hai bạn trẻ.

Phân tích sâu trên bình diện tâm lý xã hội, đó cũng có thể là cách ứng xử xã hội trong bối cảnh mới; cũng có thể đó là những phản ứng mang tính “chống đối” có chủ định để góp phần điều chỉnh những định kiến và quy tắc lâu bền. Lẽ nhiên, có thể suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua, cũng có thể chỉ là hành vi, nhưng chắc chắn theo thời gian, mọi thứ sẽ có thể đổi thay dù ít dù nhiều.

Ở một hoàn cảnh giả định, nếu con dẫn bạn trai hoặc bạn gái về nhà thậm chí bế cả con thơ ra mắt gia đình hai họ, đâu là cách xử lý thưa ông? 
- Mỗi người có những quan điểm nhất định về vấn đề này và cần cân nhắc hành vi của chính mình. Sự ý thức, kế hoạch và đặc biệt là dự đoán về cảm xúc, diễn tiến tình huống là yếu tố quan trọng để người trong cuộc biết đâu là điều nên làm, nên dừng.

Nếu nói với người trẻ, tôi cho rằng cần phải nhất quán về quan điểm. Không ai thay đổi được mọi thứ nếu không phải là chúng ta. Nhưng cũng đừng quá vội vã để nghĩ rằng mình có thể thay đổi nhanh, gấp. Không có gì khác là phải thẳng thắn và bảy tỏ chính kiến với gia đình. Đáng tiếc nhất đó là sự che giấu, sự đóng kịch hay tô vẽ chân dung của bản thân mình.

Hành trình là chính mình không đơn giản nhưng không có nghĩa là không thể nếu kiên trì. Nếu muốn cho đại gia đình biết vấn đề riêng, cần cân nhắc những ngày trước tế, hay thời điểm có thể có sự cảm thông, hậu thuẫn để mọi thứ có thể xoay chuyển. Thời điểm trước tết một hai ngày, hoặc xuất hiện với kiểu chưa chính danh trong ngày lễ ông bà cũng là cách cân nhắc.

Cha mẹ con bên nhau ngày tết là giấc mơ của không ít người. Ảnh minh hoạ
Cha mẹ con bên nhau ngày tết là giấc mơ của không ít người. Ảnh minh hoạ

 

Với người thân, thật khó để có thể thay đổi tâm lý, nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế: giữ nhiều nhất chứ không thể giữ tất cả. Mỗi gia đình cần nhận ra chúng ta đã bước sang một cuộc sống mà sự tự do cần được tôn trọng.

Không ai có thể mang đến hạnh phúc cho người khác nếu bản thân người đó không muốn. Cách duy nhất là cùng thẳng thắn, bày tỏ hay chia sẻ. Sẽ khó chịu, sẽ có thể đau buồn, thất vọng nhưng nếu phải lựa chọn giữa một lựa chọn quá tồi tệ với một lựa chọn an toàn nhất định hay ít những thiệt thòi, giảm thiểu tối đa những hệ lụy thì có lẽ ta cũng cần nguyên tắc chấp nhận cái tương đối.

Điều cần quan trọng đó là nếu mỗi người hiểu sâu sắc hơn về đoàn viên, sẽ biết buông bỏ những gì không quá cần thiết, sẽ cho nhau cơ hội để sum vầy, sẽ gắn kết từ trái tim để biết đâu là điều mình cần trong cuộc sống, ta cần nhau vì điều gì để mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn trong dịp xuân về tết đến. Nếu ta nghĩ xa về danh tiếng, cũng cần nghĩ sâu cho những người vợ, người chồng và cả những đứa trẻ không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi: về đâu đêm giao thừa để sự nhân ái là điểm đến trong cách ứng xử của mỗi chúng ta.

Xin cảm ơn ông.

Trương Quốc Phong (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thuy 24-01-2020 13:21:31

    Tất cả đều là sự lựa chọn của phụ nữ, bạn chọn sống thử trước, bạn chọn có con trước, bạn chọn ở lại phòng trọ thay vì đưa con về với cha mẹ. Ồ, bạn chọn nhưng bạn không đủ mạnh gánh nổi sức nặng của lựa chọn đó thì là lỗi của bạn, không phải của người đàn ông cũng không phải của xã hội nhé!!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI