“Cầm kéo xởn tóc là hình ảnh của cai ngục!”

15/04/2014 - 07:18

PNO - PN - Tiến sĩ giáo dục (GD) học Nguyễn Thị Bích Hồng - Trưởng bộ môn Tâm lý học - GD học ứng dụng, khoa Tâm lý GD, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã mở đầu cuộc trò chuyện với PV Báo Phụ Nữ bằng cách ví von trên,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bà nhấn mạnh, cầm kéo xởn tóc là hình ảnh của người trừng trị, người cai ngục, đâu còn là nhà GD. Xâm phạm đến thể chất của học sinh (HS) là xúc phạm các em, không tôn trọng các em, thậm chí xem các em như là công cụ để mình muốn gọt thì gọt, muốn phá thì phá! Trong ứng xử sư phạm đòi hỏi người thầy phải mô phạm, tôn trọng, thiện chí và đồng cảm. Nhà trường đã vi phạm các nguyên tắc này. Những việc làm không đúng này không những không có tác dụng GD mà còn phản tác dụng, vì hình ảnh của thầy cô đã không còn tốt đẹp trong niềm tin của phụ huynh và HS nữa.

Mục tiêu GD ngày nay đã đổi khác rất nhiều, nên các yếu tố khác của GD, trong đó có cách thức quản lý và phương pháp GD, cũng phải thay đổi để phù hợp. Nếu muốn đào tạo một con người năng động, thông minh thì không thể áp đặt, ép buộc, hay kỷ luật một cách cứng nhắc.

“Càm kéo xỏn tóc  là hình ảnh của cai ngục!”

* Tiến sĩ nghĩ thế nào khi rất nhiều HS bị gán cho cụm từ “HS hư” một cách oan ức?

- Trẻ con có nhiều hướng phát triển. Nếu chúng ta bắt đầu nhìn trẻ bằng một hình ảnh xấu thì kết quả không bao giờ tốt đẹp cả. Hoặc, đứa trẻ sẽ chấp nhận hình ảnh đó và em sẽ lý luận: vì thầy cô muốn tôi hư thì tôi hư, và tôi hư là tại thầy cô muốn chứ không phải do tôi muốn. Nếu trẻ suy nghĩ như vậy thì quá bất lợi. Hoặc khi bị xem là một đứa trẻ hư, trẻ cố gắng sửa đổi mình. Nhưng thực chất trẻ không hư, chỉ là đang ở xuất phát điểm như thế mà bị gán nhãn “hư”, buộc trẻ phải sửa mình đi. Khi sửa mình có khi trẻ không còn là trẻ nữa. Hoặc, trẻ cũng có thể trở nên ngoan hơn, tiến bộ hơn, nhưng vẫn có một sự tổn thương vì trong ánh mắt thầy cô, em từng không ra gì. Tất cả đều không giúp trẻ phát triển tốt về lâu dài.

GD phải có tính cá biệt, phải đáp ứng với từng HS. Vì vậy GD không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Với ba HS đi trễ, có khi phải có ba cách ứng xử khác nhau chứ không đơn giản là buộc tất cả phải… làm kiểm điểm!

* Tiến sĩ cảm nhận thế nào về quy định “đi vệ sinh phải làm đơn”? Liệu biện pháp này có hiệu quả?

- Qua mô tả về cách ứng xử cũng như giải pháp, tôi thấy nhà trường đang lúng túng, bế tắc trong việc quản lý HS sao cho hiệu quả. Nhược điểm của biện pháp nói trên là rất rõ. Nó rất hình thức, rất nguyên tắc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các hoạt động khác trong dạy học cũng như trong rèn luyện. Tôi chưa tìm hiểu sâu mọi việc, nhưng với những gì đã và đang diễn ra, hình như nhà trường đang muốn có hiệu quả tức thì mà thiếu sự kiên trì. Điều đó không hợp lý, vì công tác GD bao giờ cũng phải lâu dài, kết quả GD không thể nhìn thấy ngay được. Điều thứ hai: nhà trường có vẻ chưa tin tưởng vào sự “tự điều chỉnh” của HS; chưa nắm bắt được những biến động tâm lý của lứa tuổi này; giải quyết vấn đề chỉ nằm ở hiện tượng mà không thấy được bản chất. Lẽ ra, nhà trường cần phân tích sâu: vì sao HS trốn tiết?

Việc trốn tiết, theo tôi, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân đầu tiên và rất phổ biến: HS không có động cơ học tập, các em không biết học để làm gì, không tha thiết học tập, lười học. Thứ hai là bản thân thầy cô giáo không thuyết phục được HS ở lại lớp với mình, tiết học quá nhàm chán. Thứ ba, nếu sự việc đang xảy ra trong thời gian này thì cũng có thể là do thời tiết quá nóng nực. Nhà trường cần tìm ra bản chất của sự việc rồi hãy có giải pháp tương ứng. Nhưng ở đây, nhà trường đã thiếu tôn trọng, thiếu tin tưởng và chưa nắm bắt kịp những thay đổi tâm sinh lý của HS, vì vậy giải pháp đưa ra ít có tính thuyết phục.

* Rất nhiều rắc rối trong quan hệ thầy-trò đều có nguyên do là thầy không hiểu và không muốn hiểu trò?

- Là vì nhiều GV hiện nay không tự nhận mình là nhà GD và không chịu đóng vai của một nhà GD, trong khi nhiệm vụ chính của GV là GD. Nguyên tắc “đồng cảm” đòi nhà GD phải đặt mình vào vị trí của HS. GD một HS khác thường (so với những HS khác) đòi hỏi người GV dùng đến nguyên tắc “thiện chí”, nghĩa là thầy cô phải luôn nghĩ tốt về học trò, theo nghĩa: em đó còn trẻ con mới dại dột như vậy! Em đó là học trò, là đối tượng GD của mình, nên mới có những sai sót như thế. Đối với một nhà GD, HS có sai phạm cũng là bình thường. Nếu thầy cô lúc nào cũng tâm niệm như vậy thì sẽ không buồn bực, tức giận, luôn làm chủ được mình và không có những cư xử vô lý.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 Minh Nhật (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI