Bút là trái tim

21/06/2013 - 15:04

PNO - PN - Có những lúc, khó khăn riêng trong cuộc sống tưởng chừng đã quật ngã họ, nhưng sự thú vị của nghề cầm bút đã tiếp cho họ sức mạnh trụ lại với nghề… Như lời một bài hát viết về nghề “bút là ý thơ, là tin yêu cuộc...

Tiêu Hà (Báo Phụ Nữ): Nghề cứ cuốn lấy tôi…

But la trai tim

"Những ngày không đi, không viết là tôi quay quắt..."

Khi đặt bút đăng ký dự thi ngành báo chí, đang ở một vùng quê thiếu thông tin, tôi chỉ dựa vào những hình dung mơ hồ về người làm báo như được đi nhiều, tự do, giỏi viết văn và chắc chắn sẽ không phải “nhai lại” một thứ gì đó mỗi ngày.

Tình cờ, ngay từ ngày đầu thực tập, tôi đã gắn với mảng giáo dục. Nhiều PV lứa chúng tôi, ít ai thích mảng này vì nó có vẻ bình lặng, ít thử thách như mảng chính trị, xã hội… Đôi lúc tôi bị tăng cường viết ở mảng khác nhưng đi một vòng rồi cũng “lối cũ ta về”. Tôi nghĩ, chính trị kinh tế rất quan trọng, nhưng gần gũi và sâu sát nhất với người dân (trong đó có đối tượng độc giả của Báo Phụ Nữ) vẫn là mảng y tế và giáo dục. Con người, dù ở vị trí nào, giàu hay nghèo đều có những lo lắng về chuyện ăn học và đau ốm bệnh tật. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong chính sách giáo dục sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu con người.

Lĩnh vực nào cũng sẽ có những tiêu cực, sai phạm khi hoạt động. “Thị trường” giáo dục cũng vàng thau lẫn lộn, không thiếu cạm bẫy. Có lần, để tìm hiểu trường mầm non quốc tế M. đang hoạt động “chui” trong một trung tâm thương mại tại Q.7, tôi phải “cầu viện” cô bạn đang mang thai đóng vai bà chủ sang trọng, đến tìm hiểu cho con mình vào học, tôi thì làm Ôsin theo xách đồ cho bà chủ. Trường này đang “ẩn mình” dưới danh nghĩa của một trung tâm kỹ năng sống có giấy phép nên cơ quan quản lý không hề hay biết. Không may, cách ngày xuất trận vài ngày, chi nhánh trường này ở Hà Nội gặp scandal cho trẻ ăn bẩn nên sự đề phòng người lạ càng cao.

Gặp nhân viên tư vấn tuyển sinh, chúng tôi phải làm sao cho giống phụ huynh kỹ tính không ngại mức học phí, chỉ ngại chất lượng không được chu đáo. Tôi vờ như nghe điện thoại, lùi về phía sau để chụp lén ảnh trong sự săm soi của bảo vệ. Hình chụp được không có trẻ đang học, trường có thể phủ nhận, chúng tôi phải nằng nặc đòi nhân viên dẫn đến lớp học để quan sát thực tế. Nhân viên sau khi xin ý kiến sếp rồi mới dám rút thẻ từ mở cửa vào khu phòng học. Thấy cửa mở, tôi mừng thầm, nhưng những lớp học ở đây trang bị cửa gỗ cách âm, chỉ chừa đúng một khung kính tròn nhỏ hẹp để nhìn vào, kính lại dán lớp phản quang màu nên không thể chụp hình, quay phim hay ghi âm những diễn biến xảy ra bên trong lớp học.

Chúng tôi yêu cầu mở cửa, nhân viên giải thích, quy định của trường là không mở cửa lớp cho người lạ (ngoài cô giáo) trong giờ học để tránh làm ảnh hưởng đến trẻ. Hết đường thuyết phục, chúng tôi đành đứng hỏi chuyện câu giờ. Khi một lớp học mở cửa cho trẻ đi vệ sinh, tôi nhanh chân chạy vào lớp khen trẻ dễ thương, chỉ kịp xoay một vòng để quay lại cảnh lớp học thì nhân viên đã chạy tới lôi ra ngoài. Qua camera, bảo vệ nhìn thấy cảnh tôi xâm nhập lớp học cũng chạy vào. Tuy bị nhân viên ở đây cằn nhằn nhưng tôi rất vui vì đã có được hình ảnh sống động cho bài viết.

Không như những mảng cần được báo chí thông tin, nguồn tin thường có sẵn, PV mảng giáo dục hầu như phải làm mặt “lì” ở những cuộc họp nội bộ để nắm thông tin, thỉnh thoảng lại bị phát hiện và lịch sự “mời” ra. Đã có lúc, tôi bỗng dưng thấy chán nghề này. Nhưng rồi ba tháng không đi không viết, tôi lại quay quắt nhớ những ngày rong ruổi khắp các trường học; những lúc trăn trở kiếm đề tài; cảm giác vui buồn, tự hào, xấu hổ sau mỗi bài viết… Cũng may, sau thời gian chuyển qua công việc khác, tôi vẫn còn cơ hội sống bằng ngòi bút. Ngày trở lại với nghề báo, dù chỉ là cộng tác viên không hưởng lương, tôi đã mừng đến phát khóc…

Trương Thị Hồng Thúy (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM): Tự mãn là giẫm chân tại chỗ

But la trai tim

Phóng viên Hồng Thúy đang tác nghiệp

“Có những mảnh đời nghèo khó quẩn quanh bao năm nhưng chỉ 30 phút chia sẻ ngắn ngủi của chương trình phát thanh thực tế Sát cánh cùng gia đình Việt là đã có thể thay đổi số phận của một con người. Tôi hạnh phúc vì điều đó”. Nhà báo Trương Thị Hồng Thúy - công tác tại Phòng Biên tập khoa giáo - Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tâm sự về công việc chị đang gắn bó hiện nay.

Là phóng viên chuyên viết về đề tài xã hội, chị luôn đau đáu việc làm thế nào để có thể giúp những số phận bất hạnh vượt qua được nghèo khó, bệnh tật. Khi được đảm nhận chương trình phát thanh thực tế Sát cánh cùng gia đình Việt, chị đã tìm ra câu trả lời cho mình.

Hồng Thúy vẫn nhớ mãi hoàn cảnh của bà Võ Thị Bảy (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đau ốm triền miên nhưng hàng ngày vẫn phải đi chăn 10 con vịt để nuôi chồng bị tai biến, hai con trai bị tâm thần, con gái bệnh tim nặng. Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Vân (huyện Hóc Môn, TP.HCM), chồng đột ngột qua đời để lại bốn con thơ. Hàng ngày chị rửa chén thuê kiếm 50.000đ và ít cơm thừa về nuôi con. Hai trong số các con chị đã bỏ học. Xúc động nhất là người mẹ Thiều Thị Ánh Liên chỉ nặng hơn 30kg mà phải nuôi ba đứa con xanh xao, đói ăn thiếu mặc. Bốn mẹ con tá túc trong căn chòi xiêu vẹo giữa nghĩa địa Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), trời mưa gió là phải chạy đến khu nhà mồ trú thân. Đứa con trai đầu của chị còn bị mù mắt phải do bệnh không có tiền để mổ.

“Làm sao để những con người ấy có thể thay đổi được số phận của mình?”. Và rồi, sau 30 phút phát sóng ngắn ngủi của mỗi nhân vật, cuộc đời họ đã được đổi thay vì làm lay động được trái tim hàng ngàn thính giả nghe đài! Chị Liên và các con được về nhà mới cùng với quyển sổ tiết kiệm từ tiền ủng hộ của thính giả gần 80 triệu đồng; con trai của chị được hơn 10 thính giả hảo tâm nhận tài trợ đi mổ mắt. Hai con của chị Vân được quay trở lại trường học và mấy mẹ con có thêm hơn 50 triệu để dành. Bà Bảy nhận được sổ tiết kiệm gần 150 triệu đồng để xây nhà và mua thêm vịt…. Và, còn bao người khác đã được vượt qua cái nghèo như thế...

32 tuổi, hơn 10 năm trong nghề với 20 bằng khen, giải thưởng báo chí; vất vả, thăng trầm, những vui buồn trong nghề chị đều từng nếm trải. Hồng Thúy tâm sự: “Khi đoạt giải báo chí mình vui lắm nhưng ngay lập tức mình phải quên đi, nếu không mình sẽ tự mãn. Nghề báo mà tự mãn là giẫm chân tại chỗ và không làm được điều gì hết”. Năm 2009 - 2010 và 2011 có lẽ là năm khó khăn nhất trong đời chị, đang mang thai và có con nhỏ, chị còn gặp phải một căn bệnh nguy hiểm, được các bác sĩ xác định là tiền ung thư. Việc điều trị tốn kém, khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng vượt lên để sống tốt, sống lạc quan, vẫn đảm bảo mọi công việc được giao.

Chị chia sẻ: “Khi mang thai, bác sĩ khuyên tôi phải bỏ thai vì sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Trường hợp bệnh của tôi là rất hiếm ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới, nhưng tôi cương quyết giữ con. Khi con trai được năm tháng, tôi vào bệnh viện thử BhCG và kết quả là máu tăng cao. Bác sĩ cho tôi hai ngày để cai sữa và nhập viện. Tôi căng sữa nên sốt cao, hết sốt, tôi chích mũi hóa chất đầu tiên, đau đớn tột cùng! Vì con còn nhỏ nên tôi xin điều trị ngoại trú, buổi sáng tôi tự chạy xe đến bệnh viện chích thuốc, xong quay lại cơ quan, đi thực tế, viết bài, tối lại về với con. Mọi đau đớn, những cơn vật vã của hơn 30 mũi hóa chất như được xoa dịu khi tôi nhìn thấy con thay đổi, lớn lên từng ngày.

Thục Minh (thường trú tại Singapore, Báo Thanh Niên): Tự tin hội nhập

But la trai tim

Phỏng vấn tuyển thủ Việt Nam tại AFF Cup 2008 - Ảnh: Bạch Dương

Cách nay hơn 5 năm, tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo về điều tra tham nhũng do UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) tổ chức, khi chia nhóm tham gia trò chơi, Thục Minh bị trừ điểm vì “dí” đội bạn đến cùng, dù đội bạn đã “tắc tị” trước câu hỏi của cô. Bù lại, giảng viên hôm ấy khẳng định: Sự quyết liệt đó rất cần thiết cho nghề báo. Quả thật, từ buổi đầu làm báo đến nay đã tám năm, Thục Minh luôn duy trì được sự “lăn xả” đến tận cùng sự thật trong những đề tài mình trăn trở.

Đọc những bài viết gây choáng từ dư luận xã hội đến chính quyền sở tại của Thục Minh ở Singapore, như loạt bài về gái mại dâm Việt tại Singapore, hay người Việt bị “móc túi” khi đến Singapore chữa bệnh, cứ tưởng nghề báo đã vận vào Thục Minh từ kiếp nào, kỳ thực, bước vào đời của cô gái nhỏ nhắn này chẳng hề liên quan gì đến báo chí. Năm 1998, Thục Minh tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên, là một trong những thủ khoa của trường. Cô gái quê Ninh Hòa (Khánh Hòa) quyết định lập nghiệp ở TP.HCM, từng làm việc bốn năm tại Công ty Thoát nước đô thị trước khi được học bổng toàn phần của Vương quốc Bỉ về chương trình thạc sĩ Sinh thái học nhân văn.

Những tháng ngày học tập ở nước ngoài là lúc Thục Minh “bén duyên” với Báo Thanh Niên. Đầu năm 2005, cô thử sức bằng những bài viết về du học sinh. Khoảng tháng 5/2005, Ban Thanh Niên Online tuyển người, Thục Minh nộp hồ sơ làm… cộng tác viên, nào ngờ được ký hợp đồng chính thức từ tháng 8/2005, dù ban biên tập biết là phải đến tháng 10/2005 cô mới hoàn tất việc học, trở về Việt Nam.

Trong hai tháng ở Bỉ làm luận văn tốt nghiệp, cái tên Thục Minh đã thu hút sự chú ý của bạn đọc qua những bài viết “nặng ký” như nước tương Chinsu bị cơ quan chất lượng an toàn thực phẩm Bỉ phát hiện có lượng chất độc 3 - MCPD vượt mức cho phép nhiều lần, tiền tỷ vào túi nhà tư vấn nước ngoài mà TP.HCM vẫn lụt… Đáng chú ý, đề tài nước tương Chinsu, buổi đầu, báo chí trong nước đưa tin theo bản tin tại Bỉ, riêng Thục Minh tìm đến tận nơi, hỏi cặn kẽ và được cung cấp đầy đủ kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bỉ.

Thục Minh cho rằng, việc được đào luyện trong môi trường nghiên cứu khoa học đã cho cô khả năng tư duy logic, kỹ năng thu thập thông tin, viết lách chính xác, khoa học và cẩn trọng. Điều này đã giúp một người “tay ngang” như cô đạt không ít thành quả trong nghề báo. Nhưng, người viết bài này lại thấy, chính cá tính “không chịu ngồi yên”, không ngại… sự thật và không ngừng học hỏi của Thục Minh đã tạo nên một nữ nhà báo độc lập tác chiến hiệu quả trong vai trò phóng viên thường trú của Thanh Niên tại Thái Lan (từ tháng 9/2006 - tháng 6/2007) và Singapore (từ tháng 7/2007 đến nay).

Là phóng viên Việt Nam thường trú ở nước ngoài, theo Thục Minh, giỏi ngoại ngữ là kỹ năng vô cùng quan trọng, nhưng việc chủ động hòa nhập với cộng đồng báo chí quốc tế cũng là điều không thể không làm. “Chân ướt, chân ráo” đến Thái Lan, Thục Minh và đồng nghiệp Việt Phương lên mạng tìm cách liên hệ với CLB nhà báo nước ngoài để đăng ký thành viên. Chắc là “hàng hiếm” nên họ được giảm lệ phí hàng tháng từ 3.000 baht còn 900 baht. Đây là bước đệm để Thục Minh thâm nhập xã hội Thái Lan, vì CLB còn quy tụ những thành viên bán chính thức là trí thức, chính trị gia, doanh nhân… Buổi tối, rời khỏi lớp học tiếng Thái là Thục Minh tìm đến CLB vì nơi này luôn có điều gì đó gọi là… thông tin.

Sáu năm qua, là thành viên duy nhất của Thanh Niên thường trú tại Singapore, nơi có môi trường báo chí sôi động hơn hẳn Thái Lan, Thục Minh thỏa sức tung hoành với nhiều bài viết sắc sảo. Như loạt bài về gái mại dâm Việt, thư ký báo chí của ông Lý Quang Diệu từng hỏi “khó” Thục Minh “tại sao lại viết Singapore là điểm đến của nạn buôn người”, cô bình tĩnh giải đáp là “tôi muốn phản ánh cho những phụ nữ Việt, dù là tự chọn con đường này cũng phải nhận thức đầy đủ hơn về khó khăn họ có thể gặp phải ở đây”. Thục Minh cho biết: “Làm báo luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, chính xác. Với các đề tài gai góc, tôi còn phải luôn chuẩn bị tâm lý để đối diện với sự phản ứng của đối tượng. Tôi có may mắn là tòa soạn đã làm được điểm tựa nhạy bén, tinh tế trong việc xử lý bài viết của tôi”. Vì vậy, sáu năm ở Singapore, Thục Minh chưa khi nào… bị kiện.

Trong các cuộc họp báo quốc tế, Thục Minh luôn chọn chỗ ngồi ở hàng ghế đầu và mạnh dạn đặt câu hỏi vì: “Chỉ có 15 - 20 phút dành cho vài trăm nhà báo, mình không thể lọt thỏm và lặng thầm ở đó”. Khi tôi hỏi, nữ nhà báo nhỏ nhắn như Thục Minh có thiệt thòi gì khi tác nghiệp cùng các nam nhà báo quốc tế, cô bật cười: “Đúng là rất vất vả khi chen lấn để chụp hình”. Nhà báo Thục Minh tên thật Nguyễn Thị Thục (sinh năm 1976) vẫn ngùn ngụt ngọn lửa đam mê với nghề báo, vì “công việc này cho mình thỏa chí tang bồng, cho mình cơ hội chia sẻ tình cảm, suy nghĩ đến với nhiều người”.

Quỳnh Mai - Thục Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI