Buông bỏ và mở lòng má ơi, mùa xuân tới rồi

17/01/2020 - 17:38

PNO - Có vẻ như má chia cuộc đời thành hai khúc, khúc có người đàn ông bên cạnh khi má còn nguyên vẹn tin yêu, và khúc sau đó kéo dài đến nay…

 

Sáng Chủ nhật, rủ má đi ăn sáng. Trước đó tôi đã phải dò trên mạng để tìm ra quán mà tôi hy vọng má vừa ý. Má thích những món mà tên gọi của nó có kèm theo cái đuôi địa danh như bún bò Huế, mì Quảng. 

Cô chủ bưng hai tô bún bò bốc khói đặt trên bàn. Tôi hít hà, mình ăn má ơi, đói bụng quá rồi. Má cầm đũa khều khều lớp hành ngò và nhúng đũa sâu xuống thêm một chút, rồi má nếm đầu đũa và nhún vai “bún bò Huế đúng như hồi đó là đậm đà chứ đây hơi ngòn ngọt”.

Bao lần hy vọng má hài lòng mà những nhận xét kiểu vậy cứ lặp lại hoài nên tôi quen tai, đành chỉ biết nói “chủ quán biến tấu đôi chút cho hợp khẩu vị với khách ở đây, má thích đậm đà và cay thì nêm thêm chút nước mắm ớt nghen”.

Tôi cầm muỗng múc nước mắm và hạ một câu “hôm bữa chương trình sức khỏe trên ti vi khuyên không nên ăn mặn với cay quá, má không nhớ hả?”. Má ngần ngừ một chút rồi xòe tay che tô bún lại, ý là chỉ vì tôi nhắc nhở tới sức khỏe nên má đành không nêm thêm chứ chẳng phải là tô bún đúng kiểu đâu nghen.

Công viên thành phố tổ chức hội hoa xuân, tôi đưa má ra đó dạo chơi chụp hình. Thấy tôi lấy trong túi xách ra mấy cái khăn quàng đủ màu này kia, má lắc đầu “màu mè nhiều chuyện quá”. Tôi choàng cái khăn màu vàng cam qua vai má, hội hoa tưng bừng màu sắc, mình thêm mấy cái khăn này gọi là góp phần rực rỡ cho mùa. Tận hưởng đi thôi.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong khi tôi sửa sang cái khăn cho gợn lên những nếp mềm mại thì má nhìn những cặp đôi đang tạo dáng quanh đó, những cặp trẻ trung nhí nhố đã đành, trung niên cũng xí xọn không kém. Vừa xong mấy kiểu làm duyên làm dáng ở vạt hoa hồng và đôi chân dợm chuyển qua phía vạt hoa violet thì cùng lúc mở ví lấy ra mấy thỏi son và tíu tít thắc mắc “nền là hoa màu tím thì nên tô son màu gì cho hợp hả?”. “Người đẹp thì son màu xanh lá me cũng đẹp”.

Tiếng cười rộ. Má lắc đầu “bây giờ chẳng phân biệt nổi ai với ai, lớn tuổi cũng nhiều chuyện chẳng khác bọn trẻ”. Tôi kêu lên “ai cấm lớn tuổi không được vui. Má cũng nên cười nhộn như vậy đi”, nhưng má tiếp tục nhìn quanh mà như nhìn đâu xa xôi lắm…

Má là thợ may, công việc làm đẹp cho người. Má hay kể hồi chị em tôi còn nhỏ, thường là qua giờ cúng giao thừa má mới may áo quần mới cho con cái chứ trước đó thì phải lo may đồ cho khách để có tiền mua sắm tết. Nhà có bốn đứa con, đứa nào kịp có áo mới vào sáng mùng Một thì coi như trúng số. Má vừa tiếp đón họ hàng tới chúc tết vừa tranh thủ may, tôi là chị lớn phải nhường cho các em nên thường tới mùng Hai, mùng Ba tôi mới được mặc áo mới.

Ngày tết, nhà tôi chỉ tươm tất được phòng khách, còn lại thì mọi thứ lu xà bù vì má đâu có rảnh tay mà dọn dẹp sắm sửa cùng lúc. Cứ tranh thủ quơ quào chút này chút kia xen kẽ giữa việc đứng lên ngồi xuống với cái máy may. Mùng Một tết chị em tôi… cầu mong đừng có ai tới chúc tết để má rảnh tay mà may một lèo cho cả bốn đứa đều có áo mới.

Đúng lễ nghĩa là mùng Một chúc tết cha mẹ, vậy nên tôi khi đó mới hơn chục tuổi đầu đã được (bị) nhận nhiệm vụ thay má dắt mấy đứa em tới nhà ngoại chúc tết vào mùng Một. “Má tụi bây tham công tiếc việc quá nên năm nào cũng cập rập”. Ông bà ngoại làu bàu làm ra vẻ bực mình vậy là để các cậu, dì, cô, chú thấy rõ ông bà không thiên vị đứa con nào, để rồi sau những chúc tụng, ngoại kéo tôi ra sau bếp và nhét vô túi tôi một phong bao đỏ thắm dày dặn và thì thầm. “Đây là ngoại lì xì cho má tụi bây, đừng có khoe ồn ào mấy cậu, mấy dì biết nghe chưa”.

Trên đường về, chị em tôi hỏi nhau lần này nhận lì xì má có khóc như năm ngoái năm kia không? Tuổi mười hai hồi đó tôi chưa hiểu được tại sao khi tôi chìa ra cái phong bao và nhắc lại từng chữ trong câu dặn dò của ngoại thì má chảy nước mắt. Rồi như sực nhớ ra chị em tôi đang tròn mắt ngạc nhiên trong nỗi hoang mang (sao được lì xì mà lại khóc?), má vội lau nước mắt, mỉm cười và phân bua “chỉ con nít mới được lì xì thôi, má lớn rồi mà còn được ngoại lì xì nên cảm động quá”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những chuyện kể nhớ về hồi đó khiến chị em tôi thương má nhiều lắm. Ai cũng muốn làm gì đó cho má vui. Nhưng biết sao được trong khi má cứ mãi ngoái nhìn hồi đó để so sánh với bây giờ, mà hồi đó của má thì lúc nào cũng ngon lành hơn, nền nếp hơn, đằm thắm hơn… Còn chị em tôi thì lại thấy hồi đó của má vất vả, cực nhọc biết bao, chưa kể nếu thật sự đằm thắm thì sao ba của chúng tôi chỉ còn là người đàn ông trong chuyện kể đôi khi? 

Và tôi còn nhận ra, dù điều này chưa bao giờ thốt thành lời, rằng má né tránh mùng Một không tới nhà ngoại vì mặc cảm với cậu, dì ai nấy đều đủ đôi đủ cặp. Gặp nhau ngày thường không sao, nhưng không khí quây quần sum vầy gắn bó ngày tết khiến vết thương má giấu kín tận đáy lòng có dịp trồi lên… 

Rồi tôi hiểu ra vì sao má nhìn lại hồi đó với nhiều lưu luyến vậy, bởi vì hồi đó có ba tôi, người đàn ông bỏ má mà đi khi bốn đứa con còn nheo nhóc.

Có vẻ như má chia cuộc đời thành hai khúc, khúc có người đàn ông bên cạnh khi má còn nguyên vẹn tin yêu, và khúc sau đó kéo dài đến nay… 

Tôi hiểu ra má còn nhớ ba nhiều lắm, nhớ với nỗi oán trách hay buồn thương, tôi không phân định rạch ròi được, có lẽ pha trộn cả hai. Má nhớ khi ngồi trước tô bún bò Huế nghi ngút khói, món mà ba rất thích và thường đòi nêm thêm nước mắm nhĩ cho mặn mòi, và thêm ớt nữa dù tô bún đã đỏ au màu ớt. Má nhớ khi dạo chơi hội hoa xuân, nơi gợi nhắc đến lần đầu tiên má gặp ba, người thợ chụp ảnh dạo.

Má nhớ khi em út (ai cũng nói giống ba) kể chuyện tiếu lâm khiến cả nhà bật cười, má làu bàu, con trai mà mồm miệng lẻo mép kiểu đó đừng có mà làm khổ con gái nhà người ta nghe con. Má nhớ khi giở cuốn album cũ kỹ, những tấm hình có ba vẫn còn đó. Có phải má còn mong manh hy vọng một sự quay về hay đơn giản là muốn chị em tôi biết gốc tích của mình? 

Bất kể phỏng đoán của tôi là gì thì nhớ vẫn là nhớ. Mỗi lần rủ nhau quán xá hoặc cuộc đi chơi đâu đó, nghe má bắt đầu bằng hai tiếng “hồi đó” là tôi những muốn gạt phắt đi. Tôi từng oán trách người đàn ông của gia đình mình nhưng bây giờ thì không, nuôi giữ nỗi giận hờn chỉ nặng lòng thêm chứ chẳng ích gì. Và tôi cũng muốn má đặt gánh quá khứ lại đằng sau, xếp hồi đó vào ngăn ký ức xa đúng chỗ của nó, không cho phép nó khiến mình bận lòng nữa.

Nỗi nhớ ghim má lại mà thời gian thì vun vút trôi qua. Nhổ tóc sâu cho má, tôi thủ thỉ, con mua tour du lịch má đi chơi gặp gỡ người này người kia cho vui nghen. Tôi nhấn mạnh “người này người kia” đầy ẩn ý. Má hừ trong cổ, chừng này tuổi còn gặp người này người kia làm gì cho rắc rối, mới gặp một người đã thấy rối mù. A ha, nói vậy là đâu phải má không hiểu lòng tôi. Đời mà không rắc rối sao gọi là đời má ơi. Mặc kệ đi mà, rối tới đâu gỡ tới đó khúc nào xong khúc đó, chẳng ai biết trước cuộc đời ra sao cho nên hãy cứ sống vui trong hiện tại.

Mới vài chục sợi tóc sâu thôi, xin má đừng để tới khi bạc trắng sẽ rất đáng tiếc. Hãy buông bỏ và mở lòng má ơi, gió mùa xuân xôn xao nhường kia… 

Nguyên Hương 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI