"Bom" ngầm sau 0 giờ

02/04/2013 - 16:45

PNO - PN - Khi kim đồng hồ vừa nhích qua ngày mới, hai “chân dài” trong bộ trang phục thiếu vải bước lên, xốc lại phấn khích cho những vị khách đang lừ đừ vì rượu mạnh. Tại TP.HCM, tiết mục “giải nhiệt” như vậy diễn ra không ít...

Từ đụng độ triền miên…

Đêm cuối tuần, chúng tôi có mặt tại quán cà phê N.Tr. trên đường Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp. Nhiều dân chơi đêm rỉ tai nhau rằng, ở đây chỉ treo bảng cà phê để kinh doanh vào ban ngày, nhưng thực sự là kinh doanh quán bar vào buổi tối. Sau khi bar Monaco đóng cửa vì nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là từ vụ giang hồ thanh toán nhau, dân chơi ở vùng ven phía Gò Vấp, Q.12 đổ về bar N.Tr. nhiều hơn. Khoảng 23g, chúng tôi bước vào bar N.Tr. trước màn cúi chào lịch lãm, đon đả của nhân viên gác cửa. Phía sau cánh cửa gỗ có gắn mút cách âm, một thế giới náo nhiệt, đặc sệt mùi thuốc lá hiện ra. Đập vào mắt chúng tôi là khoảng 20 bàn rượu, hai bàn múa cột, ba băng ghế salon sát các vách tường. Gần nửa đêm, nhạc dập mạnh hơn. Hai nhóm thanh thiếu niên mới xuất hiện góp thêm phần phấn khích vào đám đông khoảng 100 khách đang nhún nhảy, nốc rượu liên hồi. Một nhóm muốn đổi bàn với chúng tôi, đã nhờ vệ sĩ tiến đến ghé sát tai năn nỉ: “Tụi nhỏ muốn đứng gần loa cho “dễ lên”, các anh thông cảm”. Khi vị trí đã hoán đổi, vệ sĩ được boa ngay tờ 100.000đ. Người bạn đi cùng tôi nói: “Nhìn tụi này là biết cắn thuốc lắc, hoặc “đập đá” rồi nên phải đứng gần loa nghe nhạc mới phê”.

Dù đã rạng sáng, hàng trăm người vẫn chìm trong nhạc và rượu

Quả đúng như nhận định, cả nhóm đòi đổi bàn với chúng tôi cứ nhắm nghiền mắt như chìm vào một thế giới khác, hai chai Chivas 18 trên bàn chưa vơi giọt nào. Khi kim đồng hồ nhích qua ngày mới, màn múa cột bốc lửa bắt đầu nhằm "lên dây cót" cho những vị khách đang lừ đừ vì rượu mạnh. Trong trang phục “tiết kiệm vải”, hai cô gái bước lên hai bục tròn trước những tiếng hò reo của khách. Cô gái mặc váy màu vàng để lưng trần xăm hình bọ cạp bắt đầu nắm tay vào cột xoay tròn trong khi “đồng nghiệp” thực hiện màn bắt chéo chân suýt thất bại vì một khách búng tàn thuốc lá lên trên. Sau hành động “không đẹp” này, một vệ sĩ lao đến phía vị khách định tấn công. Tuy nhiên, nhóm đi cùng người này cũng không vừa, đã cầm sẵn chai và ly giơ lên chuẩn bị đáp trả. Cả bar nhao nhao như sắp xảy ra đụng độ. Không khí như muốn nghẹt thở, lại được đám thanh niên vỗ tay kích động liên tục “các bạn cố lên”…

Theo ghi nhận của chúng tôi, các bar luôn có nguy cơ đụng độ cao vì đa phần khách hàng là thanh thiếu niên ở độ tuổi sẵn máu “anh hùng”, không ít trong số đó là các đối tượng hình sự, đến bar để xài tiền có được từ trộm cắp, cướp giật. Như vụ đâm chém chết người tại quán bar 39 (Hóc Môn) chỉ vì "tội" nhìn đểu, vụ giết người tại quán bar Now (Q.12), vụ hỗn chiến ở bar Sky (Q.3) khiến một người bị đâm thủng bụng, đứt động mạch, vụ nổ súng bắn người trọng thương tại bar 030 Club (Q.1)...

Một nhóm dân chơi bị đưa về công an Q.3 test ma túy

Phụ nữ hút Shisha ở bar V. Q.1

Đến những chiêu trò bẩn

Ông M., từng làm chủ một bar ở Q.1 cho biết, kinh doanh bar tại TP.HCM, nhà đầu tư ngoài khả năng “thóc, lúa” dồi dào còn cần những mối quan hệ xã hội khá phức tạp để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Một trong số những quan hệ này là cách thể hiện thái độ trước những băng nhóm “anh lớn, chị cả” muốn nhảy vào bảo kê. Theo ông M., không chỉ thu tiền “hụi chết” theo từng tháng, có băng nhóm còn đánh tiếng đòi chung tiền trước cả năm, nếu không sẽ cho người quậy phá khiến khách không dám đến bar. Vì kinh doanh dịch vụ nhạy cảm nên nhiều chủ bar không dám trình báo công an mà cắn răng chung chi.

Trong danh sách các băng nhóm bảo kê bị trinh sát hình sự theo dõi, B. “a-còng” là cái tên khiến nhiều chủ bar, vũ trường ở TP.HCM ngán nhất vì độ hung hãn và liều lĩnh. Từng đi cai nghiện ma túy về và có “thành tích” một tiền án “cố ý gây thương tích”, B. “a-còng” tập trung nhiều đàn em tại Q.Tân Phú để đòi nợ thuê, bảo kê các cơ sở kinh doanh. Khoảng cuối năm 2012, B. “a-còng” dẫn đàn em đến bar S. trên đường Nguyễn Thị Diệu, Q.3 quậy phá, đòi bảo kê với chi phí hàng chục triệu đồng một tháng. Yêu cầu vô lý này không được đáp ứng, băng nhóm của B. “a-còng” tiếp tục nhiều lần kéo đến đe dọa “xử đẹp” các vệ sĩ ở bar S. Đỉnh điểm của sự việc là khi B. “a-còng” cùng bốn sát thủ kéo đến bar S. tưới xăng trước cửa đòi đốt. Sau đó, chưa có tín hiệu “quy hàng” của chủ bar, B. “a-còng” dẫn thêm hai đàn em nữa mang mã tấu đến uy hiếp nhân viên bảo vệ, đập phá đồ đạc trong bar rồi bỏ trốn.

Ăn chơi sau 0g tại các quán bar “chui” là cảnh thường thấy ở TP.HCM

Bên cạnh thực trạng đòi bảo kê ở các bar, trong những ngày thâm nhập các tụ điểm này, chúng tôi ghi nhận không ít chiêu “bẩn” do chính các chủ quán bar dành… tặng đối thủ cạnh tranh.

Bà Th. quản lý một quán bar tại trung tâm thành phố kể, bar C. khai trương vào năm 2012, được nhiều khách nước ngoài đến chơi. Vào một đêm cuối tuần đông khách, bar C. xuất hiện năm vị khách ăn mặc hầm hố, tay xăm trổ vằn vện vào chơi. Sau khi nhóm người này uống hết hai chai rượu, cả bar bỗng xộc lên hơi cay khiến khách trong bar nước mắt chảy đầm đìa. Khi thấy nhiều khách bỏ về, nhóm người này mới tính tiền bước ra. Qua ngày hôm sau, giới kinh doanh quán bar có tin đồn bar C. giá đắt đỏ, nhưng dịch vụ quá tệ, đường ống dẫn gas trong tòa nhà “cùi bắp” làm khách đến chơi bị tổn thương ở mắt do hơi cay. Qua tìm hiểu, bà Th. biết được nhóm người này do một quản lý bar khác trong khu vực điều động đến. Lý do là sau khi bar C. hoạt động, bar của người này mất nhiều “khách ruột”.

Tuấn, một vệ sĩ từng làm ở bar B. (Q.3) cho biết: “Từng có một em “chân dài” đến bar chơi. Vừa bước ra khỏi cửa bỗng té xuống, mắt trợn ngược”. Người đàn ông đi cùng cô gái thấy vậy chạy ngược vào trong yêu cầu DJ tắt nhạc rồi hét lên “rượu giả, rượu có độc”. Sau khi hai vị khách lên taxi “đi bệnh viện cấp cứu”, nhiều khách trong bar bỏ về và yêu cầu miễn trả tiền rượu. Một tuần sau, có tin đồn bar B. không cho một chủ bar khác góp cổ phần nên bị “dìm hàng”, có nguy cơ “đóng cửa”. Một chiêu khác được giới kinh doanh bar ưa dùng là chiêu “thổi tai”. Đây là tiếng lóng dùng để chỉ việc gọi điện hoặc làm đơn tố cáo nặc danh đến cơ quan chức năng. Thông thường đa số bar đều vi phạm lỗi hoạt động quá giờ quy định nên nếu đoàn kiểm tra xuất hiện là y như rằng quán bar bị phạt.

Công an lật các băng ghế salon tìm thuốc lắc mà dân chơi cất giấu tại bar Y. trên đường Nguyễn Thị Minh Khai

Rượu ngoại bị phân loại thu giữ khi cơ quan chức năng ập vào bar Shadow trên đường Lê Thánh Tôn

Lỗ hổng quản lý

“Tội phạm đang trẻ hóa rất nhanh bắt nguồn từ việc nhiều gia đình không có biện pháp quản lý con em mình từ sinh hoạt cho đến ý thức pháp luật. Nếu có sử dụng chất kích thích thì dễ dẫn đến các vụ đâm chém, bắn giết nguy hiểm cho xã hội”, Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm phân tích.

Sau 0g, khi trạng thái tinh thần mệt mỏi, cộng với tiếng nhạc, rượu mạnh, thậm chí là ma túy thì chỉ cần một xô xát nhỏ cũng có thể dẫn đến hành vi cuồng loạn, không kìm chế kịp được. “TP.HCM cần siết chặt quản lý kinh doanh tại các bar, vũ trường. Cụ thể là tổ chức kiểm tra hành chính bất ngờ, thường xuyên xử phạt nghiêm, kiên quyết rút giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần. Chỉ có như thế mới kéo giảm được án mạng tại những nơi được xem là “thế giới về đêm”, ông Đức nói.

Ông Lê Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết: Việc rút giấy phép sau khi vi phạm nhiều lần là chuyện nằm trong khả năng xử lý. Tuy nhiên, các chủ bar, vũ trường “chui” tại TP.HCM đã có nhiều chiêu đối phó để tiếp tục hoạt động. Theo đó, với quy định xử phạt hiện hành, thì khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng biến tướng thành bar, vũ trường sẽ bị xử phạt hành chính, sau khi xử phạt hành chính ba lần sẽ chuyển sang hình thức xử lý hình sự. Nhưng mấu chốt ở chỗ, để tránh bị xử lý hình sự, các chủ nhà hàng sẽ đổi tên người đại diện trong giấy phép kinh doanh mới rồi vẫn hoạt động như cũ. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn gặp khó khăn là việc bị hệ thống “ăng-ten” của các chủ kinh doanh theo dõi ngược, không ít lần đi kiểm tra bị lộ.

Bà Vũ Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM cho biết: “Khi chúng tôi thâm nhập thực tế để kiểm tra mới thấy còn quá nhiều vấn đề nhiêu khê do chính từ hệ thống quản lý mà ra, đặc biệt là khâu cấp phép”. Theo bà Kim Anh, nhiều trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng rút giấy phép, nhưng chỉ vài ngày sau đã được cấp giấy phép mới với tên cơ sở mới. Có chủ kinh doanh còn “sở hữu” sẵn vài giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để xoay chuyển nhanh khi bị rút giấy phép vì sai phạm.

VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI