Biết làm, khó cũng hóa dễ!

22/07/2013 - 11:28

PNO - PN - Góp ý văn bản dự án luật hay triển khai giám sát không phải là thế mạnh của cán bộ, hội viên phụ nữ (HV PN), thế nhưng thời gian qua, các cấp Hội PN đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực này. Đâu là chìa khóa? Câu...

Gắn với cuộc sống

Mời HV PN tham gia góp ý các văn bản dự án luật, đa số đều “lắc đầu, xua tay” bởi các chị cho rằng, mình không đủ trình độ, kiến thức; nhiều văn bản luật lại “khô” và đôi lúc rất khó hiểu. Vì vậy, Quận Hội đã vận dụng phương thức “bắc cầu”, chia nhỏ từng phần trong bộ luật để HV góp ý - chị Trần Thị Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.10, TP.HCM nêu bí quyết. Ví dụ đợt góp ý, bổ sung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau khi đã mời báo cáo viên thuyết trình, Quận Hội còn mời các HV là nữ luật gia, nữ trí thức... tiên phong góp ý; chọn lọc những điều liên quan đến PN và trẻ em, bình đẳng giới phổ biến đến từng HV; tiếp đó, Hội phân ra từng đối tượng PN như PN dân tộc - tôn giáo, nữ thanh, nữ lao động nhập cư để mời họ tham gia.

Cách làm này của Hội LHPN Q.10 đã giúp HV hăng hái tham gia, bởi những điều họ góp ý đều xuất phát từ những bức xúc, trăn trở trong cuộc sống thường ngày. Kể cả những PN trình độ thấp cũng có ý kiến xác đáng, không còn thấy góp ý luật là khô, là khó nữa mà rất gần gũi, mang hơi thở cuộc sống. Nhờ đó, Hội đã tổ chức được 119 cuộc với 664 người tham gia góp ý.

Là một trong những đơn vị làm tốt công tác giám sát, Hội LHPN Q.3, TP.HCM không chỉ xem đây là “tấm lưới” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của PN và trẻ em, mà còn cùng các ban ngành địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đơn cử, Hội đã vào cuộc ngay khi biết một trường mầm non xuống cấp đã lâu nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép sửa chữa. Nhiệt tình là thế, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.3, TP.HCM vẫn trăn trở: “Hiện nay, cách thức giám sát vẫn chưa có văn bản điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể, nhiều nơi chưa quan tâm. Khi Hội PN tham gia giám sát, nhiều cơ quan hỏi: “Hội PN có cần thiết không mà giám sát?”. Việc phối hợp với các ban ngành còn nhiều khó khăn. Nhiều Hội PN cơ sở còn chưa biết chọn nội dung giám sát".

Biet lam, kho cung hoa de!

Nữ SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tham gia buổi góp ý Dự thảo Hiến pháp năm 1992 do Hội LHPN TP tổ chức

Cần bản lĩnh

Nhiều lần tham mưu và cùng với UBND kiểm tra, cưỡng chế, kỷ luật đối với các trường mầm non không thực hiện chính sách ưu tiên cho trẻ, đồng thời có nhiều ý kiến phản biện thấu tình với các văn bản dự thảo luật, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - cán bộ chuyên trách công tác chính sách - luật pháp Hội LHPN H.Nhà Bè, TP.HCM bộc bạch: “Với từng nhiệm vụ, người cán bộ Hội ngoài lòng nhiệt tình còn phải kiên trì, đeo bám sự việc, đừng thấy sự việc sai nhưng có liên quan đến chính quyền mà bỏ qua. Trong công tác này, rất cần bản lĩnh của người cán bộ Hội, chị em phải dũng cảm, nếu kiến nghị mà không được giải quyết thì đấu tranh đến cùng”.

Để việc góp ý văn bản dự án luật thời gian tới đạt kết quả cao hơn, chị Nguyễn Thị Dợn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Nữ làm công tác pháp luật Hội LHPN Q.6, TP.HCM đề xuất: “Hội LHPN TP cần cung cấp đầy đủ đến các cơ sở Hội; dành khoảng hai tuần để HV nghiên cứu, có những ý kiến xác đáng chứ đừng theo kiểu “góp cho có” như hiện nay”.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội LHPN đã có rất nhiều đóng góp cho các văn bản dự án luật và khá thành công trong công tác giám sát, góp phần cùng TP giải quyết những vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Để chọn nội dung giám sát, ngoài việc phù hợp với địa bàn, chị em cần quan tâm đến những vấn đề nổi cộm, những bức xúc trong dư luận, những vấn đề liên quan đến PN và trẻ em. Đồng thời, chú ý lồng ghép những vấn đề về giới trong việc góp ý văn bản luật”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI