Bản quyền xuất bản: Kiện “củ khoai”

03/05/2014 - 07:43

PNO - PN - Thêm một vụ kiện bản quyền xuất bản nữa đi vào chỗ bế tắc, làm nản lòng bất cứ ai muốn theo đuổi tranh chấp sở hữu trí tuệ.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Vô phúc” mới “đáo tụng đình”, nhưng hôm 29/4, Công ty văn hóa First News (FN) (TP.HCM) lại chịu thêm gáo nước lạnh khi bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thanh Trì (Hà Nội) bác đơn trong vụ kiện sách của đơn vị này bị in lậu. Theo đơn khởi kiện, ngày 12/11/2011, cơ sở gia công sau in Huy Thi (HT) nằm trong khu tập thể nhà máy in Bộ Tổng tham mưu (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị lực lượng PC46 Công an Hà Nội bắt quả tang in lậu gần 10.000 cuốn sách, trong đó có các ấn phẩm của FN như Quẳng gánh lo đi và vui sống, Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt. Đường đi của vụ kiện tóm tắt như sau: Tháng 7/2012, FN gửi đơn lên TAND Hà Nội khởi kiện HT đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Tháng 3/2013, FN gửi đơn kiện bổ sung. Ngày 20/5/2013 phiên xét xử sơ thẩm diễn ra nhưng đại diện HT không có mặt. Một tuần sau, hai bên hòa giải bất thành. Ngày 25/6/2013, đơn kiện được chuyển về TAND huyện Thanh Trì thụ lý, sau đó HT đề nghị bồi thường nhưng FN không đồng ý. Cho rằng yêu cầu bồi thường (790.080.000đ) của FN là không có căn cứ thiệt hại cụ thể, tòa đã bác đơn kiện.

“Tất cả đều bất ngờ khi TAND huyện Thanh Trì xử có lợi cho cơ sở in sách lậu lâu năm HT. Kết quả này hết sức vô lý vì vụ phá án có mặt cơ quan chức năng PC46, Đội Quản lý thị trường và số tiền thiệt hại từ vụ in lậu sách lên đến hơn nửa tỷ đồng”, luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Công ty luật quốc tế Thiên Việt, đại diện pháp luật của FN cho biết. Sách bán chạy của FN bị in lậu trên địa bàn Hà Nội đã trở thành chuyện cơm bữa, nên đơn vị này rất bức xúc với bản án, cho biết sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

“Lằng nhằng” không kém là vụ Trường Đắc Nhân Tâm - Dale Carnegie Việt Nam kiện ông Lê Như Hiếu về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với đơn vị này, được TAND TP.HCM thụ lý đơn hồi đầu tháng Tư. Bị đơn được cho là đã dùng tài liệu, sản phẩm, chương trình của Dale Carnegie Việt Nam để giảng dạy, khai thác. Nhưng, nguyên đơn cũng bị tố ngược là đã vu khống, xâm phạm quyền cá nhân, quyền cạnh tranh đối với bị đơn. Diễn biến vụ việc với bao phen khởi kiện - thỏa thuận - đình chỉ, rồi tái khởi kiện, từ năm 2012 đến nay.

Ban quyen xuat ban: Kien “cu khoai”

Một số chứng cứ từ vụ in lậu sách của cơ sở Huy Thi

Thuộc hàng “kỷ lục” phải kể đến vụ kiện giữa Công ty truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (PT) tranh chấp với ông Lê Phong Linh, tức họa sĩ Lê Linh (LL) về tác quyền đối với các nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt nổi tiếng. Khởi đầu, LL kiện PT để đòi quyền tác giả duy nhất đối với hình vẽ các nhân vật. Việc chưa xong, LL đã bị PT kiện lại về việc họa sĩ này dùng hình ảnh nhân vật Trạng Tý để tạo hình nhân vật trong bộ truyện khác. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, tòa sắp xử thì LL rút đơn kiện. PT lại phản tố, kiện ngược LL đòi bồi thường về việc bị cản trở việc thực hiện quyền tài sản…

Đã mười năm kể từ khi Việt Nam gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành đến nay cũng đã tám năm, nhưng tình hình vi phạm bản quyền vẫn bất ổn như “thuở ban đầu”. Các nạn nhân chẳng buồn đi kiện, các vụ kiện nếu có xảy ra thì phần lớn đi vào ngõ cụt, hãn hữu mới có một đôi vụ được giải quyết. Đáng nói là từ chỗ mạnh ai nấy vi phạm bản quyền khi hành lang luật bản quyền chưa có, đến lúc có các loại “luật chơi” thì nếu xảy ra kiện cáo, các bên lại kịch liệt tố nhau, đưa nhau về vạch xuất phát hỗn mang như chưa từng có luật. “Vấn đề bản quyền từ lâu đã rất phức tạp và khó quản lý, bởi chúng ta còn thiếu cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhẹ và hơn hết là ý thức của người Việt Nam trong vấn đề tôn trọng bản quyền chưa cao. Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp bản quyền nhưng không phải lần nào cũng giải quyết được thấu đáo. Đôi khi có những tranh chấp không đi đến đâu, nhưng đơn vị bị vi phạm vẫn phải lên tiếng đòi bồi thường, không phải vì sẽ đòi được số tiền lớn mà vì muốn khẳng định quyền sở hữu của mình”, luật sư Phan Vũ Tuấn, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, phân tích.

Tình trạng “kiện củ khoai” là không hiếm, nên dẫn đến chuyện dọa kiện rồi… thôi. Thậm chí một số đơn vị tên tuổi trong lĩnh vực xuất bản sau vài lần tuyên chiến với sách lậu đã buông tay vì thấy không khả thi.

Nhiều đơn vị đã tạm thời chuyển hướng, tăng cường những phương cách khác để giảm thiểu dần tình trạng bị vi phạm bản quyền, chẳng hạn như dán tem chống giả, chỉ dẫn người mua phân biệt hàng dỏm, vận động không mua hàng nhái, giảm giá bìa, khuyến mãi…, thay vì theo đuổi kiện tụng vất vả. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM vẫn cho rằng: “Câu hỏi là có cần bảo hộ bản quyền hay cứ xài chung đặt ra từ thế kỷ XIX, luôn chỉ có một câu trả lời là có, bởi nếu không có bảo hộ bản quyền thì không có tác phẩm. Không ai có quyền không biết về sở hữu trí tuệ, không biết thì đã không thể sống an toàn, nói gì đến chuyện kinh doanh”.

 Võ Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI