Chuyện tình "ông bà anh" khiến thế hệ sau rưng rưng cảm động

16/04/2021 - 11:30

PNO - Câu chuyện tình "ông bà anh" được người con trai chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận hàng ngàn lượt yêu thích.

Những câu chuyện tình yêu từ thời “ông bà anh” thường khiến thế hệ sau xúc động vì chạm đến tận trái tim. Cái chạm không nằm ở sự lấp lánh hay cuồng nhiệt mà đến từ sự mộc mạc, giản dị, coi trọng những giây phút được sống bên cạnh người bạn đời và thương thì thương đến tận cùng.

Mới đây, câu chuyện tình đẹp của hai vị sinh thành được nhà báo Ngô Bá Lục kể lại trên trang cá nhân của anh.

Bài thơ trên tờ lịch cũ thầy mình mà nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ lại.
Bài thơ trên tờ lịch cũ được người chồng mượn lại lời thơ của tác giả cùng thời chép tặng vợ

Anh Ngô Bá Lục đăng hình chụp một bài thơ chép trên tờ lịch cũ và chia sẻ: “Sau khi mừng thọ 80 tuổi, thầy xé tờ lịch chép bài thơ vào mặt sau". Ông đã mượn lời thơ của tác giả cùng thời để bày tỏ nỗi lòng với vợ: 

Mất gì thì mất bà ơi

Xin trời để lại còn tôi còn bà

Năm 2013 thầy mất, sau khi lo hậu sự xong, cả nhà ngồi quây quần thì u lấy ra 2 cây vàng chia cho con cháu. Không ai tưởng tượng ra thầy u tích cóp được 2 cây vàng như thế nào. Ông bà thống nhất khi một trong hai người chết, sau đám tang, người còn lại sẽ chia vàng "hồi môn" cho con cái.

Bức ảnh duy nhất còn lại của thầy u nhà báo Ngô Bá Lục
Bức ảnh duy nhất còn lại của thầy u nhà báo Ngô Bá Lục

Nhớ lại câu chuyện về cuộc đời thầy u mình, nhà báo Ngô Bá Lục kể: “Thầy u mình lấy nhau được 5 năm, chưa có con thì thầy bị Pháp bắt đi tù tận bên Lào. Trước đó, bác cả mình cũng là du kích, bị chỉ điểm và bị quân địch bắn, hy sinh, để lại một cô con gái. Thầy mình bị bắt, mẹ sống ở nhà ông bà nội nên nhận nuôi con gái của bác. Đến năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, thầy mình được thả về. Hai năm sau đó, thầy u sinh anh cả”.

Ngần ấy năm chung sống, ông bà lúc nào cũng thương yêu nhau. “Ngày xưa, bà là một trong những người con gái đẹp nhất làng. Ông lấy được bà là một niềm hãnh diện rất lớn. Thời ông bị bắt và đi đày bên Lào, bà ở nhà dù nhiều người dòm ngó, nhưng vẫn một lòng chung thủy. Bà ở cùng bố mẹ chồng, nuôi con gái của bác cả và chờ chồng về đoàn tụ. Có lẽ vì vậy nên ông rất trân trọng bà. Từ khi mình có ý thức thì chưa bao giờ thấy ông bà cãi cọ hay ông đánh, mắng chửi gì bà. Hai người sống nhẹ nhàng, trải qua những ngày bình dị, mộc mạc, cố gắng tảo tần nuôi 8 đứa con ăn học nên người. Hồi xưa, người trong làng đều nói gia đình mình là tấm gương điển hình vì vợ chồng êm ấm, hiền lành, con cái ngoan ngoãn, học hành tử tế”, nhà báo Ngô Bá Lục kể thêm.

Niềm vui của bà là mỗi ngày được gọi điện và trò chuyện với con, cháu.
Niềm vui của bà là mỗi ngày gọi điện và trò chuyện với con, cháu

Nay mẹ anh Lục đã 90 tuổi, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà rất thích làm thơ, đọc thơ. Mỗi dịp như chúc thọ ai hoặc đám cưới của các cháu, bà đều làm thơ tặng. Bà còn có một quyển sổ tay chép thơ mà bà xem như người bạn thân.

Bà đã 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và có thể tự làm mọi việc chăm sóc bản thân.
Bà đã 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và có thể tự làm mọi việc chăm sóc bản thân

Nói về việc mẹ sống một mình, anh Ngô Bá Lục cho biết lý do: “Bao nhiêu lần con cháu họp để đón bà về sống chung, nhưng bà nhất mực không chịu. Bà vẫn khỏe, đi chợ, trồng rau, làm được mọi việc phục vụ bản thân nên muốn được chủ động. Tối đến, có các chị gái, chị dâu thay nhau vào ngủ cùng bà.

Bà bảo bao giờ yếu không làm được gì nữa thì bà sẽ sang ở với bác cả, còn hiện tại bà chưa muốn đi. Các con đành chiều bà, cho rằng việc ép bà đi ở với nhà ai cũng là chỉ để làm hài lòng các con, chứ không hiểu bà.

Bà cũng nói căn nhà đang sống là nơi bà ở từ khi mới lấy chồng, đã quen thuộc và có bàn thờ của ông ở ngay bên cạnh. Nếu đi ở với con cái, bà sẽ thấy không quen, cảm giác sẽ rất trống vắng”.

Lá Xanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI