Bài 5: Từ nâng đỡ đến giáo dục sức khỏe tâm thần

20/10/2018 - 13:00

PNO - Giáo dục luôn là phương pháp được ưu tiên trong lộ trình đồng hành chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nó không đóng khung trong một hay một vài phương pháp mà đó là sự rộng mở, dựa trên nền tảng kiến thức tâm lý khoa học.

Cần nguồn hỗ trợ kịp thời

Bai 5: Tu nang do den giao duc suc khoe tam than
Trẻ cần được hỗ trợ và nâng đỡ để đối diện, vượt qua những khó khăn tâm lý.

Tiến sĩ Vincent Ng, Giám đốc Điều hành Dịch vụ hỗ trợ cộng đồng AMKFSC tại Singapore cho biết số trường hợp cần hỗ trợ từ trung tâm sức khỏe tâm thần MindCare (thuộc AMKFSC) đã tăng 42% trong hai năm qua.

Tính từ tháng 6/2016 đến nay, MindCare đã hỗ trợ 400 cá nhân có những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tiến sĩ Vincent Ng cho biết nhu cầu tìm đến những trung tâm như MindCare ngày càng nhiều. Trước nhu cầu tăng mạnh như thế, Viện Sức khỏe tâm thần (IMH) ở khu vực vùng quê Buangkok ở Singapore cũng đã có những thay đổi phù hợp.

Thay vì tiếp đón các cá nhân cần trị liệu tâm lý với những căn phòng kín như bưng, ngột ngạt thì giờ đây IMH đã cải tạo không gian, cho mọi người cảm giác bước vào một khu nghỉ dưỡng, thoải mái và tự do.

Ở Singapore, sáng kiến “Chuỗi học tập nhận thức sức khỏe tâm thần” cũng đã khởi động, liên kết hơn 30 đối tác, tạo ra hàng loạt sự kiện hỗ trợ các cá nhân có vấn đề tâm lý đồng thời duy trì hoạt động giáo dục kiến thức sức khỏe tâm thần.

Trong năm 2017 có 177 trẻ từ 15-19 tuổi tự tử ở Anh, con số này năm 2010 là 110 em. Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay, Bộ trưởng Anh Theresa May đã chỉ định Bộ trưởng Sức khỏe Jackie Doyle-Price đảm nhiệm luôn vai trò Bộ trưởng Ngăn ngừa tự tử.

Chưa bao giờ người dân Anh và người dân toàn cầu cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần nhiều như bây giờ. Chương trình Mental Health First Aid (Hỗ trợ khẩn cấp sức khỏe tâm thần) là một trong những chương trình được đánh giá cao ở Anh. Các trường học thành lập quỹ độc lập, chi trả cho việc gửi giáo viên tham gia chương trình với mục đích họ có thể hỗ trợ học sinh khi cần thiết.

Chị Carrie (32 tuổi), giáo viên ở Anh từng chứng kiến một nam học sinh khóa cửa nhà vệ sinh ở trường toan tự tử với con dao trong tay. Carrie cùng đồng nghiệp của mình (được đào tạo chương trình Mental Health First Aid) đã vận dụng kỹ năng học được, dành một giờ đồng hồ trò chuyện, trấn an em học sinh và kết quả là em ấy đã buông dao, đồng ý để được hỗ trợ tâm lý thay vì chọn cái chết.

Giáo dục sức khỏe tâm thần cần được ưu tiên

Bai 5: Tu nang do den giao duc suc khoe tam than
Hình ảnh bé gái qua nhân vật cô tiên trong “The Truth Pixie”.

Vừa qua, bang New York cùng bang Virginia của Mỹ đã đưa việc giáo dục sức khỏe tâm thần vào luật. Học sinh từ cấp tiểu học đến phổ thông đều phải được học kiến thức sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, luật của bang Virginia quy định giáo dục sức khỏe tâm thần phải đi cùng giáo dục sức khỏe thể chất cho học sinh khối 9 và 10.

Để giúp các em học sinh hiểu về sức khỏe tâm thần, biết cách yêu cầu hỗ trợ khi cần, tác giả Matt Haig đã bắt kịp xu hướng những tác giả chuyển hướng khai thác sang lĩnh vực tâm lý thông qua bộ sách tranh đầu tiên của mình.

“The Truth Pixie” vừa ra  mắt độc giả trẻ ở Anh ngày 18/10 với thông điệp khuyến khích các em nhỏ can đảm nói ra những lo lắng trong lòng mình.

Matt Haig chia sẻ: “Đây là quyển sách mà tôi muốn phụ huynh đọc cùng các con trước khi ngủ mỗi tối. Buổi tối là lúc những nỗi sợ hãi, những điều không vui ùa về trong tâm trí những đứa trẻ và những điều ấy không bao giờ mất đi nếu bị bỏ mặc. Chúng chỉ mất đi khi chúng ta dám nói đến, nhận diện và giải quyết”.

Với các độc giả trưởng thành, Matt Haig là cây viết quen thuộc của thể loại sách tâm lý. Trong đó có những quyền như “Reasons to Stay Alive” (Lý do để sống) hay “Notes on a Nervous Planet” (Nhật ký ở hành tinh bực dọc) anh viết về cuộc chiến của chính mình với những rối loạn tâm lý.

Matt Haig gọi “The Truth Pixie” chính là “Reasons to Stay Alive” phiên bản dành cho trẻ bảy tuổi. Anh viết với giọng văn dí dỏm, có những câu đùa vui đúng lứa tuổi trẻ thơ.

Nhân vật chính của tập tranh là nàng tiên hay cáu gắt, qua đó mọi người nhìn thấy hình ảnh hoán dụ một bé gái luôn lo lắng về tương lai của mình. Truyện kết thúc có hậu với bước chuyển tình bạn đẹp, suy nghĩ lạc quan hướng đến tương lai.

Bai 5: Tu nang do den giao duc suc khoe tam than
Nhân vật Ruby luôn có những nỗi lo triền miên.

Báo cáo mới nhất về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên ở Anh thông qua khảo sát 5.555 đối tượng từ 13-15 tuổi cho thấy có đến 1/3 các em thừa nhận mình từng hoặc đang có rối loạn tâm lý. Nổi lên trong số đó là tình trạng trầm cảm, thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực và không thể tập trung.

Matt Haig không phải là tác giả duy nhất giúp những bạn đọc trẻ học cách đối phó với vấn đề sức khỏe tâm thần. Ở Anh, độc giả yêu sách còn biết đến tác giả truyện tranh Tom Percival, tác giả của quyển “Ruby’s Worry” (Nỗi lo của Ruby) dành cho trẻ 3-6 tuổi.

Quyển sách phát hành tháng Bảy vừa qua viết về cô gái nhỏ Ruby buồn chán, luôn lo sợ những điều chung quanh mình và em chỉ thoát khỏi những ngày u ám ấy khi em dám chia sẻ với một người bạn.

Tác giả Tom Percival từng tâm sự về trải nghiệm cùng các con mình: “Khi tôi hỏi bọn trẻ rằng chuyện trường lớp của chúng thế nào, hầu như chúng luôn nói mọi thứ khá ổn. Thế nhưng khi tôi để tâm quan sát thì phát hiện đâu đó có những bất ổn ảnh hưởng đến tâm trạng con mà dường như chúng cảm thấy khó mở lời với tôi”.

Không chỉ Matt Haig hay Tom Percival đang viết những quyển sách khuyến khích cha mẹ và trẻ quan tâm sức khỏe tâm thần của các em. Xu hướng dòng sách này đang phát triển ở Anh.

Ban đầu, các tác giả nghĩ mình viết sách hướng đến những trẻ vị thành niên nhưng thực tế, những trẻ nhỏ hơn cũng tìm thấy mình trong dòng sách này. Điều đó càng khiến người lớn suy nghĩ nhiều hơn về cách làm sao đưa những quyển sách chủ đề sức khỏe tâm thần đến với các độc giả nhí nhiều hơn nữa.

Anh Thông (Theo Guardian, Independent, tnp.sg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI