Áo hoa mùa cũ

19/10/2018 - 17:13

PNO - Những bông hoa in nổi trên nền vải xịn có vẻ sáng hơn khi được giặt qua một lần. Hân mỉm cười mà nước mắt lưng tròng. Có lẽ đây là trò đùa của số phận.

Thắm nói, tháng sau nhất định chị sẽ về, sống chết gì cũng phải về khiến Lam mừng như mở cờ trong bụng. Nó chạy ù qua khoe “anh rể”. Chắc chắn lần này anh chị sẽ cưới, không hụt, không hứa hẹn gì nữa hết. Chị đi cũng hơn năm năm rồi còn gì. 

Ao hoa mua cu
Ảnh minh họa.

Lam trồng sẵn hai cây đủng đỉnh từ lúc chị vừa rời nhà đi làm xa. Giờ, hai cây đã cao ngất, buông những chùm trái dài như lọng che chờ người bứng ra ngõ làm cổng hoa. Không chỉ có gia đình Lam chờ Thắm gật đầu mặc áo cưới, Tình cũng tha thiết mong người mình yêu không từ chối cặp nhẫn cầu hôn anh đã dành dụm mua từ lâu và cất kỹ trong đáy tủ. Lâu lâu, anh lại lọ mọ lôi hộp nhẫn ra rọi dưới ánh đèn.

Cặp nhẫn bắt đèn sáng choang, gọi những ngọn lửa hy vọng bừng lên trong Tình. Bên nhà Thắm, má Thắm cũng cẩn thận cất khúc vải gấm in hoa đỏ rực rỡ mà Tình đã hai tay dâng bà, nhờ bà giữ giùm, trong một bữa nhớ Thắm điên cuồng đến độ nhìn đâu cũng ra bóng hình thon thả trên đôi guốc quai mộc mạc của người tình. Bà đã nhận nghĩa là Tình đã “cắm cọc” được bên nhà vợ tương lai rồi.

Xứ này con gái ít học, quanh năm suốt tháng chỉ luẩn quẩn từ nhà ra chợ, cơm nước. Cô nào siêng thì mở cái tiệm may nho nhỏ, lấy phòng khách của mẹ cha đặt cái máy may, đóng cái tủ treo vài bộ đồ, vài khúc vải hoa quê mùa sặc sỡ. Vậy cũng đã gọi là có nghề. Nhưng thời buổi này, cái nghề vốn đã mong manh càng trở thành bọt bèo hơn khi hàng may sẵn đẹp rực rỡ được đổ đống đầy ở chợ.

Thắm không thể ngồi tỉ mẩn với đường kim mũi chỉ cùng tiếng máy may rè rè buồn thảm ngày này qua tháng nọ. Những toan tính nghĩ suy của Thắm tựa áng mây bay khỏi lũy tre làng. Thắm không thể là con ốc, con cua cắm mặt cả đời vào bùn đất, không dám bò ra khỏi bờ ruộng để một lần được nhìn bầu trời cao vút phía trên kia; thậm chí, chỉ một cú đạp vô tình của thiên hạ cũng có thể ngã ngửa ra mà chết.

Vậy nên Thắm đi. 

Trước, Thắm cũng có những đêm hẹn hò lãng mạn cùng Tình dưới trăng bên bến nước đầu làng. Giọng Thắm giữa đêm trăng mờ ảo, trong mùi thơm của hoa bưởi bay khỏi hàng rào mắt cáo nhà hàng xóm, lọt thỏm giữa tiếng ếch nhái kêu đêm ỡm ờ, khiến Tình nghe tai này rơi mất qua tai kia.

- Anh không cần phải chờ em làm gì đâu. Không biết chừng nào em mới về.

Tình không hở ra câu nào có ý ngăn cản Thắm nhưng mắt anh cứ cắm mãi xuống lòng sông in bóng trăng ngà. Mặt sông phẳng lặng ôm trọn khuôn mặt tròn trịa đương thời con gái kia vào lòng. Tình cũng ước mình như sông, được Thắm ngả vào lòng đêm đêm mà không cần anh phải dang tay mời gọi. Thắm cũng nhìn ra sông. Nhưng mãi mãi Thắm không nhìn thấy những gợn sóng buồn bã trong mắt Tình. 

Cái tin Thắm về khiến Tình như sống trên mây. Tình vốn mê ca hát. Mà Tình hát boléro rất ngọt. Đám bạn nhậu rất nể Tình khoản đó.

Nhiều lần Lam qua nhậu cùng “anh rể”, nghe giọng ca vàng của Tình, Lam khuyên Tình khăn gói đi thi giọng hát hay trên truyền hình. Tình mắc cỡ nên ậm ừ cho qua. Thật, giờ Tình chỉ muốn hát cho mỗi mình Thắm nghe. Nhất định trong đám cưới, mặc kệ Thắm có ưng hay không, Tình sẽ hát cả chục bài tặng cô dâu.

Mà khán giả của Tình đâu chỉ có đám bạn nhậu hay thằng “em vợ”, còn có cả Hân, cô gái có má lúm đồng tiền ngay đầu xóm, cô thợ may xứng danh “cây kéo vàng”. Khúc vải gấm đỏ mà Tình mang đi “đặt cọc” cũng là Hân chọn giúp.

- Khi nào chị Thắm về, có số đo của chị ấy thì mang ra em may áo cưới luôn nha anh Tình. Em tặng, không tính công.

Lam cũng liên tục đốc thúc Tình gọi chị về tính chuyện trăm năm. Lam nhừa nhựa trong cơn say, em thèm vợ lắm rồi nhưng phải chờ anh chị cưới trước mới dám tính chuyện của mình kẻo bà con dị nghị. Tình xoa đầu Lam cười xòa, ừ, khi nào cưới kêu cô Hân chọn vải may đồ cho Lam. Cổ có mắt thẩm mỹ lắm, chọn khúc nào đáng đồng tiền khúc đó. Lam vẫn chưa thoát xác trai mới lớn, nghe Tình trêu ghẹo, mặt đỏ ửng như gà chọi.

Lam bày cho Tình cách xài điện thoại, dù chỉ là cái smartphone hàng chợ nhưng Tình vui ra phết vì đêm đêm có thể gọi video call nhìn mặt Thắm cho đỡ nhớ. Những giây phút hỏi thăm ngắn ngủi, chập chờn vì Thắm luôn bận việc. Nhìn mặt Thắm gầy hẳn, da xanh xao, Tình không khỏi xót lòng. Tại sao Thắm phải cực nhọc xa xứ làm chi? Những mẫu ruộng bạt ngàn, vài chiếc ghe cho thuê lấy tiền hằng tháng đủ để Tình lo liệu cho Thắm cả đời sung sướng. Vậy, Thắm còn muốn gì?

***

Thắm về trong đêm, nhẹ nhàng tháo chốt cửa lách vô nhà êm ru, cẩn trọng như một con mèo. Nhà chỉ leo lét ánh đèn trái ớt trên bàn thờ. Cả nhà vẫn giữ thói quen chốt hờ cửa khi ngủ. Thắm rón rén đứng bên giường má, nghe tiếng thở khò khè rít lên trong lồng ngực, cơn xoang hình như đang ở đỉnh, hành má ngày đêm. Thắm đưa tay quẹt ngang gò má. Chỉ khi đối diện với má, Thắm mới cho phép mình mít ướt như hồi còn nhỏ xíu. Ngay cả lúc quằn quại trong cơn đau thập tử nhất sinh ở bệnh viện, không một bàn tay nào chìa ra nắm lấy tay mình, cô vẫn không khóc. 

Trước khi lội hết bờ ruộng ngoằn ngoèo với những nùi cỏ rối bám dưới chân, Thắm từng đứng trên lan can cầu bắc qua sông cái rất lâu. Rồi Thắm hình dung mình ngoi ngóp dưới lòng sông thăm thẳm đó. Rồi thân xác mình biết đâu sẽ phập phồng dưới mấy chân vịt của ghe tàu nào đó, đám lục bình ngạo nghễ phủ mớ rễ dày như mớ thuốc rê lên khuôn mặt đã tàn phai nhan sắc. Rồi thì khăn trắng quấn trên đầu, má ngất lên ngất xuống, rồi thì Tình sẽ đêm đêm mang rượu ra bến sông ngồi tu ừng ực, vừa uống rượu vừa uống nước mắt mình. Tình vốn là người đa cảm. Anh sẽ không thiết tha gì nữa nếu Thắm chết. Thắm biết. 

Nên Thắm không chết. Nhất định không.

Tình không còn nhận ra Thắm nữa. Một khuôn mặt phấn son lộng lẫy nhưng rất kiệm lời, thậm chí còn không thèm mỉm cười với anh một cái. Mái tóc xoăn nhuộm màu hạt dẻ đúng mốt cứng đơ trong gió, bộ váy áo lụa trắng che kín thân hình gầy gò nhưng vẫn sang trọng… tất cả khiến Tình ngơ ngác không nói được lời nào.

Thắm ấn khúc vải gấm đỏ vào tay Tình, lạnh lùng:

- Cái này là của anh, má kêu tui mang trả lại cho anh. Sẽ có người con gái khác xứng đáng hơn tui, anh đừng buồn.

Tình chết lặng khi Thắm dắt tay thằng nhỏ líu quíu đi ra ngõ vội vàng:

- Đi con, mẹ con mình về kẻo ba chờ.

Tình đứng lặng, mắt anh ngầu đỏ. Tình run rẩy đem khúc vải ra bến sông, ném thẳng tay. Nhưng khúc vải không kịp trôi, Hân đã quơ được cây sào vớt lên.

- Đừng như vậy nữa anh Tình! Em sẽ giữ nó giùm anh, đến khi nào anh cần thì qua lấy lại, nghen!

Hân ôm khúc vải sũng nước về tiệm, giặt giũ, phơi phóng cẩn thận rồi gói kỹ cất trong tủ. Những bông hoa in nổi trên nền vải xịn có vẻ sáng hơn khi được giặt qua một lần. Hân mỉm cười mà nước mắt lưng tròng. Có lẽ đây là trò đùa của số phận. Số phận túm trúng ai thì người đó dù không muốn cũng phải miễn cưỡng bước vào cuộc chơi mà biết trước mình không bao giờ có cơ hội. Nhưng đây là cuộc chơi nên rất sòng phẳng.

Má Thắm khóc lặng suốt nhiều đêm kể từ khi Thắm về. Bà không dám nhìn sâu vào những vết sẹo bỏng chi chít trải từ nửa mặt Thắm xuống tận bắp chân. Thắm gỡ lớp da nhân tạo trên mặt ra, bôi hết phấn son, má chỉ muốn ngất. Bà chỉ kịp kêu hai tiếng “Thắm ơi!” rồi nằm luôn trên giường, miệng méo dần từng ngày. Thắm khóc:

- Má còn như vậy, thì làm sao anh Tình có thể đối diện con đây hả má!

Thắm đưa thằng nhỏ trả về cho người mẹ bán vé số kèm vài tờ tiền đủ mua vài lốc sữa và món đồ chơi nho nhỏ cho nó. Người mẹ nhìn Thắm, rỉ ra hai dòng nước mắt:

- Cầu trời phù hộ cho cô, sao cô khổ vậy chứ!

Ngày Tình qua nhà Hân rước dâu, Thắm che nón lá nép vào cây đủng đỉnh trước sân nhà mình, nghe ngực nhói lên từng cơn đau thắt. Nếu Thắm đừng ham kiếm tiền một cách bất chấp, đem thân làm người tình của đại gia, để rồi bị một trận đòn ghen thập tử nhất sinh, thì giờ đây, áo hoa kia vẫn là của Thắm.

Đoàn rước dâu cười nói rôm rả huyên náo cả cái xóm buồn tênh quanh năm chỉ được ngắm hoa bần rụng trắng sông. Lam ngồi bên bến sông, ngửa cổ tu chai đế đắng ngắt, khóc không ra khóc, cười không ra cười. Ngó xuống lòng sông thấy Hân dịu dàng quàng tay anh rể hụt đi ngang, Lam loạng choạng đứng dậy nhìn người trong mộng mặc áo gấm đỏ rực như máu.

Tiếng thủy tinh vỡ choang thay tiếng pháo vu quy. Lam đi như chạy về phía đoàn rước dâu, thấy mình chới với như đang ở giữa xoáy nước ngầm lớn nhất trong lòng con sông cái. Tiếng nấc của gã trai bị phụ tình phút chốc tan loãng theo cơn gió nhẹ vừa khều qua. Thôi hết rồi, Hân ơi, tình ta như nước trôi qua cầu. Lam lại cười nửa miệng. Ô hay, nếu ngày đó Lam dứt khoát không cho Hân vớt  khúc vải gấm hoa của Tình vứt dưới khúc sông sâu, thì giờ đây người mặc áo hoa kia không phải giấu ánh mắt ngại ngùng sau lớp khăn the che mặt khi đi ngang 
qua mình. 

Chị về có mấy bữa mà Lam thấy nước mắt chị đã lênh láng như sông. Chị nói, em không được cho anh Tình biết điều gì về chị, bằng không, em sẽ phải nhìn xác chị. Lam chỉ biết nín lặng nghe tiếng thở dài của má rớt vào đêm thinh lặng. Má cứ nằm đó, im nghe tiếng thằn lằn đuổi nhau trên những cây cột xiêu vẹo. Mái nhà dột vài chỗ, sau những trận mưa dai dẳng thì lớp nấm mốc cũng theo đó mọc lên, mùi ẩm thấp phủ lấy ngôi nhà. 

Trước, khi Tình còn gửi gắm má khúc vải cưới, anh chưa bao giờ để má con Lam phải bận lòng mỗi khi mưa gió. Sức trai tráng lực điền của Tình, đỡ lại rường cột, chằm lại mái nhà, chỉ là chuyện nhỏ. Trong khi Lam nay ốm mai đau, Tình luôn ngời ngời sức sống. Tình uống rượu cũng chừng mực, kiểu vui thôi đừng vui quá. Tình hát boléro thì ngọt, ca tài tử cũng mùi. Trong khi giọng Lam cất lên như giọng gà mái cục ta cục tác.

Bởi vậy, khi Lam tập uốn lưỡi năm lần bảy lượt mới dám thốt ra câu tỏ tình ngọng nghịu với Hân, thì con nhỏ không đỏ bừng gò má mắc cỡ thẹn thùng rồi làm bộ từ chối đẩy đưa như Lam tưởng tượng. Nó nói nhỏ nhẹ nhưng gọn gàng, mà như có ngọn mía vụt ngang tai thằng nhỏ, rát bầm âm ỉ không ngưng:

- Lam à, Hân với anh Tình đã tính chuyện trăm năm. Dù sao, Hân cũng cảm ơn Lam đã dành tình cảm cho Hân nhiều vậy.

Lam thường ngồi vắt vẻo trên nhánh bần ven sông sau nhà, thả ánh mắt lên cái quầng sáng màu đỏ gạch của mặt trời cố hực lên thứ ánh sáng quyền lực lần cuối, mà thấy mình cũng sức cùng lực kiệt như nó, sau một ngày dài quần quật với ruộng vườn. Có những ngày nhũn nhão, anh cũng chẳng buồn động đũa, mâm cơm nguội ngắt chỉ mình má múc dăm muỗng cơm, nhai trệu trạo khó nhọc.

Kể từ khi chị Thắm nói lời từ biệt, má con Lam như sống một đời sống khác. Lam không thể buồn không thể hận. Cuộc đời chị đã coi như lục bình trôi sông. Sẽ không có ai vớt cuộc đời ấy lên dễ dàng như cái cách Hân đã làm với khúc vải gấm hoa của chị. Lam chỉ biết nấc lên trong lòng. Nấc nghẹn như nghẹn cái bánh bông lan ngay ngoài chợ. Mà mấy ai hay!

Lam không biết rằng, bên kia, Tình cũng rũ người nấc nghẹn trong câm nín. Ông trời cũng khéo trêu ngươi khi xui khiến bà bán vé số dẫn thằng con nhỏ len lỏi vào đám cưới Tình kiếm khách. Cái thằng nhỏ đen đúa gầy gò mà Thắm cố dát lên người nó bộ đồ Tây sành điệu vẫn trơ ra cái nét ngô nghê quê mùa. Tình nào đâu 
quên được.

Chẳng ai biết rằng, trong cái đêm tân hôn cả đời có một đó, Tình đứng một mình giữa khuya dưới sân nhà, run rẩy ngửa mặt lên nhìn trăng, nghe sương bám lên mi mình ươn ướt. 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI