Về sông ăn cá…

25/11/2019 - 07:49

PNO - Về Gáo Giồng - Đồng Tháp mùa nước nổi thưởng thức những đặc sản miền Tây mùa lũ quả không gì có thể khó quên hơn.

Những đọt sen non dọn ra cùng món cá lóc nướng trui nhanh chóng được “xử lý” hết. Mọi người nói vui với em nhân viên phục vụ ở khu du lịch sinh thái Gáo Giồng: “Xin thêm đọt sen có được không em?”, không ngờ nhận lại nụ cười hồn hậu và một dĩa rau sống cùng nhiều đọt sen non khác. Những món ăn không toan tính, như người miền quê sông nước, luôn sẵn lòng đãi khách phương xa…

Qua một mùa sen

Bữa ăn trưa đầu tiên của chúng tôi trong hành trình bốn ngày về thăm Đồng Tháp là ở khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp. Chuyến “về nguồn” của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM diễn ra vào những ngày cuối tháng Mười, khi sen đã tàn trên những đồng nước nổi nhưng trên bàn ăn của chúng tôi vẫn có hạt sen nướng, hạt sen rang muối lạ miệng, gỏi ngó sen, cơm lá sen và cả sữa hạt sen. Tất cả món ăn đều ngon lành, đậm vị. 

Ve song an ca…
Đặc sản cá lóc nướng trui

Đường vào những khu chòi lá trên đồng sen cũng thật ấn tượng. Xe khách chạy qua những con đường nhỏ, những cây cầu nhỏ rồi di chuyển bằng xuồng máy trên một con rạch hoặc khách cũng có thể đi bộ trên con đường mòn rợp bóng cây, đến nơi thì có bè mảng đón qua. Đoạn kênh hẹp, đi bằng mảng cũng là một trải nghiệm thú vị cho “người thành phố”. 

Trên dòng kênh, đàn vịt thong thả vừa bơi vừa đưa mắt nhìn những người khách lạ. Thời gian lưu lại khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp chỉ bằng một bữa ăn trưa, tôi cố thu vào tầm mắt mình những gì thanh bình yên ả nhất. Những hình ảnh ấy đã rất xa xôi trong tuổi thơ vạn dặm, chỉ vài khi giữa những lao xao phố thị tôi mới được những lần hiếm hoi lạc bước trở về.

Ve song an ca…
Chèo thuyền tam bản tham quan khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Giữa trưa nắng, có người chèo thuyền ra đồng sen mùa trơ trụi hoa để lấy ngó sen. Tôi ngồi hóng mát trong chòi lá nhìn ra cái nắng chan chát của trưa Đồng Tháp, nghĩ về số tiền ít ỏi mà người cha ấy thu được sau mỗi ngày phơi nắng làm việc, trong từng tháng từng năm góp nhặt để nuôi nấng con cái trưởng thành. Tự nhiên xúc động. 

Tôi vẫn hay xúc động trước những cuộc mưu sinh như vậy. Mỗi cuộc đời nghèo đều khiến tôi nhớ đến mình và người quê mình trong những năm tháng xa xưa. Sen tạo nên vẻ đẹp thuần khiết thu hút du khách muôn phương đến thưởng ngoạn, chụp ảnh nhưng sen cũng tạo sinh kế cho biết bao người nghèo trên những cánh đồng nước nổi. Những quán ăn mọc lên, những món ngon từ sen trở thành đặc sản của Đồng Tháp. Và sen là điểm tựa để bao người quê kiếm sống, từng thế hệ được trưởng thành. 

Ve song an ca…
Cò về ở khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Ảnh: Nguyễn Trang Kim Cương

Tôi từng có chuyến đi farmtrip dài ngày khám phá những ngóc ngách của Đồng Tháp nhiều năm trước. Lần này trở lại, vẫn vẹn nguyên cảm nhận về đặc sản của miền đất này: ngon một cách đặc biệt, ngon đến nhớ thương. Cá lóc nướng trui cuộn bánh tráng với rau sống, đọt sen là món không thể thiếu khi du khách khám phá ẩm thực Đồng Tháp. Rồi lẩu cá linh nấu với bông điên điển, lẩu cá chạch nấu mẻ, lẩu cá ngát bông so đũa, có cả lẩu hoa đồng nội…

Lúc ngồi thuyền chèo tham quan khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, tôi đã thấy bông điên điển mọc đầy trên con rạch nhỏ. Nghĩ chỉ cần chèo xuồng một lúc đi hái bông điên điển là đã có thể nấu được nồi canh chua ngon lành. Miền Tây sản vật phong phú, những con nước ròng rồi những con nước lớn cứ thế mang đến cho con người biết bao ưu đãi. 

Ve song an ca…
Bông điên điển có mặt trong hầu hết các món lẩu đặc sản.

“Ầu ơ gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn cua”. Gắp miếng cá linh kho lạt, ăn món cá kèo kho tiêu thơm lựng như lại nghe văng vẳng một khúc ru xưa. Thói quen du lịch của tôi thường là ngắm nghía cảnh đẹp, ghi chép lịch sử nhưng với Đồng Tháp, suốt bốn ngày lưu lại, bồn chồn trong tôi là ấn tượng về… những món ăn ngon. Món gì cũng thật sự chinh phục vị giác: ếch xào lăn, chả ốc, ốc hấp tiêu, gỏi khoai môn, rau luộc kho quẹt, cơm gạo huyết rồng… 

Nhớ cây cổ thụ

Lối vào khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) có một cây gáo nhỏ, đề bảng “cây gáo vàng”. Du khách đi ngang nhìn để nhớ về một “sự tích Gáo Giồng”. Mấy mươi năm trước, nơi này là vùng đất hoang hóa, lúc đó còn có một cụm cây gáo rộng khoảng 1ha. Sau đó, người dân khai thác, chỉ còn lại một cây gáo cổ thụ.

Lực lượng thanh niên xung phong huyện Cao Lãnh đã làm rào bảo vệ, đặt biển báo cho người dân biết cây gáo thuộc diện bảo tồn. Nhưng rồi cây gáo cổ thụ này bị sét đánh, cháy rụi. Để tưởng nhớ cây, người dân đã đặt vùng đất này là Gáo Giồng. Đến giờ, khi được khai thác du lịch sinh thái, câu chuyện về tên đất và cây gáo cổ thụ xưa vẫn được kể cho du khách gần xa. 

Gáo Giồng ngày xưa là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn, đi lại khó khăn. Nhưng nay chỉ khoảng một giờ ngồi xuồng máy là đến. Tôi ngồi ngắm hai bên dòng kênh, vẫn còn đó một dấu quê xưa với lũy tre dài hàng cây số, với những mái nhà nép mình dưới những vòm cây.

Những chiếc xuồng ba lá neo đậu trước thềm nước bên nhà nhắc nhớ một dấu ấn văn hóa trong đi lại của người miền sông nước. Điều khiến tôi hào hứng trong hành trình lần này là được nhìn thấy cò trắng từng đàn bay về trước mũi xuồng. Những cánh chim chào khách, những cánh chim dẫn đường, rợp trắng một khúc quê. 

Ve song an ca…
Viếng khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - ảnh: Nguyễn Trang Kim Cương

Theo thông tin du lịch từ tỉnh Đồng Tháp, khu du lịch Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700ha, trong đó có 250 rừng nguyên sinh với những loài cây: bưng trấp, lung, bàu sen, súng, lau sậy, cà na, gáo… Nơi đây còn là sân chim rộng khoảng 40ha với hàng chục loại chim nước: vịt trời, le le, cồng cộc…

Buổi chèo xuồng tam bản tham quan khu du lịch, tôi còn nhìn thấy hàng đàn cò ốc bay rợp trời (cò ốc có đôi cánh màu đen - trắng). Diện tích những khu rừng nguyên sinh trên cả nước đang ngày càng bị thu hẹp, mừng là vẫn còn những khu bảo tồn như thế này cho cây cối, chim chóc được bay về nương tựa.

Nếu ở khu du lịch Tràm Chim (Tam Nông), sau thời gian ngồi xuồng, khách có thể lên bờ, dừng chân, ngắm rừng ngắm cò qua kính viễn vọng, thì ở khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, đoạn kênh ngắn chỉ chèo xuồng ra rồi quay đầu trở lại bến cũ, khách có thể nghỉ chân trên võng uống ly nước mía thơm mát hoặc nhâm nhi trà sen, thưởng thức những món đặc sản miệt vườn khó quên. Quà mua về từ Gáo Giồng có thể là trà tim sen, mật ong, mắm cá linh... 

Về bên cây di sản

Lần nào đến viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tôi cũng dành chút thời gian đứng nhìn cây khế có tuổi đời gần 300 năm. Ngày 18/12/2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ công nhận cây khế này là cây Di sản Việt Nam, cùng với cây sộp - một trong những cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, cũng trong khuôn viên di tích.

Trải qua biết bao vật đổi sao dời, những cây di sản vẫn trường tồn, xanh biếc. Nhìn ngắm những chiếc lá non, những chùm hoa khế mơn mởn trong nắng mai mà thấy đất, nước, cây cối, năm tháng và vạn vật thật kỳ diệu. Lớp lớp người người đã đến, những thế hệ đã ra đi, thì cây trăm năm vẫn còn đó như những chứng nhân lặng im mà âm thầm gìn giữ bao giá trị. 

Ve song an ca…
Cây gáo nhỏ nhắc nhớ “sự tích Gáo Giồng”

Cây khế và cây sộp nhắc nhớ câu chuyện che giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ của gia đình ông Ngô Văn Hay (Tân Hưng, TP. Sa Đéc). Trước khi hiến tặng cây cho khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, hai cây di sản này từng che chắn cho căn hầm bí mật trong vườn nhà ông Hay. Những lúc được về ngồi ngắm cây, tôi cứ muốn hỏi cây rằng: “Trải qua hàng trăm năm biến động mà cây vẫn xanh tươi như vậy. Nếu biết nói, cây sẽ kể với con người những gì?”.

Những chiếc lá im lìm không nói...

Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI