Thương món kẹo quê đang âm thầm biến mất

16/06/2017 - 07:03

PNO - Trẻ con thành thị ít đứa nào biết đến cái kẹo có tên là “kẹo chỉ”. Thực ra nó chả khác cái kẹo kéo là mấy, chỉ thiếu mỗi đậu phộng nằm chen chúc lúc nhúc bên trong.

Những ngày hè bọn trẻ không phải cắp sách đến trường, không chỉ chiếc trống, hàng cây, bàn ghế, bảng đen, phấn trắng... buồn bã. Có một người, tôi biết, cũng buồn. Đó là ông già bán kẹo chỉ.

Nhà tôi chỉ cách trường tiểu học của bọn trẻ vài bước chân. Ngày ngày tôi vẫn nhìn thấy ông đạp xe đến trước cổng trường, nép mình dưới tán phượng xanh ngát, rồi lẳng lặng mở thùng gỗ phía sau yên xe ra. Ồ, trong đó đựng cả một ký ức ngọt ngào của bất cứ ai đã đi qua một thời bé dại: một khối kẹo to, trắng muốt, thơm lừng mùi đường quyện với vani. Cái mùi đó từng quẩn quanh tuổi thơ tôi với bao nhiêu thương mến.

Trẻ con thành thị ít đứa nào biết đến cái kẹo có tên là “kẹo chỉ”. Thực ra nó chả khác cái kẹo kéo là mấy, chỉ thiếu mỗi đậu phộng nằm chen chúc lúc nhúc bên trong. Một khối kẹo thiệt to, trắng muốt, nặng tầm hơn một ký, được đông cứng lại từ một hỗn hợp đường, sữa, chanh, bơ, phô mai nấu chín và quấy thật đều tay trên lửa liu riu. Kẹo chỉ đơn giản về công đoạn chế biến, nhưng lại quan trọng về hình thức trình bày. 

Thuong mon keo que dang am tham bien mat
 

Với bọn trẻ con, điều này có thể mang lại một sự háo hức tương đương niềm háo hức trước một buổi biểu diễn của một nghệ sĩ xiếc lành nghề. Từ khi phát hiện sự xuất hiện của ông già kẹo chỉ trước cổng trường tiểu học, tôi mặc nhiên nằm trong đám khán giả của ông từ lúc nào chẳng biết. 

Màn biểu diễn của ông thường bắt đầu khi bọn trẻ xúm đen xúm đỏ quanh cái thùng gỗ đựng khối kẹo to như cái gối ôm em bé. Ông xoa hai bàn tay vào một lớp bột áo để kẹo không bị dính vào da, rồi vừa vuốt vừa kéo một đầu của khối kẹo ra một đoạn dài tầm 20cm thì bẻ cái “cụp”. Xong ông cuộn tròn nó lại, lăn vào một khay bột năng, rồi nhanh tay quấn cái vòng tròn đó thành một vòng số 8, rồi một vòng số 0, chừng 10 lần như vậy, a lê hấp... ông vẫy nhẹ một cái, mớ kẹo trên tay ông bỗng xổ ra thành một búi chỉ dài ơi là dài.

Một tiếng “ồ” kinh ngạc thốt ra từ đám đông khán giả trẻ con. Mồm chúng dường như không khép lại được. Rõ ràng trên tay ông đang là một cái kẹo, sau vài câu thần chú “số 8 trở về số 0” phút chốc đã hóa thành một búi chỉ rồi. Điều này với bất kỳ đứa trẻ nào cũng là một cái gì đó hết sức hấp dẫn.

Thuong mon keo que dang am tham bien mat
 

Trong khi đó, ông vẫn ung dung đặt búi kẹo chỉ lên một cái bánh tráng ngọt, rắc thêm một lớp dừa nạo, một lớp đậu phộng, trên cùng rưới một ít sữa đặc rồi gập đôi cái bánh tráng lại. Cứ thế mà cắn ngập răng. Cứ thế mà tha hồ cảm nhận vị ngòn ngọt của kẹo, vị bùi bùi của đậu phộng, vị beo béo của dừa khô, của sữa đặc. Tất cả đều thật khó quên, kể cả khi đám trẻ này lớn lên, như tôi bây giờ, nhìn ông thoăn thoắt biểu diễn mà như thấy lại cả một vùng trời thơ ấu.

Bọn trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn hơn. Những sô-cô-la, những caramel, những cái kẹo cầu vồng Hàn Quốc đỏ cam vàng lục lam chàm tím... đầy mê hoặc. So với cái thú vui của một đứa trẻ chân trần đầu khét nắng há hốc mồm trước một búi kẹo chỉ quê mùa, tưởng chừng như rất khập khiễng. Nhưng không. Tôi tin rằng hạnh phúc và sự háo hức của chúng là như nhau. Thậm chí, được tận mắt chứng kiến công đoạn biến kẹo thành một búi chỉ và cho tọt búi chỉ ấy vào miệng, còn khiến chúng thích thú hơn việc nhấm nháp một chiếc kẹo bọc giấy kiếng bóng bẩy rất nhiều. Cứ nhìn vào ánh mắt của bọn trẻ bu quanh chiếc xe của ông già kẹo chỉ trước cổng trường tiểu học là biết.

Chỉ hoang mang mỗi một điều, thời nay còn mấy ai bán kẹo chỉ, ngoài những cụ già mưu sinh cả đời bằng nghề này. Con cháu họ chê nghề ít tiền, vất vả, kẹo quê sao sánh nổi đám kẹo ngoại nhập ngon lành bắt mắt, nên chẳng ai chịu theo nghề cha ông. 

Món kẹo chỉ ngày càng mai một, khi những người muôn năm cũ về với đất rồi, chẳng mấy ai còn giữ được cái công thức nấu kẹo sao cho trắng, cho thơm, cho hợp vệ sinh, “để tụi nhỏ ăn không bị đau bụng”. Chẳng còn ai giữ giùm bao thế hệ trẻ con những dư vị ngọt ngào trong quá khứ. Chắc là sẽ rất buồn!

Buồn như những ngày hè bọn trẻ không phải đến trường, ông bán kẹo chỉ cũng không còn xuất hiện trước cổng với đám khán giả xúm đen xúm đỏ, tôi đã nhận ra một sự thiếu vắng, hụt hẫng, một khoảng trống rất lớn trong cái ngăn đựng ký ức của trái 
tim mình. n

Hạnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI