Thấy gì ở Budapest?

26/10/2019 - 15:15

PNO - Bên này là Buda, bên kia là Pest, sông Danube khoan thai chảy giữa hai bờ lịch sử của nước Hungary, là chứng nhân im lặng trước tất cả thăng trầm của thành phố đôi này, thủ đô của đất nước này.

Nhưng mấy ai biết những thăng giáng lịch sử ấy khi chỉ đến đây để ngắm cảnh. 

Thay gi o Budapest?

Người ta sẽ no mắt trước vẻ uy nghi, tráng lệ, kiều diễm của sông nước, thành quách, lâu đài. Người ta sẽ mỏi chân nếu chỉ đến với tâm thế khách du lịch lang thang dăm ba buổi và vẻ đẹp của thành phố này sẽ nhanh chóng bão hòa cùng vẻ đẹp của rất nhiều thành phố châu Âu khác.

Nhưng nếu bạn đến để ngắm và ngẫm?

1.

Tôi, một người Việt Nam, bất chợt nhớ dòng Bến Hải quê hương chưa bao giờ đặt chân tới khi dừng chân trên cầu Xích soi bóng xuống dòng Danube - sông Duno với người Hungary. Bất chợt tôi nhớ một thành phố suốt đời tôi tự hào vì đã được sinh ra từ đó. Ôi! Thăng Long. Đông Đô. Hà Nội. Dù có đi bốn phương trời…

Tôi, một người Việt Nam sống ở Berlin, bất chợt nhớ dòng Spree chảy giữa thành phố mình đang sống. 

Thay gi o Budapest?
Cầu Xích - một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Budapest

Bên bờ Spree, đoạn gần nhà quốc hội Đức, luôn có di ảnh những người đã chết khi liều mình vượt sông, buổi Berlin bị phân đôi và tây Berlin lọt thỏm trong lãnh thổ Cộng hòa dân chủ Đức. Và hoa nữa, hoa tưởng niệm người đã khuất, cũng là tôn vinh khát vọng tự do.

2.

Tôi đến Budapest vào một ngày thu ướt át và cái lạnh len lỏi khắp nơi. Ấy thế mà cây cối vẫn chưa nhuốm màu thu. Dưới bầu trời xám xịt buồn bã, quá khứ hiện diện qua những công trình kiến trúc thêm hùng vĩ. Tôi thật sự choáng ngợp. Cứ nghĩ chắc Budapest đẹp nhưng nhỏ tí như Praha. Để rồi lúc đọc lịch sử của nó thì ngỡ ngàng. 

Thay gi o Budapest?
 

Và đến lúc thực sự đứng giữa đất nước đã mất tới 2/3 lãnh thổ và dân số, chỉ vì dại dột đâm đầu theo Đức hồi chiến tranh thế giới thứ nhất, đứng giữa mảnh đất trong lịch sử đã từng bị tàn phá 80% vì lũ lụt, chiến tranh, động đất... tôi gần như sửng sốt vì vẻ đẹp mê hoặc của nó.

May mắn thay, Budapest không bị tàn phá kinh hoàng như Berlin sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, dù đóng góp vô số nhân mạng. 

Đứng dưới con đường nhỏ nhìn ngược lên, Fischerbastei (một trong những di tích nổi tiếng nhất ở Budapest, nằm trong lâu đài Buda) bên phía Buda còn diễm ảo hơn cả khi đi vào trong nó, với những vòm, những mái. Từng viên ngói nâu, vàng, xanh, đỏ màu bóng sáng lợp theo hình hoa lá trao cho sắc trời buồn những đốm hồi quang từ dĩ vãng. 

Thay gi o Budapest?
Bến tàu du lịch trên sông Danube

Phía bên này Pest, nhà quốc hội và một loạt công trình kiến trúc lâu đời đường bệ hắt chiếc bóng đồ sộ của mình xuống dòng Danube. Ở một góc khác của thành phố, khách du lịch chìm trong mê đắm dáng bay bổng của giáo đường thánh Ivanst.

Tôi cũng đã ghé thăm Heroe’s Square (Quảng trường Anh hùng) được xây dựng vào năm 1896 nhân dịp kỷ niệm Hungary tròn 1.000 tuổi. Nơi đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng chân dung các nhà lãnh đạo Hungary và bảy thủ lĩnh từ thời trung cổ qua một loạt bức tượng khổng lồ.

Nếu là người mê đắm các công trình kiến trúc, bạn không nên bỏ qua Nhà hát Opera quốc gia Hungary. Đây được xem là một kiệt tác về kiến trúc và là địa điểm diễn ra những buổi hòa nhạc, những lễ hội lớn của thành phố này.

Thiên tai và nhân họa là chuyện của trái đất này, dân tộc nào tránh được. Người hướng dẫn cho chúng tôi thăm thú Budapest giảng giải thành phố này bị tàn phá nhiều trong thời hiện đại là do đâu. Có một nỗi niềm gì trong giọng nói hay là tôi tưởng thế, như vẫn hằng tưởng thế mỗi lúc gặp một người cùng chung rất nhiều ký ức thế hệ với mình…

3.

Khai hóa cho nhau về đất nước mình đang sống, bất chợt lắng lại trước câu hỏi: chúng ta có gì để chỉ cho thế giới này về Tổ quốc mình? 

Càng đi nhiều, tôi càng hiểu ra sức sống của các công trình kiến trúc. Đó chính là nơi phục sinh huyền thoại, cùng với ngôn từ, là nơi tạo ra sức mạnh của niềm tin. Tỉ như câu chuyện về cánh tay của Ivants Hung đế đang được lưu giữ trong ngôi nhà thờ hoành tráng và đẹp nhất Budapest.

Thay gi o Budapest?
 

Còn người Việt, giả dụ đưa du khách ra trước hồ Gươm - nơi các nhà khoa học đang đồng thanh cảnh báo không nạo vét ngay thì có nguy cơ biến thành đầm lầy để kể huyền thoại trả kiếm cho thần sau khi phục quốc?

Hay đưa nhau lên chùa Một Cột, nơi được xem là biểu tượng của đất rồng bay? Tiện nhất là đưa nhau ra đường bờ sông mà nhìn con đường gốm sứ tái hiện lịch sử nước nhà được thi công để chào mừng 1.000 năm Thăng Long?

Không, đất nước mình có nhiều hơn thế. Ngay cả khi những vẻ đẹp đó đã vĩnh viễn tàn lụi với thời gian và những cuộc chiến tranh, chúng vẫn hiện tồn nếu ta biết nhớ và trân trọng. Nhưng nếu không phải là chuyên gia của một ngành nghề gắn chặt với lịch sử và nghệ thuật, như nhà văn Tô Hoài, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, họa sĩ Phan Cẩm Thượng… thì e chẳng mấy người biết tới mà tìm đến chiêm ngưỡng bóng người xưa, để tự mình làm nên cái đẹp hôm nay. Mà lịch sử cho thấy có cái gì là miên viễn đâu! Đành phải chờ có một lễ hội phục hiện nào chăng?

4.

Tôi đã sững sờ khi đứng trước tòa lâu đài xây cách đây cả trăm năm nhân kỷ niệm 1.000 năm Budapest. Dàn dây leo trông hệt như một tấm khăn ren tinh xảo vắt ngang một mé lâu đài rực sáng trong đêm lạnh. Thấy trong mình lung lay một điều bao lâu nay vẫn cố tin… 

Thay gi o Budapest?
 

Chỉ ra khỏi Việt Nam tôi mới hiểu rõ hơn kích cỡ của Tổ quốc mình, cũng như mới hiểu mình thiết tha với Tổ quốc đến chừng nào. Không đi xa, không hiểu được điều này đến tận cùng, dù từng ngày, trước đó, tôi vẫn nói trong bao nhiêu giờ lên lớp về bao nhiêu biểu hiện của tình yêu đất nước, một đất nước chỉ có thể gọi bằng "nước chúng ta".

... "Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về..."
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Học, rồi đọc, rồi đi, quá nửa đời người mới hiểu rõ hơn một điều hiển nhiên: chỉ ý thức về nỗi đau, về trách nhiệm riêng mới thật là gốc của niềm kiêu hãnh và nhờ thế mà lớn là một dân tộc, nhỏ là một cá thể người mới có thể sống và phát triển. Chỉ nhờ thế, chứ không phải đơn giản là nỗi đau, cũng như niềm tự hào chung chung.

Và chỉ nhờ thế mới có thể tự tin về tầm kích mình, bé nhỏ và duyên dáng. 

Những trải nghiệm thú vị ở Budapest

- Đi thuyền trên sông Danube: bạn có thể đi vào buổi sáng và cả buổi tối, mỗi thời điểm sẽ cho bạn một trải nghiệm độc đáo, khác lạ. “Đặc sản” của Budapest còn là những cây cầu. Nơi đây còn có dịch vụ dùng bữa tối trên thuyền, thường được các cặp đôi ưa thích. 

- Tắm suối nước nóng: suối nước nóng có mặt khắp Budapest. Giá dịch vụ từ 15 EUR trở lên.

- Đi bar, pub trong những tòa nhà cổ: chúng có thể là những căn hầm đầy bí ẩn dưới lòng đất.

- Trải nghiệm ẩm thực Hungary qua các món ăn: Lángos (gồm kem chua, phô mai, dăm bông, nước xốt), Csirke Paprikás (gà cay Hungary gồm kem, nước xốt gà), Rétes (một loại bánh cuộn), Kürtőskalács (bánh nướng làm từ bột mì, sau đó rắc đường, quế hoặc quả óc chó lên trên), xúp Levesek (gồm rau xanh, khoai tây và thịt)...

Bài và ảnh: Lê Minh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI