Tháng Ramadan ở Rabat

21/04/2018 - 07:00

PNO - Rabat không có nhiều cây xanh, nếu có thì cũng chỉ là cọ, một loài thực vật nhiệt đới chẳng cho bóng mát, nhìn còn thấy nóng nực hơn.

Rabat không có nhiều cây xanh, nếu có thì cũng chỉ là cọ, một loài thực vật nhiệt đới chẳng cho bóng mát, nhìn còn thấy nóng nực hơn. Bên trong lòng pháo đài Oudayas có khu dân cư cổ với các ngôi nhà sơn hai màu xanh trắng, kiểu dáng lừng danh của những ngôi làng trên đảo Santorini. Tôi đi sâu vào những ngõ nhỏ quanh co không thẳng hàng. Kết cấu đô thị của người Maroc giống như một mê cung. Họ thích thế, cứ như thể đánh đố khách phương xa.

Thang Ramadan o Rabat
 

1. Tháng Ramadan, dường như cả ngôi làng đều ngủ, thảng hoặc chỉ một vài cửa hàng lưu niệm mở cửa cho vui, vì cả ngày chẳng vị khách nào ghé qua. Mãi đến khi xin xong visa, tôi mới biết mình sang Maroc đúng vào những tuần lễ linh thiêng nhất. Tháng ăn chay theo lịch của người theo đạo Hồi, vì thế mỗi năm nó sẽ xuất hiện ở một ngày khác nhau theo dương lịch. Ramadan cũng từa tựa như tháng tết của người Việt hay tháng Giáng sinh của người Âu.

Những tuần này người ta sẽ nhộn nhịp chuẩn bị, rồi nghỉ làm nhiều ngày để ăn uống, vui chơi. Đặc biệt là vào ngày Eid al-Fitr (ngày đầu tiên trong tháng thứ 10 của lịch Hồi giáo), ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, mọi hoạt động của đất nước Maroc sẽ bị đình lại, hàng quán, nhà băng, siêu thị đều đóng cửa. Cha mẹ con cái dù ở xa mấy cũng phải về bên nhau để quần tụ bên bàn ăn với đủ món ngon linh đình. Suốt tuần lễ tôi ở Maroc, rất khó khăn để tìm thấy một quán ăn. Không nhà hàng nào mở cửa trước 19g. 

Thang Ramadan o Rabat

Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo không được ăn uống khi mặt trời xuất hiện. Nghĩa là họ vẫn ăn ngày hai lần, nhưng lần thứ nhất vào lúc 3g30 đến 4 giờ sáng và phải kết thúc bữa ăn trước khi mặt trời mọc; lần thứ hai là 19g30, sau khi mặt trời đã bị Đại Tây Dương nuốt gọn. Ngoài việc kiêng ăn uống thì kinh Coran cũng cấm người Hồi giáo hút thuốc, nói tục chửi bậy và sinh hoạt tình dục từ 4g30 đến 19g. Vì thế tối đến cả thành phố thực sự hồi sinh, tất cả bắt đầu vui chơi thỏa thích và mọi hoạt động đường phố bắt đầu. Ramadan có nhiều ý nghĩa về tôn giáo nhưng xét trên phương diện sức khỏe, nó như một phương pháp Detox để tẩy sạch cả cơ thể lẫn tinh thần. 

2. Đô thị cổ bên trong pháo đài giống một ngôi làng nhỏ, đi loáng cái đã hết đường, chưa kể nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm để tránh nắng. Tận cùng “ngôi làng” có một ngách nhỏ, rẽ vào hẻm ấy, đại dương sẽ hiện ra trước mắt. Tôi đứng trên một pháo đài. Từ vị trí này, những chiến binh Berber cổ xưa có thể mang ống nhòm mà quan sát những con tàu lạ.

Tôi không thể tin được rằng, Đại Tây Dương đang ở trước mặt - cái địa danh mỹ miều và vĩ đại vẫn xuất hiện trong địa lý lớp 7 khiến đứa trẻ 13 tuổi ngẩn ngơ trước trang sách giáo khoa có những hình vẽ sơ sài. Cả chiều dài của vương quốc Maroc men theo Đại Tây Dương. Đường bờ biển lần lượt chạy qua Tangier, Rabat, Casablanca, Safi, Essaouira… tạo thành những điểm nhấn tuyệt vời. Phía Bắc Maroc là biển Địa Trung Hải, còn phần lục địa đằng Đông chung biên giới với Algeria và Mauritanie. Vì thế mà địa hình của Maroc đủ cả đại dương, sa mạc, núi non, cùng với các nước Nam Âu và Bắc Phi như Ai Cập, Lybia, Tunisia, Algeria tạo nên một vành đai bao quanh Địa Trung Hải, qua hàng ngàn năm kiến thành nền văn minh Địa Trung Hải cường thịnh.

Thang Ramadan o Rabat

Pháo đài Oudayas không chỉ gối đầu lên Đại Tây Dương, nó còn nằm ngay bên cửa sông Bou Regreg, có lẽ cũng là một vị trí chiến lược đắc địa từ thế kỷ XII, khi các Sultan ra lệnh đổ móng cho công trình quân sự này. Đi theo lối khác vào pháo đài, qua những bậc thang dích dắc, sẽ bắt gặp một quán cà phê tuyệt vời. Cụm từ “Moorish Café” (quán cà phê kiểu Maroc) được bắt gặp ở bất cứ đâu trong các chỉ dẫn du lịch về Maroc. Nghĩa là người ta mặc định, đã đến Maroc là phải đi cà phê, bởi quán xá ở đây rất đặc biệt với những ghế băng dài hẹp kê sát tường, nệm ngồi được dệt hoa văn rực rỡ.

Quán cà phê Maroc thuộc khu vực pháo đài Oudayas có lẽ nổi tiếng nhất nước vì có tầm nhìn ra sông Bou Regreg và bờ Salé. Cần phải nói thêm rằng, thủ đô Rabat bao gồm hai thành phố Rabat và Salé nằm bên hai bờ sông, khách sạn xinh đẹp nơi tôi nghỉ chân trong những ngày lang thang ở thành phố này nằm bên Rabat. 

Thang Ramadan o Rabat

3. Quán cà phê Maroc này nằm ngoài trời với những dãy ghế chạy dài trên hàng hiên đưa ra mặt sông. Ghế không có nệm mà ốp đá, nhưng cũng là đá nhiều họa tiết, màu sắc chủ đạo là lam, tím than, nâu vàng và lục thẫm. Các hình chữ nhật li ti kết vào nhau thành một mảng hoa văn khổng lồ sặc sỡ như kính vạn hoa. Người đứng đầu này nhìn thấy người ngồi góc kia trong quán, chỉ cách có chục mét thôi mà phải vòng vo qua mấy con hẻm tí hon mới gặp được nhau.

Rõ ràng là một phần của thành cổ được cải tạo lại thành quán xá, mà thuở xưa có lẽ nó chỉ được dùng để hóng mát. Vừa ngồi xuống ghế, người ta đã tíu tít mời chúng tôi đủ ba món điển hình: trà bạc hà, bánh ngọt truyền thống và hình xăm. Xăm hình tạm thời bằng cách vẽ mực màu trên mu bàn tay là một dịch vụ phổ biến ở Maroc và các quốc gia có nhiều cư dân theo đạo Hồi như Singapore, Malaysia, Indonesia…  

Thang Ramadan o Rabat

Nhìn các bạn cùng đoàn hứng khởi ăn bánh, uống trà xì xụp lại thấy thương cho mấy chàng phục vụ Maroc. Rõ khổ, khay bánh trên tay, trà thì thơm nức mũi mà lại nhịn đói nhịn khát chẳng được ăn uống trong khi vẫn phải bưng bê phục vụ thực khách. Lúc ấy tôi cho rằng, tất cả những phụ nữ Việt Nam luôn vật vã vì ăn kiêng và giảm cân nên đến Maroc để học tập tinh thần của họ, là khi đồ ăn trước mặt, chứng kiến người người đang nhai nhồm nhoàm mà cũng chẳng động lòng.

Dẫu sao, tôi vẫn nhớ mãi vị trà bạc hà trong quán cà phê Maroc bên bờ Đại Tây Dương, nó khác hẳn những ly trà lần đầu tiên tôi thưởng thức ở Trung tâm văn hóa Pháp L’espace. Các nước Hồi giáo nổi tiếng là những xứ sở uống trà, vì thế người Maroc không chỉ uống trà bạc hà mà còn thêm nhiều loại lá thơm khác vào trà như húng tây, ngải tây, xô thơm, cỏ roi ngựa, lá phong lữ... Khi ngồi viết những dòng này mới thấy tiếc: biết thế lúc ấy vào chợ cổ, tôi mua luôn một bộ bình trà, về nhà tắt bớt điện cho mờ ảo rồi bật bản Night at the Casbah lên. Thế nào cũng ra chút không khí của “trà đạo” Maroc.

DI LI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI