Thăm hai điểm đến mới ở miền Trung

29/04/2019 - 07:00

PNO - Có hai điểm đến đang thu hút sự chú ý của dân mê du lịch, cùng ở miền Trung, chỉ cách nhau bởi đèo Hải Vân: cầu đi bộ ven sông Hương ở Huế và bãi rêu Nam Ô ở thành phố Đà Nẵng.

Một là công trình mới đưa vào sử dụng ở cố đô, một là bãi rêu vừa xuất hiện vào mùa này năm ngoái ở Đà Nẵng. 

Tham hai diem den moi o mien Trung

Nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất cố đô

Nằm trong dự án mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương, thời gian qua, cây cầu đi bộ ven bờ sông Hương là điểm đến được ưa chuộng bậc nhất của người dân xứ Huế và du khách.

Cầu đi bộ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) của chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại, trị giá gần 53 tỷ đồng. Nó được ưa thích vì là cây cầu đi bộ đầu tiên của thành phố Huế, mới được khánh thành ngày 15/1/2019. Nó được ưa thích vì trước khi đưa vào sử dụng đã gây bão dư luận nhiều chiều về sự xa hoa với chất liệu xây cầu khá sang chảnh: sàn cầu được lát bằng gỗ lim, lan can làm bằng đồng. Tuy nhiên, sau tất cả, từ khi được khánh thành đến nay, nó luôn là điểm check-in được ưa chuộng nhất không chỉ của giới trẻ địa phương. 

Tham hai diem den moi o mien Trung

Cầu dài 400m, rộng 4m, được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400. Toàn bộ số gỗ lim lát sàn cầu được nhập khẩu từ Nam Phi. Cầu kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền, băng qua gầm cầu Phú Xuân đến công viên Lý Tự Trọng, trở thành điểm hẹn lý tưởng để ngắm sông Hương và cầu Trường Tiền. Đến Huế, tôi thích đi bộ để ngắm cảnh. Có cầu đi bộ, tôi càng thích, vì từ đây có thể nhìn ngược lại bờ Nam sông Hương trong cự ly gần mà không nhất thiết phải thuê thuyền rồng ngoạn cảnh.

Thong dong đi dạo, ngắm bờ Nam sông Hương, nơi có những công trình kiến trúc Pháp, dễ khiến bạn có cảm giác như đang ở một nơi nào đó mang âm hưởng Âu châu. Nét cũ úa trong chiều tà, giữa một không gian có nhiều công trình kiến trúc in dấu thời gian dễ gợi lên nhiều cảm xúc cho khách qua đường. Và cho dù bạn có hời hợt đến đâu, cũng dễ nhận ra là nó đẹp và trữ tình rất Huế. Như hôm tôi đi, có mấy chị tầm U50 vẫn diện áo dài tha thướt chụp hình với lá bàng rơi. Hay có một cậu thanh niên ngồi vãn cảnh, mở sổ hí hoáy gieo vần làm thơ ngay khu quảng trường đi bộ của cầu, mặc kệ thiên hạ lại qua.

Tham hai diem den moi o mien Trung
Cầu đi bộ là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất cố đô.

Không biết bạn đón hoàng hôn ở Huế thế nào, ở đâu nhưng với tôi, ngắm hoàng hôn rơi ở cố đô đẹp nhất là tại cầu đi bộ này. Khi mặt trời rơi chậm dần, những tia nắng cuối ngày buông nốt xuống dòng Hương, cũng là lúc mọi cảnh vật trên dòng sông này bắt đầu chìm vào màu hoàng hôn kỳ ảo. Khi chút nắng vàng làm lóe trên những lan can bằng đồng thứ ánh sáng cuối cùng trước khi tắt, tôi chợt cảm nhận nhịp sống thường ngày ở Huế lắng đọng vào chính phút giây này. Đó đây dăm chiếc thuyền rồng chầm chậm về bến. Không ít đôi tình nhân trẻ ra đây, đứng bên lan can cây cầu này, cùng ngắm những khoảnh khắc cuối ngày bên nhau.

Bãi rêu mới nổi của xứ Đà

Lâu nay, các ghềnh đá bãi biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là nơi người dân địa phương hay đến chơi, tắm biển. Đây cũng là một trong những vùng biển khá đẹp của Đà Nẵng, nằm trong khu vực làng nước mắm Nam Ô mà người dân quen gọi là bãi Rạn. 

Tham hai diem den moi o mien Trung

Từ năm ngoái đến nay, địa điểm vui chơi mới này ngày càng thu hút nhiều khách gần xa tìm đến. Con đường làng vốn yên ả, hai năm nay cứ vào khoảng tháng ba, tháng tư là rộn ràng tiếng động cơ xe máy, xe hơi. Cô Hường, bán giải khát lâu năm trên con đường làng nhỏ dẫn xuống biển tới bãi rêu, cho biết: “Hồi xưa cái bãi Rạn ni không có rêu. Tự nhiên hai năm ni rêu mọc xanh ngắt rứa đó. Thế là bãi Rạn chừ có thêm tên là bãi rêu. Con cô, rồi mấy đứa sinh viên ở Đà Nẵng đi học ở Sài Gòn về hay rủ bạn bè ra đây chụp hình, rồi thấy bọn trẻ chụp đưa lên facebook nên thiên hạ rần rần kéo tới đó”.

Bãi rêu ở đây rất khác với rêu ở Bình Thuận, Tuy Hòa. Trên những ngọn đá lớn nhỏ các loại khi thủy triều lên, lấp ló xanh màu rêu trong nước, đến khi thủy triều rút, phô bày hết những bộ tóc rêu rủ xuôi theo từng phiến đá hay buông lơi dập dềnh theo từng con sóng nhỏ len lỏi qua những tảng đá. Từng vạt rêu rủ dài mịn mượt, từ “chân tóc” màu bạc trắng đến thân và ngọn tóc màu xanh trông thật ấn tượng.

Tham hai diem den moi o mien Trung
Bãi rêu mới nổi ở Đà Nẵng hứa hẹn sẽ cho bạn những bức ảnh đẹp.

Mà rêu chỉ là cái cớ để bạn đến đây, chứ không cần rêu, cảnh biển nơi này cũng đủ đẹp để bạn ghé chơi rồi. Nhìn về hướng tay phải, bạn sẽ thấy bán đảo Sơn Trà xa xa, còn ngay trong tầm mắt là ghềnh đá nhô ra sát biển và rú Cấm - tên gọi khu rừng cây dày đặc mọc sát biển tạo cảm giác mát mẻ cho ánh nhìn của bạn khi ngồi nơi bờ biển. Khi đứng trên những tảng đá rêu, chếch hướng trái, là đèo Hải Vân và cây cầu cạn cao thật cao nối từ chân đèo dẫn lối vào hầm. Dịch vụ ở bãi rêu rất “sơ khai”. Nơi đây chỉ bán vài loại nước giải khát và buổi chiều có bán thêm món nhậu nên bạn cần chuẩn bị nước hay thức ăn vặt mang theo.

Người dân địa phương cho biết, đến khoảng gần giữa tháng tư là hết rêu. Bãi Rạn lại trở về với sự yên tĩnh thường lệ. Cái dự án resort đang rục rịch triển khai gây ồn ào một dạo cũng đe dọa ảnh hưởng đến khung cảnh thiên nhiên nơi đây, nên bạn cần nhanh chân lên nhé. Không phải vì chuyện nước mắm đang rộ lên gần đây khiến tôi phải nói với bạn rằng sau khi thăm bãi rêu, bạn nên dành thời gian ghé vào làng nước mắm Nam Ô. Mà vì cái làng làm nước mắm nổi tiếng lâu đời chứa nhiều câu chuyện hay ho này cũng rất đáng để bạn tham quan đấy. 

24 giờ vi vu từ Đà Nẵng đến Huế

Điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể ghé thăm cả hai địa điểm trên chỉ trong một ngày. Lịch trình vạch ra cụ thể như sau. 

Buổi sáng, thủy triều rút là lúc bãi rêu Nam Ô ở thời điểm đẹp nhất trong ngày. Nếu có thể dậy sớm, bạn sẽ có dịp đón bình minh lên trên bãi biển và ngắm đèo Hải Vân trong những khoảnh khắc đầu ngày. Tùy theo các thời điểm trong tháng, tầm 6g đến 10g sáng là thời điểm hợp lý nhất để có những bức ảnh đẹp.

Tham hai diem den moi o mien Trung
Cầu đi bộ ven sông Hương đã trở thành điểm hẹn hò mới của người dân Huế và du khách từ hơn hai tháng nay.

Buổi trưa, bạn sẽ vượt đèo Hải Vân để ra Huế bằng đường đèo hoặc hầm. (Đi bằng xe máy hay xe hơi không quan trọng vì hai bên hầm Hải Vân đều có xe trung chuyển chở người và xe máy qua lại liên tục). Nếu muốn nhanh, bạn nên đi hầm. Nếu muốn nhẩn nha ngắm cảnh đèo, check-in ở đỉnh đèo, hãy đi xe máy. Lời khuyên của người viết là nên đi đường đèo. Vì sau khi đổ đèo, bạn sẽ tranh thủ ngắm được vịnh Lăng Cô tuyệt đẹp. Nếu thích, bạn có thể vào thăm làng chài Lăng Cô ngay cạnh đấy rồi trực chỉ ra Huế, thong thả ghé cầu đi bộ.

Nếu cầu đi bộ ở Huế rất dễ tìm vì nằm ngay trung tâm thành phố thì bãi rêu Nam Ô cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 10 cây số có thể gây lúng túng cho bạn. Các chỉ dẫn trên mạng khá chung chung mơ hồ, nếu không phải là người Đà Nẵng, hẳn bạn sẽ bối rối. Cụ thể, từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, đi hết con đường Nguyễn Tất Thành chạy dọc ven biển sẽ gặp đường Nguyễn Lương Bằng, bạn tiếp tục đi về hướng đèo Hải Vân, đến gần cầu Nam Ô thì rẽ phải, băng qua đường sắt, chạy thẳng một mạch theo con đường làng là đến.

L.M.Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI