Quán cơm 'dui dẻ' độc đáo ở chợ Bàn Cờ

14/10/2019 - 07:04

PNO - Không chỉ thức ăn vừa miệng mà những câu chuyện tiếu lâm, cách mời khách ngồ ngộ và cả kiểu tính tiền không giống ai của chủ quán giúp cơm Nghĩa hút khách nhất nhì khu chợ Bàn Cờ, Sài Gòn.

“Anh em ăn cơm, anh em ơi!”, “Anh em gọi món, anh em ơi!”, “Cơm thêm tự lấy nha anh em”, “Anh em tính tiền dui dẻ”, “Anh em ăn cơm dui dẻ”... những câu rao liên hồi được anh Lê Trung Nghĩa, chủ quán cơm Nghĩa (nằm cạnh số nhà 56 Bàn Cờ, phường 3, quận 3, TP. HCM) mời chào mỗi khi có khách. Ở đây, những câu nói vui của anh Nghĩa trở thành “đặc sản” để rồi ai tới ăn mà không nghe anh nói, hoặc hôm nào quán vắng anh Nghĩa, là thấy thiếu thiếu điều gì đó thân thuộc.

Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Anh Nghĩa làm cơm cho khách

Cơm Nghĩa vừa giống, vừa khác những quán cơm vỉa hè khác tại Sài Gòn. Một tủ đựng đồ ăn đặt cạnh những vật dụng quen thuộc khác như nồi cơm nóng đặt trên bếp, chảo cá kho sôi liu riu, nồi canh chua thơm lừng, thùng trà đá nhỏ, thùng cơm thêm...

Nếu chọn ăn trưa ở cơm Nghĩa, thật lòng mà nói, không đặc sắc hơn những quán cơm trưa khác thậm chí, có nhiều nơi, đồ ăn có thể hấp dẫn hơn tại đây. Vậy mà lạ lùng, cơm Nghĩa vẫn tất bật kẻ vào, người ra dưới mấy chiếc dù xanh dựng tạm làm quán.

Clip tại quán cơm Nghĩa sau giờ đông khách nhất:

 

Cơm Nghĩa phục vụ khách với 27 món ăn được chuẩn bị đều đặn mỗi ngày. Hôm nào cũng thế, đùi gà chiên, gà kho sả, ốc bưu xào lăng, cá lóc kho tiêu, canh chua cá hú, măng xào thịt... được nấu mới để phục vụ thực khách. Nếu ăn 1 món, khách trả 20 ngàn đồng, với 2 món thì 25 ngàn đồng.

Điểm đặc biệt của quán là cơm thêm miễn phí, khách tự lấy, bao nhiêu cũng được và trà đá cũng miễn phí. Nói đến đây, có thể nhiều người phản ứng vì cái gọi là “cơm bao no” ở Sài Gòn không mới, thậm chí nhiều năm trước, “bao no” là một khẩu hiệu để giúp quán ăn hút khách nên lâu dần thành trào lưu. Còn trà đá miễn phí thì trừ những hàng quán sang trọng tính tiền mọi thức đem ra phục vụ trên bàn, hàng quán vỉa hè, có nơi nào thu thêm tiền nước trà đâu!

Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Khi tính tiền, anh Nghĩa luôn thối cho khách 1, 2 ngàn coi như tiền lấy hên

Nhưng cơm Nghĩa khác ở chỗ cái tình, cái tâm của người bán hàng. Anh Nghĩa luôn miệng: “Cơm thêm dui dẻ nha anh em”, “Trà đá dui dẻ nha anh em” đặng như một thói quen để ai có đói, ăn thêm cũng không ngại hoặc trà đá tự dùng để bớt người đưa đi phục vụ. Khay nước được đặt sẵn, được châm liên tục để mỗi thực khách sau khi gọi món xong nhờ anh Nghĩa "nhắc khéo" mà cầm sẵn một ly về bàn.

Anh Nghĩa nói nhiều về cái tâm của người bán. Anh biết chuyện bán buôn không phải trò chơi nhưng cũng không phải rạch ròi quá để kiếm lời 1 ngàn, 2 ngàn mà anh em đến ăn cơm mất vui hoặc còn thòm thèm, chưa no. Có thể, thùng cơm thêm miễn phí “được quyền” không xuất hiện để tiền gạo, tiền công nấu anh bỏ túi thêm nhưng anh Nghĩa nói: “Có sao đâu, để anh em ăn cho no, dui dẻ”.

Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Khách muốn ăn cơm thêm, cứ tự phục vụ

Gọi anh Nghĩa hào phóng, anh Nghĩa lắc đầu không chịu. Nhưng nếu không dùng từ hào phóng thì biết nói sao vì mỗi lần tính tiền, anh thường thối lại 1 - 2 ngàn đồng dù đáng ra, anh đâu cần thối. “1, 2 ngàn cũng là tiền mà, anh không cần sao? Một ngày bao nhiêu khách mà anh thối vậy, tự nhiên mất đi khoản thu kha khá”, tôi hỏi. Anh Nghĩa chỉ cười: “1, 2 ngàn cũng là tiền nhưng thối vậy mà khách vui cũng nên làm, coi như cái duyên ăn ở quán. Khách tới quán, mình mang ơn người ta”.

Tại quán anh Nghĩa, ngay giờ trưa, nhiều dạng khách đến quán anh ăn. Nếu nhìn qua trang phục thì không thiếu kẻ giàu, người nghèo, nhưng tất cả đều được đối đãi như nhau. Khách có sang trọng, tính tiền vẫn thế mà những người khốn khó, có đến cơm Nghĩa thì vẫn tự tin ăn được bữa cơm ngon lành.

Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Bàn để nước được để sẵn để khách tiện tay mang về bàn, khỏi mất công đi lại

Cơm Nghĩa bán được gần 20 năm ở chợ Bàn Cờ. Từng đó thời gian, từ thời người thân bán chính đến khi anh Nghĩa bán, tờ mờ sáng mỗi ngày, chiếc xe cơm được đẩy đều đặn từ trong con hẻm của chợ đến địa điểm bán hiện tại. Qua khoảng hơn 2 giờ chiều, quán dọn dẹp, trả lại mặt bằng. Mỗi ngày, anh Nghĩa đi chợ sớm để mua đồ ăn tươi ngon về cho các dì trong gia đình nấu. Đến khi ra bán thì có thêm em trai, cháu, dì tư, chú hàng xóm phụ thêm. “Ngày nào cũng vậy, cũng có nhiêu đó làm hoài nhưng cuộc sống mà, có làm mới vui”, anh Nghĩa nói.

Ở Sài Gòn, nhiều hàng quán có những câu chuyện, cung cách phục được lòng thực khách. Có khi, người tới quán ăn không chỉ vì thức ăn vừa miệng mà vì ông chủ, vì người phục vụ hoặc không gian quán có điều gì đó thân quen. Với cơm Nghĩa, đó là sự vui vẻ của ông chủ nom hơi dữ dằn nhưng hào phóng, hài hước; là cái tình bình dị, rất đỗi thân quen với người dân Sài Gòn. 

Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Dì Tư múc cá kho từ nồi cá đang sôi liu riu
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Ở quán cơm Nghĩa, người quét rác với đôi chân bị tật là hình ảnh quen thuộc
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Anh Nghĩa dành thời gian nói chuyện với người quen hoặc khách khi có thời gian rảnh
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Cơm Nghĩa không khác nhiều quán ăn khác ở Sài Gòn nhưng thú vị ở chỗ cái tình, phong cách người bán
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Những món cơm ngon miệng càng ngon hơn khi nghe anh chủ kể chuyện tiếu lâm
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Thùng cơm vơi dần sau giờ trưa khi nhiều khách dùng thêm
Quan com 'dui de' doc dao o cho Ban Co
Anh Nghĩa liên tục vừa làm vừa nói chuyện với khách, tạo không khí vui vẻ giúp cơm Nghĩa hút khách

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI