Phượng Hoàng cổ trấn có đáng đi không?

26/05/2018 - 06:00

PNO - Vài năm gần đây Phượng Hoàng cổ trấn đang trở thành một từ khóa gây náo nức. Mọi người hỏi nhau: nơi ấy có đẹp thật không? Có đáng đi không hay dân làm du lịch “làm quá” lên?

Trấn cổ xinh đẹp này còn lưu truyền thuyết về đôi chim phượng hoàng bay qua đây không thể kìm lòng trước vẻ đẹp non xanh nước biếc nên nấn ná chẳng muốn rời. Truyền thuyết tình yêu này được kể khá lâm ly trong tác phẩm của nhà văn tài hoa Shen Congwen (1902-1988), người suýt được nhận giải Nobel văn học nếu không đột ngột qua đời trước thời gian dự định trao giải. Ông cũng là người vẽ nên đôi phượng hoàng quay đầu để tặng cho người yêu của mình. Ngày nay bạn có thể nhìn thấy vô số trang sức bạc mô phỏng hình tượng này. 

Phuong Hoang co tran co dang di khong?
 

Đoạn sông nhiều cây cầu bắc qua nhất thế giới?  

Điều này có lẽ chưa được ghi trong sách kỷ lục thế giới nhưng là điểm gây ấn tượng với du khách. Đó chính là dòng Đà Giang ôm trọn hai bên bờ của khu trung tâm trấn cổ. Nước sông phản chiếu sắc cây cỏ một màu xanh tựa ngọc lục bảo, nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ những vẩn đục. Nếu sáng sớm bạn thả bước dọc sông, thi thoảng thấy một cô gái đang miệt mài giặt quần áo bên bờ sẽ hiểu vì sao nước sông không còn trong văn vắt như mô tả trong sách vở ngày cũ. Tuy nhiên, vẻ diễm lệ của dòng sông này là điều bạn phải thừa nhận. 

Phuong Hoang co tran co dang di khong?

Đà Giang dài chưa tới một cây số nhưng có đến chục cây cầu, nhiều cầu có tuổi đời bằng với khu thành cổ. Nổi tiếng nhất là Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc mái che, một chiếc cầu - nhà, được thiết kế theo phong cách Phượng Hoàng đặc trưng của cổ trấn. Nếu bạn thích không khí huyên náo thì nên đến đây. Một cây cầu gỗ ghép cong dưới chân đoạn thác lùn róc rách, một bên là chiếc cọn nước rêu phong quay nhịp nhàng suốt đêm ngày. Đặc biệt nhất là cây cầu được đổ trụ bằng những cột đá theo nhịp bước chân, có hai luồng đi cho hai chiều ngược nhau. 

Phuong Hoang co tran co dang di khong?
Nhà cổ bên dòng Đà Giang.

Cách đó không xa là một cây cầu gỗ khác gồm những đoạn cầu bắc qua mố trụ đứng chênh vênh, bề rộng chỉ chừng hơn nửa mét. Có cây cầu sắt và cầu bê tông lớn dành cho xe cơ giới qua lại. Đứng ở bên sông phóng tầm mắt ôm trọn hình ảnh những cây cầu cùng kiến trúc nhà độc đáo được dựng trên những cột gỗ, chắc chắn sẽ như tôi, bạn có cảm giác mình là một phần của bức thư họa Trung Hoa cổ xưa. Điều đó hẳn không chỉ vì khung cảnh mà quan trọng hơn, phong vị cổ kính bảng lảng vẫn được lưu giữ hết sức đậm đà nơi đây - điều mà bạn có thể cảm nhận rất rõ nhưng miêu tả thì chưa chắc đã lột tả hết được. 

Hai bên bờ sông là hai hình ảnh khác nhau của khu trấn. Phía bên này sông là cổ trấn thâm trầm với tuổi đời ngót 1.300 năm cũ kỹ. Bên kia là trấn mới với những ngôi nhà cao tầng, dãy quán ăn nằm dọc bờ sông.

Phuong Hoang co tran co dang di khong?
Tóc tết chỉ - một nét văn hóa nơi đây.

Lọ mọ trong ngóc ngách

Nếu chỉ thăm thú trấn cổ dọc bờ Đà Giang, dù đã ngồi thuyền du ngoạn trên sông, chiêm ngưỡng những thắng cảnh nổi tiếng như Lầu Đồng Môn, Lầu Bắc Môn, Tháp Vạn Dân, khu phong cảnh Sa Vịnh, lầu Nghệ Thuật Hồng Kiều… bạn vẫn chưa trả lời được câu hỏi tại sao trấn cổ Phượng Hoàng cùng với trấn Trường Đinh - tỉnh Phúc Kiến, được xem là hai trấn đẹp nhất của Trung Quốc. Bạn hãy đến nơi này khi còn đủ sức khỏe và nhiệt huyết để có thể len lỏi trong những ngóc ngách nơi trấn cổ để khám phá những nét lạ.

Phuong Hoang co tran co dang di khong?

Hãy rẽ đại vào một ngách nhỏ, bạn sẽ thấy từ lối rẽ đó là những con đường lát đá cổ mở ra một thế giới tưởng chừng vô tận. Càng đi sâu vào bên trong, tôi càng gặp nhiều ngôi nhà với kiến trúc cổ. Nhà được xây dựng không có đinh tán, mà hàng vạn chi tiết gỗ được lắp ghép với nhau bằng mộng; những ngôi nhà với chiếc cửa gỗ xếp độc đáo. 

Có cảm giác lạc vào cổ tích khi bạn nhìn thấy bờ tường của những hàng quán, những cây cột gỗ chi chít giấy đính, được đóng vững chắc bằng đinh tán, phần lớn được viết bằng chữ tượng hình. Đúng với tính chất của một địa chỉ du lịch, nơi đây hàng quán san sát bên những căn nhà của dân bản địa - cũng bày bán một thứ gì đó. Hầu hết là đồ hand-made: bùa túi, đồ trang sức bạc, lụa là gấm vóc đủ sắc màu… 

Phuong Hoang co tran co dang di khong?
Đặc sản bánh tép là món bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Phượng Hoàng cổ trấn.

Bạn cứ thong thả mà dạo bước, ngắm nghía. Đường sạch bong. Người dân, chủ các quán hàng không quá vồ vập khiến bạn ngại ngùng. Kể cả khi bạn cầm lên một món đồ vào buổi sáng sớm nhưng lại không mua, họ cũng chỉ tiễn bạn bằng nụ cười hiền. Thỉnh thoảng những người dân địa phương níu bạn lại mời chụp ảnh hoặc mua túm chỉ tết tóc, bạn chỉ cần lắc đầu nhẹ nếu thấy phiền. Nếu bạn có thời gian, chừng mười mấy phút họ đã tết xong cho bạn một mái tóc - chỉ đa sắc, chụp ảnh lên để khoe “tôi đã đến nơi đây”, kể cũng thú.    

Phượng Hoàng cổ trấn có rất nhiều thứ khiến bạn thích thú nhưng điều khiến lòng người say đắm nhất có lẽ là nhịp sống. Bạn hãy thử cảm giác ngồi cầm cốc trà ấm trong một quán nhỏ ngắm sương trên dòng Đà Giang vào buổi chiều tà, buổi tối nhấp ly rượu nồng trong một bar nhỏ với tiếng guitar bập bùng như gần như xa, hoặc sánh vai cùng người ấy đi dưới những hàng cây muồng Osaka trong cái lạnh man mác của đêm phố cổ… Khi ấy, bạn sẽ thấy dường như những mệt mỏi của chuyến đi, những điều không muốn nhắc đến trong cuộc sống bỗng nhiên tan biến. Chỉ còn đọng lại xúc cảm da diết về những điều tốt đẹp. Ở đây họ có câu nói truyền miệng rằng, nếu bạn đang theo đuổi ai đó, hãy dẫn người ấy đến đây, dắt tay nhau đi qua cầu đá nguyệt, người đó sẽ yêu bạn trọn đời.

Phuong Hoang co tran co dang di khong?
 

Những món ăn đường phố không nên bỏ qua

- Bánh bao mini hấp: vị mềm ngọt rất dễ ăn.

- Trứng luộc nước trà xanh: vị khá đậm đà.

- Bánh tép rán: giòn tan và ngọt vị tép tươi.

- Đậu phụ thối: vị cay ngấm ngấu đặc trưng.

- Trà gừng hoặc ô mai dầu là hai món thức uống đường phố đặc trưng nơi đây, giúp nâng vị những món ăn đường phố lên nhiều bậc.  

 Võ Hồng Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI