Đi lạc ở Cần Thơ

10/09/2019 - 09:07

PNO - Tối hôm đó, ngồi trong một quán ăn ở Cần Thơ, vừa thưởng thức món bún chả Tiều lần đầu tiên trong đời, chúng tôi vừa ôn lại đoạn đường đã qua. Cần Thơ không phải là đích đến ban đầu của chuyến đi đầy ngẫu hứng này...

Chuyến đi ngẫu hứng và món bún chả Tiều 

Chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn bằng xe máy lúc 9g30. Mục tiêu xa nhất chỉ là Vĩnh Long, nghĩa là tầm 140km. Thế nhưng, dù chạy không nhanh và thỉnh thoảng ghé giải lao ở các quán cà phê võng bên đường, khi chúng tôi đến nhà thờ chánh tòa Vĩnh Long, chỉ mới 15g. 

Di lac o Can Tho

Sau khi chạy một vòng khắp thành phố, chúng tôi vào một quán cà phê trong sân vườn Bảo tàng Vĩnh Long - một khuôn viên biệt thự, kiến trúc Pháp còn sót lại khá đẹp - nhìn ra dòng sông Cổ Chiên, bàn tính đi thêm 40km nữa về Cần Thơ nghỉ lại. 

Tối hôm ấy, tôi hỏi một người bạn là dân Cần Thơ chính gốc về món bún chả Tiều mà người bán nói với chúng tôi là có nguồn gốc từ người Tiều. Bạn tôi cười ngất bảo rằng thật ra đó cũng là món bún chả giò (nói theo người Nam) hay chả ram (nói theo người Trung), với cách làm khác hơn là thịt xay nhuyễn trộn với khoai môn và gia vị rồi ép thành miếng to, hình tròn, hai mặt có bánh tráng, sau đó cắt ra chiên. 

Bạn cho biết thêm, ban đầu chỉ có một cô làm bún chả Tiều, món ăn rất ngon và quán luôn đông khách. Sau đó, nhiều người bắt chước. Bất ngờ hơn, đây không phải là món của người Tiều. 

Chúng tôi cười ồ, đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. 

Ăn hàng ở chợ miền Tây 

Theo chương trình sáng hôm sau, chúng tôi sẽ đi Trà Ôn rồi về Sài Gòn. Vì khởi hành hơi trễ nên chúng tôi không ngắm được cảnh mặt trời vừa lên ở cầu Cần Thơ. Tuy nhiên, tôi cũng vớt vát được một vài hình ảnh màu bình minh cam đỏ lộng lẫy ở chân trời. 

Qua cầu Cần Thơ, chúng tôi theo Quốc lộ 54 rẽ lối vào nhà thờ Trà Ôn (được xây dựng gần 100 năm trước) để đến chợ Trà Ôn. Tuy lịch sử thăng trầm tách ra, nhập vào, giải thể, tái lập nhưng nhìn chung Trà Ôn vẫn cứ hiền hòa, bình dị, kinh tế chưa có nhiều sự khởi sắc. 

Di lac o Can Tho
Di lac o Can Tho

Vài căn nhà người Hoa ở phố chợ, một căn nhà thời Pháp còn giữ lại, chợ nhỏ nhưng nhộn nhịp. Phía sau chợ là bến sông, ghe thuyền xuôi ngược ra vào. Sông rộng, bờ bên kia cây lá xanh mướt vừa thơ mộng vừa dân dã, đẹp dịu dàng, mộc mạc. Tôi ngồi ở một quán cà phê bên sông, ăn tô hủ tíu ngon mà rẻ đến ngỡ ngàng - chỉ 10.000 đồng. Trò chuyện với mấy anh xe ôm, tài công mới biết nơi này một thời từng rất phồn thịnh vì là nơi mua bán sản vật của người dân từ cồn Lục Sĩ, cồn Tân Quy, cồn Sừng… chở ra. 

Thời sầm uất nhất, chợ có tên gọi là chợ nổi Trà Ôn - chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển, nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu (người dân địa phương gọi đây là sông Trà Ôn) và sông Măng Thít. Bây giờ không còn chợ nổi, cảnh ghe thuyền tấp nập trên sông dễ khiến người ta liên tưởng về thời nhộn nhịp bán mua cách đây không lâu lắm. Ngoài ra còn có hai bến phà là Cái Côn và Lục Sĩ Thành, đưa khách ra vào liên tục. 

Rời bến sông, chúng tôi tham quan khu phố chợ - một dãy phố có rất nhiều hàng quán. Món bún bò viên ở phố chợ thật sự hấp dẫn chúng tôi, đến nỗi mỗi người đều ăn đến hai tô, không phải vì đói mà vì nghĩ rằng biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại hương vị đặc biệt này lần nữa. Chợ quê, món ăn nào cũng hấp dẫn và thật rẻ, từ bánh khọt cho đến phở, bún riêu... 

Nghe lịch sử kể chuyện

Sau khi rảo một vòng thị trấn Trà Ôn, chúng tôi ghé thăm khu di tích Thống chế Điều bát. 
Đây là di tích lịch sử được xây dựng vào năm Canh Thìn 1820, đời vua Minh Mạng, là nơi thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820), một danh tướng đồng thời là nhà khai hoang đầu thời nhà Nguyễn. Ông là người có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc - An Giang), giúp dân nhiều vùng trong tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng.

Di lac o Can Tho
Di lac o Can Tho
Nhà thờ Trà Ôn
Di lac o Can Tho
Một kiến trúc Pháp ở Vĩnh Long. 

Năm 1828, vua Minh Mạng sắc phong ông là Trung Đẳng Thần, hàm ân Trung Dũng Thiên Trực, tước Dung Ngọc Hầu. Bà phu nhân được ban mỹ tự Hiền Thục Chi Thần Thống Chế Đại Quan. Phía sau khu di tích có khu mộ của ông và phu nhân. 

Từ đây chúng tôi cố tình… đi lạc, không xem bản đồ, đi tới đâu hỏi đường tới đó với đích đến là cầu Cổ Chiên. Nhờ vậy tôi mới ngắm được cảnh đồng quê lúa xanh thì con gái đẹp đến nao lòng. Qua những cánh đồng cói, phảng phất trong không gian mùi cói mới cắt như mùi cỏ mà nồng nàn hơn. Trên đường làng, cói phơi xòe, ngay hàng thẳng lối đẹp như các bức ảnh nghệ thuật. Hai bên đường, những loại hoa nhiều màu rực rỡ khoe sắc trong nắng khiến đường quê mang vẻ bình yên và lãng mạn. 

Hai bên đường, những hàng quán bán các sản vật quê như đậu phộng luộc, bắp luộc, bắp trái lột vỏ sẵn... như níu chân khách qua đường. Hôm ấy, trên xe máy chúng tôi gần như không còn chỗ để treo, nào là bắp, đậu, củ ấu, sầu riêng… Thứ nào cũng rẻ mà tươi ngon. Tôi mua một chục trái bắp non chỉ mười ngàn đồng. Đậu phộng luộc cũng chỉ mười ngàn đồng một túi thật to.

Trưa, chúng tôi đến xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ai nấy đều đói bụng và khát nước. Tôi ghé một quán bên đường uống ly nước mía và ăn tô bún nem nướng thật đặc biệt với nước tương là loại tương đậu nành đen. Tưởng trên đời chẳng còn gì 
ngon hơn.

Qua cầu Cổ Chiên, chúng tôi rẽ vào thành phố Bến Tre, ngồi nghỉ chân ở quán cà phê Làng Văn và bổ sầu riêng ra ăn. Sầu riêng mùa này như hấp thụ đủ tinh hoa của đất trời, thơm nức quyến rũ.

Di lac o Can Tho
Sông Cổ Chiên
Di lac o Can Tho
Phơi cói
Di lac o Can Tho
Hàng quán ven đường

Chúng tôi đi để trải nghiệm và cũng là dịp ôn lại bài học về lịch sử, địa lý một cách trực quan, sống động nhất. Đi còn để thấy quê hương mình quá nhiều nơi đẹp đến bâng khuâng. 

Đi qua rồi, nhìn lại mới ngẫm ra cuộc sống có quá nhiều điều thú vị nếu chúng ta chịu đi và tận hưởng nó.

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI