Đi để trở về thật mới

14/04/2018 - 06:40

PNO - Du lịch dù xa hay gần cũng đều là sự chọn lựa bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone), là lúc bạn được sống với những nếp nghĩ mới, gặp những người có phông nền văn hóa, nghĩ suy khác mình.

Mệt mỏi với vòng quay cuộc sống, cảm nhận bản thân chẳng còn chút năng lượng bởi quá căng thẳng với công việc hay những mối quan hệ xung quanh, có lẽ đấy chính là dấu hiệu cơ thể gửi đến bạn thông điệp cần được nghỉ ngơi. 

Di de tro ve that moi
 

Một chuyến đi thật xa để trở về khỏe mạnh hơn, một kỳ nghỉ giúp bạn tạm “ngắt quãng” với lo âu, trách nhiệm chính là liều thuốc mang đến vô vàn lợi ích tinh thần quý giá. 

Giúp cải thiện tinh thần

Chúng ta thường liên tưởng mỗi chuyến đi là mỗi dịp giúp “sạc” đầy năng lượng cho mình. Đó không chỉ là cảm giác hay sự liên tưởng ngẫu hứng, các nhà tâm lý học đã thực hiện những cuộc nghiên cứu. Họ kết luận rằng, những chuyến đi, kỳ nghỉ đúng nghĩa có thể giúp tâm hồn chúng ta phấn chấn, bình an. 

Không chỉ mang lại cảm giác hạnh phúc và thư giãn hơn, du lịch còn giúp giảm bớt cảm xúc bùng phát, cân bằng để khi quay trở lại guồng quay cũ, chúng ta bình tĩnh đối diện, giải quyết từng vấn đề một. Đây là nội dung của nhiều nghiên cứu từng đăng trên tạp chí chuyên về tâm lý Journal of Applied Psychology và Psychology & Health những năm gần đây. 

Trong kỳ nghỉ của mình, nếu thật sự đắm chìm trong cảm xúc tận hưởng khung cảnh, thời gian thư giãn tuyệt vời, bạn sẽ càng dễ có những giấc ngủ ngon, thể trạng hồi phục vì những căng thẳng tinh thần có thể gây ra những căng thẳng lên cơ thể.

Di de tro ve that moi
 

Các nghiên cứu cũng cho thấy bạn sẽ giữ được trạng thái phấn chấn khoảng 3-4 tuần sau khi trở về từ kỳ nghỉ. Đó chính là khoảng thời gian bạn sắp xếp lại thói quen cũ, tạo những thói quen tích cực để không rơi vào trạng thái thiếu hụt năng lượng trước đó. 

Ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ

Đến một nơi mới, gặp những con người mới trong tâm trạng thoải mái, bạn sẽ có cảm giác dễ dàng trải lòng đón nhận, tìm hiểu mối quan hệ mới này. Bạn có thể gặp người bạn mới ở một quán cà phê, bảo tàng hay một địa danh nào đó, phát hiện mình và người ấy có thể chia sẻ những mối quan tâm, sở thích chung.

Bạn không cần lo lắng mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày vì mối quan hệ này không chịu bất cứ chi phối nào ngoài cảm xúc của bạn. Thực tế, có rất nhiều cuộc gặp gỡ trong những chuyến đi giúp một người duy trì được cảm giác mới mẻ vì một mối liên hệ ở xa luôn dành cho nhau một sự quan tâm, tôn trọng nhất định.

Trên nền tảng di động có thể tìm thấy những ứng dụng đi kịp trào lưu như Meetup, TravBuddy hay backpackr. Những ứng dụng này cho phép bạn “nuôi dưỡng” những mối quan hệ không ràng buộc với những người bạn đáng yêu ấy. Các chuyên gia tâm lý cũng nhận định, đây chính là một trong những điểm tựa hữu ích cho con người. 

Di de tro ve that moi
 

Trong khi đó, du lịch cùng người thân hay bạn bè có thể giúp mối quan hệ gắn bó hơn vì tất cả cùng được “va chạm” phần tính cách ít bộc lộ trong những tình huống hằng ngày. Nếu đó là chuyến đi của cả gia đình, các chuyên gia trị liệu tâm lý gia đình nhận định đây là trải nghiệm rất tốt cho phần ký ức của mỗi thành viên, tạo cảm giác gắn kết mỗi khi nhớ về những chuyến đi ấy. 

Giúp thay đổi thái độ sống 

Du lịch dù xa hay gần cũng đều là sự chọn lựa bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone), là lúc bạn được sống với những nếp nghĩ mới, gặp những người có phông nền văn hóa, nghĩ suy khác mình. Một bối cảnh mới, một nhịp sống mới vừa vặn cho bạn cảm nhận một cái tôi rất mới và chợt nhận ra có thể hòa mình vào đó.

Đây là lúc bạn sống trọn vẹn giữa những khác biệt chưa từng nghĩ có thể hấp thụ nhẹ nhàng đến vậy. Khi ấy, những chuyến đi là để trở về, hiểu mình đang có những điều có thể là mơ ước của rất nhiều người khác.

Đó là kết quả của chuỗi phản ứng tâm lý bạn có được sau khi đối mặt, xử lý, chấp nhận, trải qua để rồi khám phá tận sâu trong mình là một con người mới với những nét tính cách dần tỏa sáng, có cơ hội bộc lộ. Đây cũng là điểm mạnh giúp chúng ta dễ thích nghi với sự đa dạng của môi trường sống.

Thiên Như (theo Psychology Today, connectepsychology)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI