Chèo thuyền qua mùa đông

16/12/2018 - 06:00

PNO - Tám năm trước, tôi ngồi bên bờ hồ Lắk nhìn ra dòng nước bạc. Mùa đông, sương sớm bảng lảng như mây vờn núi. Năm ấy, tôi một mình, vạn dặm chỉ để được ngắm một hừng đông, tĩnh lặng nghe tiếng nước.

Bây giờ trở lại, tôi mới biết còn có thể ngắm hồ Lắk theo một cách khác - từ một ngọn đồi. Mặt hồ như mênh mông hơn, lộng lẫy hơn và lòng người cũng đã bình yên, hạnh phúc hơn…

Bồng bềnh trong sương

Tiếng đập nước của những người lưới cá trên hồ Lắk đánh thức tôi vào buổi hừng đông. Quả đồi còn chìm trong sương sớm. Vòm trời bên kia núi từ từ ửng hồng, tiếng chuông gió réo rắt như lời chào bình minh thanh khiết. Tôi trở dậy, bước ra thềm, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, chuẩn bị tinh thần đầy hứng khởi cho hoạt động đầu tiên trong ngày: chèo thuyền kayak. 

Cheo thuyen qua mua dong
 

Buổi sáng nước lặng, thích hợp nhất cho việc chèo thuyền thưởng cảnh hồ. Giúp chúng tôi đẩy thuyền ra xa bờ, chủ thuyền bảo hãy chèo về phía đầm hoa súng. Buổi sáng hoa súng nở hồng cả chân trời. Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, lớn thứ hai của Việt Nam sau hồ Ba Bể. Vòng hồ bao quanh những ngọn núi kỳ vĩ, trữ tình. Khoảnh khắc thả trôi bềnh bồng trên dòng nước lấp loáng màu bình minh, tôi ước giá mà có thêm thời gian để có thể chèo kayak đi hết mặt hồ này.

Cheo thuyen qua mua dong
Thư giãn bên hồ

Chúng tôi nhẩn nha khua mái chèo, nghe tiếng nước nhẹ nhàng êm ái. Mùa đông ở đây không lạnh. Tôi cố thu vào tầm mắt trọn cái bao la của trời mây, vẻ lộng lẫy của dòng nước và cả hình ảnh những chiếc thuyền con phía xa xa. Cứ để cho lòng mình rộng mở, đón nhận hết nguồn năng lượng trong lành, tích cực. Giây phút đẹp đẽ nào của đời người rồi cũng sẽ trôi qua hết, chỉ có kỷ niệm về những khoảnh khắc đẹp là ở lại mãi trong lòng người. Càng đi nhiều, sống nhiều, tôi càng nhận ra mình cần phải trân trọng từng giây phút. Mọi sát na thời gian đều quý giá như nhau. 

Cheo thuyen qua mua dong
Đặc sản hồ Lắk - gà nướng cơm lam và chả cá thát lát

Hồ Lắk là một trong những điểm đến không nên bỏ qua khi đến Buôn Mê Thuột. Cách trung tâm thành phố hơn 50km, nơi này có nhiều điểm tham quan, hoạt động vui chơi: biệt điện Bảo Đại, buôn Jun, chèo thuyền, cưỡi voi, thưởng thức đặc sản chả cá thát lát - sản vật của hồ Lắk, gà nướng cơm lam… Các tour du lịch vẫn thường dành một ngày cho mọi hoạt động khám phá nơi này. Nhưng tôi nghĩ, phải qua đêm - nhất là ngủ đêm trên đồi - mới cảm nhận được hết vẻ đẹp mát trong, lấp lánh của hồ Lắk; mới có cơ hội nhìn ngắm bình minh lên từ bên kia dãy núi và chèo thuyền trong sương mai; mới kịp nhìn thấy đầm hoa súng hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng trên mặt hồ, xa xa là đồng lúa xanh, thấp thoáng dáng người từ bản làng đi làm qua những lối mòn. 

Cheo thuyen qua mua dong
Cánh đồng súng bất ngờ hiện ra ven hồ

Người của bản hiền lành chân chất. Họ nhiệt tình hướng dẫn khách du lịch đi tìm cảnh đẹp, đến đúng chỗ mua sắm sản vật địa phương. Thế nhưng, họ cũng ngậm ngùi bảo: “Người phương xa lâu lâu đến một lần khen cảnh đẹp, chứ chúng tôi ở đây nhìn quen mắt lại thấy cảnh quá buồn và cũng quá nghèo”. Câu nói này tôi đã nghe trên rất nhiều cung đường từng ngang qua. Sự thật là, nơi nào càng hoang sơ thì càng đẹp nhưng đó cũng lại là nơi người địa phương mỗi ngày mưu sinh rất khó nhọc. Như buổi bình minh trên hồ, một người già lưới cá nói rằng, mỗi ngày ông chỉ kiếm được vài ba ký cá, vừa đủ mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo cho cả nhà hôm đó. 

Về với núi

Chanh dây được trồng ven những mái nhà lều - khu nghỉ ngơi dành cho khách. Vị nước chanh dây vừa được hái từ trên cây xuống thơm lựng. Loại cây trái, rau củ quả nào trồng không phun thuốc trừ sâu cũng ngon ngọt đặc biệt. Vậy nên mỗi lần về núi về làng tôi đều thích mê những món rau, hoa quả được trồng theo phương thức tự nhiên. Hồi đi bản Pác ngòi (hồ Ba Bể, Bắc Kạn), tôi mê món đậu cô-ve ngọt lịm nhờ đất và sương núi. Chuyến đi này, tôi lại ấn tượng với món nước chanh dây ngon hơn bất cứ ly chanh dây nào tôi từng uống từ những quán nước trong thành phố mình đang sống. 

Cheo thuyen qua mua dong
Du khách có thể đạp xe theo lối mòn nhìn ngắm hồ Lắk và “cây cô đơn” dưới bóng hoàng hôn

Về với núi để tận hưởng những “báu vật” của trời đất, của tự nhiên. Hoặc đôi khi chỉ đơn giản là để thơ thẩn tìm ngắt hoa dại về cắm - như cách của nhà hàng trên đồi. Bình hoa trên các bàn ăn chỉ có hoa dại, vậy mà vẻ đẹp mộc mạc ấy lại vấn vương. Đi càng lâu trong chiều dài của đời, người ta lại càng muốn trở về với bản thể tự nhiên, thuần khiết nhất; muốn được sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên và vạn vật. Tìm cho mình những không gian thanh bình, tự tạo ra cho bản thân những giờ phút yên tĩnh cũng là cách để mỗi người tự cân bằng mọi trạng thái của đời sống, thanh lọc suy nghĩ và nhận thêm năng lượng tích cực. 

Tôi về với núi mùa đông, đạp xe qua lối mòn cỏ dại ở miền đồi xa lạ mà như được thấy tuổi thơ mình - giữa những hình dung ở lưng chừng quá vãng. Tuổi trẻ đi để nhìn ngắm trời cao biển rộng. Nhưng đã qua tuổi trẻ, đi - hình như đơn giản chỉ là để được nhìn ngắm lòng mình trong biêng biếc xanh xưa…

Ăn ngon nơi phố núi

Dọc các tuyến đường Nguyễn Công Trứ - Bà Triệu - Hùng Vương - Lê Thánh Tông đều có nhiều hàng quán với đa dạng món ăn: cơm gà Minh Lùn (111 Lê Thánh Tông), cơm tấm sườn que (94 Phan Bội Châu), bánh cuốn thịt nướng (E45 Trần Nhật Duật), phở Thìn (407 Lê Duẩn), phở khô Gia Lai (52 Ngô Quyền), sinh tố và trái cây dĩa quán ông Sáu (58 Hùng Vương), trà sữa Thái Phúc Tea (92 Bà Triệu)…

Cheo thuyen qua mua dong
Riêng món cơm lam gà nướng, bạn có thể thưởng thức ở Buôn Đôn, hồ Lắk. Nên ăn với canh rau tập tàng hoặc canh cá lăng sông Sêrêpôk.

Cheo thuyen qua mua dong

Chén chè ấm nóng mùa đông

Đặc sản làm quà ở Buôn Mê Thuột khá phong phú: cà phê, mật ong hoa cà phê, thổ cẩm, khô nai, khô bò, măng khô, bơ sáp... Cơ sở Đồng Xanh (đường Phan Bội Châu) là một trong những thương hiệu cà phê rang xay lâu đời tại Buôn Mê Thuột được người địa phương giới thiệu… 

Điểm đến dành cho “tín đồ cà phê”

Bảo tàng thế giới cà phê (của tập đoàn Trung Nguyên Legend) vừa được khai trương cuối tháng 11, tọa lạc trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Buôn Mê Thuột). Vé vào cổng: 75.000 đồng/người. Bảo tàng đã mở cửa đón khách nhưng vẫn còn đang tiếp tục hoàn thiện những hạng mục khác. 

Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam và các nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Pháp, Đức… Máy xay cà phê, máy pha chế, bình trà, dụng cụ cắt hái cà phê thủ công… qua các thời kỳ được tập hợp trưng bày. Sau khi tham quan, bạn có thể dừng chân thưởng thức cà phê ngay trong khuôn viên bảo tàng. Địa điểm mới này thu hút khá đông người thưởng lãm. Đặc biệt, bên ngoài bảo tàng còn có những cánh đồng cỏ lau - điểm chụp ảnh lý tưởng. 

Ngoài ra, bạn có thể đến ăn sáng uống cà phê, chụp ảnh ở Làng cà phê Trung Nguyên, Khu du lịch sinh thái Buôn Kotam, chùa Sắc Tứ Khải Đoan… (trong TP.Buôn Mê Thuột). Các điểm tham quan chủ yếu ở xa: Buôn Đôn (cách Buôn Mê Thuột khoảng gần 50km, đi xe buýt số 15 hoặc taxi với giá 700.000 đồng/khứ hồi); thác Đray sáp (thuộc tỉnh Đắk Nông, cách TP.Buôn Mê Thuột khoảng 30km, đi xe buýt số 13 hoặc taxi 300.000 đồng/lượt). Để đến hồ Lắk, bạn có thể đón xe buýt số 12 hoặc taxi với giá thỏa thuận khoảng 500.000 đồng/lượt.  

Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI