'Ai tàu hũ nước đường hông?'

09/06/2017 - 08:10

PNO - Thỉnh thoảng, nhớ cái cảm giác mềm mượt tan dần trên đầu lưỡi, tôi lại mong chờ những vòng xe của cô bán tàu hũ dạo đi ngang nhà mình. Mong chờ còn hơn cả em bé ba tuổi với những nghi thức chào hỏi của em ấy.

Cô bán tàu hũ tuổi trạc tứ tuần, dáng người thấp bé nhưng trông khỏe mạnh với làn da nhuộm màu nước đường chín tới. Cái màu nâu của nắng, của gió, của sương và khói bụi.

Hàng ngày cô đạp xe chở một nồi tàu hũ sóng sánh, một thau nước đường nấu gừng thơm lừng, một lon nước cốt dừa đặc sệt, cứ thế mà rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm.

Trong lúc bàn chân cô thoăn thoắt điều khiển những vòng xe, thì miệng cô cũng không ngừng rao lanh lảnh: “Ai tàu hũ nước đường hônnnnn”. Giọng đàn bà ngọt như mía lùi đố đứa con nít nào cưỡng lại cơn thèm muốn.

'Ai tau hu nuoc duong hong?'
Cái vẫy tay rối rít của đứa trẻ 3 tuổi khiến cô hàng tàu hũ phấn chấn hơn giữa trưa hè nóng bức

Cô con gái ba tuổi của tôi, chưa biết tàu hũ nước đường là cái thứ gì, cũng lon ton chạy ra gọi: hũ hũ. Bàn tay bé xíu vẫy vẫy tít mù. Thế nào rồi cô bán tàu hũ cũng sẽ dừng lại, đưa tay ra nắm lấy đôi bàn tay xíu xiu kia. Như thể niềm vui bé mọn của một cuộc gặp gỡ chóng vánh.

Ngày nào cũng vậy, nghi thức chào hỏi xã giao của em bé và cô tàu hũ luôn được duy trì đều đặn, dù hôm đó mẹ của em bé có sẵn lòng mua tàu hũ nước đường của cô hay không.

Thực ra thì phải đến 10 cái nắm tay, tôi mới mua tàu hũ được ba lần. Bởi dạo sau này người bán hay cho bột thạch cao để hỗn hợp đậu dễ dàng đông cứng, ăn vào không còn cảm nhận được cái mềm mượt của tàu hũ nên người thưởng thức cũng mất đi bao nhiêu háo hức rồi.

Dù chỉ là một món ăn vặt dân dã, rẻ tiền, lại dễ chế biến, nhưng để có được bát tàu hũ đúng vị của ngày xưa, người ta phải đặt trọn công sức và cái tình vào đó, chứ không đơn giản như nấu một nồi chè hay đun sôi một thau nước đường trên bếp.

'Ai tau hu nuoc duong hong?'
Chén tàu hũ ngon lành. 

Bắt đầu từ việc lựa những hạt đậu tương chắc mẩy, múp míp, đem ngâm khoảng 10 tiếng đồng hồ. Trong thời gian ngâm đậu, bạn còn phải canh giờ thay nước ít nhất một lần để đậu không bị chua.

Khi hạt đậu đã nở mềm, bạn phải vo lại một lần nữa cho sạch rồi thả từng vốc vào máy xay, đến khi tạo ra được một hỗn hợp nhuyễn và mịn màng thì lược qua rây để loại bỏ bã.

Khi hỗn hợp đậu được đun trên bếp với lửa vừa, tay bạn phải không ngừng khuấy đều để nước đậu không bị khét. Sau khi cho lá gelatine vào nồi nước đậu đang nóng, bạn còn phải lược nước đậu một lần nữa trước khi hỗn hợp đông lại thành món tàu hũ đầy mê hoặc, sóng sánh, mềm mượt như mây trời.

Món ăn tuy dân dã, rẻ tiền, nhưng cách thưởng thức thì “sang chảnh” thôi rồi. Tàu hũ muốn ngon phải được đựng trong những chiếc bát sứ trắng muốt. Muỗng múc tàu hũ phải là những chiếc vỏ xà cừ hoặc vỏ con trai mới gọi là đúng điệu.

Trên những lớp tàu hũ sánh đặc, người ta chan một thứ nước đường được nấu với hoa nhài hoặc hoa bưởi hái từ vườn nhà, vừa nhấc một muỗng lên là đã nghe ngan ngát 
hương thơm.

Ở mỗi miền, món ăn này lại có tên gọi và cách thưởng thức khác nhau. Miền Bắc thì gọi là tào phớ, khi ăn cho thêm vài giọt dầu chuối và đá viên, ăn đến đâu mát ruột mát gan đến đấy. Miền Trung gọi là đậu hũ, không chan nhiều nước đường mà lại cho nhiều gừng xắt lát ăn kèm ấm bụng. Tàu hũ miền Nam thì đặc hơn, sánh hơn, ăn kèm nước cốt dừa beo béo, thơm thơm nên mùi vị ít nhiều cũng khác.

Thỉnh thoảng, nhớ cái cảm giác mềm mượt tan dần trên đầu lưỡi, tôi lại mong chờ những vòng xe của cô bán tàu hũ dạo đi ngang nhà mình. Mong chờ còn hơn cả em bé ba tuổi với những nghi thức chào hỏi của em ấy.

Đôi khi tôi tự hỏi, những cái vẫy tay và nụ cười của em bé có khiến cô hạnh phúc không? Có giúp cô bớt mệt không? Gánh tàu hũ có bán nhanh hơn bình thường không? Tôi tin là có. Ít nhất là trong cái nắng rực lửa của mùa hè, vòng xe của cô sẽ nhẹ nhàng hơn, và tiếng rao “ai ăn tàu hũ nước đường hôn” sẽ ngọt ngào, lảnh lót, vui vẻ hơn nhiều lắm.  

 Bảo Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI