Ai mang rác lên rừng Tà Năng?

13/09/2017 - 08:40

PNO - Đường trekking đẹp nhất Việt Nam có cảnh sắc rất tuyệt với những đồi cỏ mịn màng, xanh mướt, những con đường ngoằn ngoèo, dốc cao vực sâu thử thách lòng can đảm.

“Không để lại bất cứ thứ gì ngoài những dấu chân và những tấm hình” là câu cửa miệng của dân trekking (đi bộ đường dài trong rừng núi hoang dã). Thế nhưng, khi đặt chân lên những điểm có tên trong bản đồ du lịch, bạn sẽ lắc đầu ngán ngẩm bởi rác. 

Ai mang rac len rung Ta Nang?
Người đi rác ở lại

Ngày 9/9 vừa rồi, chúng tôi vác ba lô tiến vào cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng (thuộc địa phận Bình Thuận - Lâm Đồng), nơi được mệnh danh là đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Cảnh sắc nơi này rất tuyệt với những đồi cỏ mịn màng, xanh mướt, những con đường ngoằn ngoèo, những dốc cao vực sâu thử thách lòng can đảm.

Thời tiết đẹp, đường sá khô ráo, mọi thứ đều hoàn hảo, không khác gì những tấm hình chúng tôi đã nhìn thấy trên mạng. Tuy nhiên, tại các điểm cắm trại, điểm dừng ăn uống và ngay dọc lối đi, chúng tôi thực sự lo lắng khi thấy rác rến khắp nơi. Cạnh những dòng suối có thể gặp khăn giấy ướt vắt vẻo trên những cành khô.

Chị Nga, một hướng dẫn viên kiêm hậu cần tại Tà Năng cho biết, cả gia đình chị làm dịch vụ thồ hàng lên núi cho khách nên chị thuộc khu vực này như lòng bàn tay.

Theo nhẩm tính của chị, tuần trước khi chúng tôi tới, tức dịp lễ 2/9, vùng núi hoang vu này đã đón khoảng 700-800 khách du lịch, đó là lý do chúng tôi gặp rác nhiều hơn bình thường.

Mật độ người đông, khách đa phần rất trẻ, mải vui chơi và chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên lượng rác xả ra thật khủng khiếp. Hình ảnh vỏ mì gói, bịch ni-lông, vỏ hộp thức ăn, giày hư, quần áo, pin cũ... rải rác khắp nơi.

Ai mang rac len rung Ta Nang?

Anh Hoan, porter của một nhóm khách 30 người chia sẻ, sau ngày 2/9, anh và một số đồng nghiệp đã phải dọn rác, đốt rác khắp mấy quả đồi nơi khách hạ trại ngủ qua đêm, để đảm bảo cảnh quan sạch sẽ. Tuy nhiên, với rác dọc đường đi thì họ không đủ sức dọn vì toàn bộ lượng porter và hướng dẫn viên trên toàn cung đường này cũng chỉ dưới 20 người và không phải tuần nào họ cũng có khách đặt tour lên núi.

Khi lên đỉnh cao 1.701m, nơi có cột mốc ba tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, chúng tôi gặp anh Ngô Lâm Anh, hướng dẫn viên đưa khách từ TP.HCM lên Tà Năng, đang thu gom rác. Anh nhận định đây là rác do khách đi tự do bỏ lại. Các đoàn khách có hướng dẫn viên sẽ được yêu cầu bỏ rác đúng nơi quy định, khi khách nhổ trại, hướng dẫn viên hoặc porter sẽ phân loại rác. Loại rác giấy, xương động vật được đốt; rác hữu cơ được chôn. Riêng rác vô cơ không thể phân hủy, các hướng dẫn viên và porter dọn và đeo xuống núi, hoặc chất lên lưng lừa, ngựa, hoặc thuê xe thồ xuống.

Ai mang rac len rung Ta Nang?

Anh Lâm Anh chia sẻ: “Tôi không bao giờ nhận mang bia, đồ ăn trong hộp thiếc cho khách của mình, vì các loại lon quá cồng kềnh, không thể mang xuống, cũng không thể tiêu hủy. Rượu thì có thể đong vào chai nhựa. Không nên mang rượu Tây, vỏ rượu Tây rất nặng, nên đa phần khách sẽ vứt lại”. Khi đi qua một đống rác được đốt sơ sài, còn trơ nhiều vỏ lon bia, anh Lâm Anh lắc đầu, cần mẫn nhặt bỏ vào bịch, mang xuống núi... 

Leo núi, đi bộ đường dài với chiếc ba lô to sụ bởi chứa nước, thức ăn và đồ dùng cá nhân trên lưng, hẳn bạn sẽ rất mệt và khi mệt chỉ muốn bỏ được thứ gì thì bỏ. Vì vậy, hãy lượng sức mình, nếu không thể tiêu hủy hay mang vật gì xuống núi thì bạn cũng đừng cõng chúng lên. Ngay việc đốt rác cũng phải dành cho người có kinh nghiệm, nếu không bạn có thể làm cháy rừng. 

Ai mang rac len rung Ta Nang?

Hoàng Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI