Ám ảnh tăng giá hàng hóa

20/07/2013 - 08:09

PNO - Vấn đề quản lý, kiềm chế giá cả tiếp tục là đề tài nóng tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 19/7 khi bên cạnh nỗi lo về những nhân tố giá điện, xăng dầu, giá cả hàng hóa được nhìn nhận sẽ chịu nhiều...

Am anh tang gia hang hoa

Giá xăng tăng có thể sẽ hình thành một mặt bằng giá mới ở các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Ảnh: CAO THĂNG

Xăng dầu làm tăng 0,1% CPI

Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh những lo ngại về giá cả hàng hóa tăng khi mà chỉ trong vòng 1 tháng giá xăng dầu đã được điều chỉnh 3 lần và nhất là lần tăng giá khá bất ngờ ngày 17/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết ngày 11/7, cơ quan này đã tiếp nhận báo cáo từ phía các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng như tính toán và xác định giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu cao hơn giá bán lẻ do giá thế giới tăng. Cục đã có văn bản yêu cầu các DN tiếp tục theo dõi do giá xăng dầu đang có biến động tăng, giảm thất thường. Do áp lực giá thế giới tăng khiến giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ 726 - 988 đồng/lít nhưng nếu cho DN tăng mức này sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công thương cho phép các DN đầu mối được tăng giá xăng dầu trong khoảng 426 - 468 đồng/lít sau khi yêu cầu DN tạm thời cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng, tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá.

“Tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 17/7 sẽ ảnh hưởng đến CPI khoảng 0,1%. Theo yêu cầu của Chính phủ là CPI cả năm 2013 sẽ tăng trong khoảng 6% - 6,5%, do vậy, chúng tôi sẽ tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ bình ổn giá các mặt hàng và bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm như yêu cầu của Chính phủ” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Am anh tang gia hang hoa

Giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Thận trọng lộ trình tăng giá các dịch vụ công

Sau một thời gian giãn điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng, dự kiến Hà Nội, TPHCM sẽ tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lần lượt vào tháng 8 và quý 4 năm nay.

Còn với phí dịch vụ giáo dục, sau khi có công văn của Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị UBND các địa phương xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đăng ký với Bộ GD-ĐT về lộ trình, mức điều chỉnh học phí, trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh này với CPI của địa phương.

Dù CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ 2004 đến nay nhưng một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc bắt buộc phải từng bước thực hiện theo thị trường với mặt hàng điện, xăng dầu thì việc kiểm soát, giãn lộ trình tăng giá những mặt hàng nhà nước quản lý như: dịch vụ khám chữa bệnh công, giá dịch vụ giáo dục… sẽ có tác động không nhỏ đến việc kiềm chế CPI của cả năm nay.

Theo tính toán của Tổ điều hành thị trường trong nước, chỉ riêng tháng 1, khi 10 địa phương điều chỉnh phí dịch vụ y tế thì đã đóng góp khoảng 0,46% trong mức tăng 1,25% của CPI tháng 1 - tháng được coi là tăng bất thường. Và bên cạnh các yếu tố gây tác động tăng giá các tháng cuối năm như: hàng hóa thị trường thế giới có xu hướng tăng, tỷ giá, giá thực phẩm tăng do mưa bão…, việc một số địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM điều chỉnh tăng phí dịch vụ giáo dục, y tế sẽ ảnh hưởng đến việc tăng giá.

Trước quan ngại của báo giới về những ảnh hưởng của các phí dịch vụ công này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, việc điều chỉnh giá đối với viện phí, học phí được cơ quan này tính toán và đề nghị các địa phương thực hiện theo một lộ trình thận trọng. Tổ điều hành thị trường trong nước cũng cho rằng, để thực hiện kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2013 như mục tiêu đã đề ra, đối với một số mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý hoặc kiểm soát giá (như dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, giá dịch vụ giáo dục…) cần tiếp tục theo dõi sát và có sự chỉ đạo điều hành thống nhất từ Chính phủ để giảm thiểu tác động đến CPI chung.

Ông VŨ VINH PHÚ, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:

Việc tăng giá xăng vừa qua chắc chắn ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa vì đã làm tăng giá thành sản xuất. Có những mặt hàng sẽ tăng, có mặt hàng “cắn răng” chưa tăng nhưng khi tăng sẽ dồn dập. Với hoàn cảnh hiện nay, DN tăng giá cũng chết, không tăng cũng chết. Thực tế này sẽ gây ra đình trệ cả sản xuất lẫn phân phối. Trong khi đó, giá điện lại nhấp nhổm tăng. Đây là những điều đáng lo ngại cho cả sản xuất và tiêu dùng thời gian tới.

Ông NGUYỄN NGỌC TUYẾN, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính:

Từ nay đến cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng cao do nhiều yếu tố trong đó có việc Chính phủ thực hiện một số điều chỉnh về giá dịch vụ y tế, điện, xăng dầu. Nhất là tới tháng 9, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng và tác động làm tăng CPI như các năm trước.

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam:

Nếu xem xét tỷ trọng trong cơ cấu khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,4% thì chỉ có một nhóm hàng liên quan đến sự can thiệp giá trực tiếp của nhà nước, đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 32% vào mức tăng CPI chung. Vì vậy, đây là điểm đáng lưu ý để điều hành giá trong những tháng còn lại của năm. Việc kiểm soát, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như giáo dục, y tế đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tăng CPI.

Còn nhớ, tháng 9/2012, CPI tăng mạnh 2,2% sau vài tháng biến động nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương áp dụng viện phí mới. Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng đột biến, tới 17,02% (riêng dịch vụ y tế tăng 23,87%). Cũng tháng 9, do bắt đầu năm học mới, giá sản phẩm - dịch vụ giáo dục cũng tăng 10,54% góp phần đẩy CPI tháng 9/2012 tăng cao.


Theo HÀ MY (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI