“Cơn khát” vắc-xin và nỗi buồn ngành y tế dự phòng

28/12/2015 - 14:42

PNO - Nếu cứ làm như cách hiện nay, “không hứa có thêm vắc-xin”, chắc chắn “cơn khát” vắc-xin dịch vụ sẽ tiếp diễn.

Ngay sau tin vui về việc nhập khẩu 200.000 liều vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim, đưa vào sử dụng 160.000 liều cuối tháng 12/2015, chuyện ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế “không hứa có thêm vắc-xin” tại cuộc họp báo ngày 26/12, đang làm dấy lên mối lo ngại cho nhiều người dân.

Hãy hình dung chuyện hàng trăm người “đặt cọc” để được tiêm vắc-xin cho con, cùng với cảnh chen lấn hỗn loạn từ 1-2g sáng tại các điểm tiêm chủng, có người bật khóc vì không được “bốc số”… sẽ thấy rõ “cơn khát” vắc-xin đang ở mức nào.

Người dân đang cố chờ đợi, tranh nhau trả chi phí cao với mỗi mũi tiêm chủng đến bảy trăm ngàn đồng để con em họ được tiêm vắc-xin dịch vụ, trong khi thờ ơ với loại vắc-xin miễn phí Quinvaxem. Vì sao xảy ra tình trạng này đã là điều quá rõ. Bởi, không ai có thể đặt cược sinh mệnh con em mình khi có nhiều trường hợp bị sốc hoặc hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Bắt đầu từ tháng 6/2010, Quinvaxem được đưa vào danh mục tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới một tuổi. Và, ngành y tế từng quyết định dừng tiêm vắc-xin Quinvaxem sau chín trường hợp trẻ tử vong sau khi sử dụng vắc-xin.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều lần khẳng định, vắc-xin Quinvaxem an toàn. Nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn không thể an tâm khi nhìn thấy cảnh một số trẻ sơ sinh qua đời sau một mũi tiêm, trong số đó, nhiều trẻ không hề phát hiện có bệnh lý.

Đề cập việc người dân cố chờ đợi vắcxin dịch vụ, trì hoãn cho trẻ tiêm, khi miễn dịch cộng đồng giảm xuống còn 60 - 70%, dịch bệnh sẽ bùng phát, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo lắng: “Với nguy cơ dịch bệnh như vậy, nếu người dân không tin tưởng tiêm vắcxin tiêm chủng mở rộng thì tôi rất đau buồn”.

Chuyện đau buồn ấy phản ánh trăn trở từ người đứng đầu cơ quan y tế dự phòng, bởi không thể phủ nhận ích lợi của vắc-xin đối với cộng đồng trong việc phòng bệnh, nhưng cần thấy rõ, nguy hại lại tác động trên từng cá nhân. Và, những người cha người mẹ đang phòng vệ trước nguy cơ ấy là điều chính đáng.

Rõ ràng, việc quyết định tiêm loại vắc-xin nào là quyền của cha mẹ đứa trẻ. Quyết định đó dựa trên thông tin mà có được từ nhân viên y tế về phản ứng của vắc-xin từ nhẹ đến nặng.

“Con khat” vac-xin va noi buon nganh y te du phong
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ tăng vọt, trong khi ngành y tế chưa đáp ứng được nhu cầu này, và đã có “làn sóng” đưa trẻ đi tiêm vắc-xin ở Thái Lan, Singapore. Một bác sĩ người Việt đang làm việc tại Đại học Quốc Gia Singapore nêu, sở dĩ Singapore dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người dân là vì thủ tục nhập khẩu thuốc, sinh phẩm y tế tại nước này rất thuận lợi, nên có thể nhập khẩu thêm ngay lập tức khi có nhu cầu.

Hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ tiêm Quinvaxem không có biến chứng hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với các bậc phụ huynh có con đang chờ tiêm vắc-xin khi thực tế rủi ro cứ luôn rình rập. Thiết nghĩ, cần có nghiên cứu khoa học đánh giá về tính an toàn của vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam và đối tượng cụ thể nào thích hợp để tiêm loại vắc-xin này.

Bên cạnh đó, dư luận đặt vấn đề: vì sao không tổ chức ghi nhận ý kiến người dân về chọn lựa tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1, thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hoặc chọn tiêm vắcxin dịch vụ Infanrix Hexa 6 trong 1 hay Pentaxim 5 trong 1? Việc ghi nhận số lượng trẻ sinh ra không khó, vì sao cứ mãi bị động trong việc chuẩn bị vắc-xin dịch vụ trong thời gian dài?

Nếu cứ làm như cách hiện nay, “không hứa có thêm vắc-xin”, chắc chắn “cơn khát” vắc-xin dịch vụ sẽ tiếp diễn. Và, nỗi buồn của người đứng đầu ngành y tế dự phòng, nỗi lo của những người có con nhỏ sẽ còn trĩu nặng không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Ngày 27/12, theo danh sách do Cục Y tế dự phòng công bố, vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim đã được phân phối tới 74 cơ sở y tế công, tư tại địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cục Y tế dự phòng cũng đã có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo về công tác tổ chức triển khai tiêm chủng vắcxin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim.

Trước thông tin TP.HCM tạm ngừng chích Pentaxim vì quá tải, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định, không có chuyện này. Đơn vị nào đang triển khai thì cứ thực hiện, nhưng phải có phương án tránh quá tải.

Tiến Đạt

Nguyên Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI