Vẫn lo thức ăn đường phố thiếu an toàn

18/02/2017 - 19:04

PNO - Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã đến kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Bến Thành (Q.1).

Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành, thực hiện đề án của UBND TP.HCM về quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo giai đoạn 2016 - 2020, BQL chợ đã vận động 18 hộ kinh doanh thịt heo tham gia đề án; vận động các hộ kinh doanh rau củ quả mua bán những mặt hàng đạt chuẩn VietGAP.

Hiện có một sạp kinh doanh mặt hàng rau VietGAP và 18 hộ kinh doanh rau củ đạt chuẩn an toàn. Tuy nhiên, theo BQL chợ, công tác kiểm tra chủ yếu vẫn trên giấy tờ, sổ sách và dựa vào cảm quan nhằm nhắc nhở, vận động người kinh doanh chấp hành các quy định về ATVSTP chứ chưa có chế tài xử lý.

* Cùng ngày,báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Phú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Quyền (Q.3) cho biết: dù trường được trang bị cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn tại trường nhưng do thiếu nhân lực có nghiệp vụ chuyên môn nên chưa thể tổ chức. Hiện trường đang sử dụng suất ăn công nghiệp để phục vụ cho 1.100 học sinh bán trú, thức ăn khi chuyển đến trường thường bị nguội và trường đã có biện pháp khắc phục.

Nhiều đại biểu băn khoăn, liệu nhà trường có kiểm tra được nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến - vận chuyển xem có đảm bảo ATVS hay không. Theo các thành viên của đoàn giám sát, giấy phép của đơn vị cung cấp thức ăn chưa đủ tin cậy, cho nên nhà trường cần xuống tận nơi kiểm tra chặt chẽ tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng cũng như dinh dưỡng cho học sinh; dù chưa xảy ra ca ngộ độc nào nhưng không thể xem nhẹ các yếu tố như dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, bởi chúng gây tác hại lâu dài.

* Theo kết quả kiểm tra ATVSTP của 10 trạm y tế tại Q.1 năm 2016, chỉ có 663/2.222 cơ sở thức ăn đường phố đạt yêu cầu, chiếm 29,8%. UBND Q.1 cũng cho biết chỉ có 60% người kinh doanh thức ăn đường phố tham dự tập huấn để được cấp giấy chứng nhận kiến thức ATVSTP, rất ít người khám sức khỏe theo quy định. Nguyên nhân là, hơn 30% số người bán thức ăn đường phố đến từ các quận huyện khác, học vấn thấp, bán buôn không cố định… nên khó vận động, khó kiểm soát.

Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 đã xây dựng “Tuyến đường không có thức ăn đường phố” tại ba phường Bến Nghé, Đa Kao và Nguyễn Thái Bình, phấn đấu đến cuối năm 2017 hoàn thành; hai tuyến hẻm 150 Nguyễn Trãi và 158 Nguyễn Công Trứ cũng tiếp tục thực hiện mô hình điểm về thức ăn đường phố năm 2017.

 Nam Phong - Tiêu Hà - T.Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI