Trẻ con trước những bẫy "tử thần" mang tên cầu thang, ban công...

27/10/2016 - 12:07

PNO - Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ nhỏ do cầu thang, ban công... Xây dựng không an toàn. Thế nhưng hiện nay, không ít nhà phố, chung cư (CC) thiết kế các hạng mục này chưa quan tâm đúng mức.

Mất an toàn từ nhà phố đến chung cư

Mới đây, một vụ tai nạn xảy ra tại CC Long Thịnh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khiến bé C. (bốn tuổi) tử vong. Trong lúc ở nhà một mình, bé C. đã trèo ra cửa sổ CC và rơi từ tầng 8 xuống đất. Theo ghi nhận, cửa sổ CC nơi cháu C. rơi xuống đất lắp đặt bằng kính nhưng không có song sắt, vô cùng nguy hiểm. Khi cửa sổ mở ra sẽ lộ một khoảng trống khá rộng, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn bất cẩn vẫn có thể rơi ra ngoài.

Thực tế vụ tai nạn trên không phải mới, ba tháng trước, một vụ tai nạn đau lòng khác xảy ra tại CC Linh Đàm (Hà Nội) khiến một bé trai sáu tuổi rơi từ tầng 11 xuống đất tử vong. Theo cơ quan chức năng, cháu bé ở nhà một mình đã bắc ghế trèo lên ban công chơi và trượt chân rơi xuống đất. Tại TP.HCM cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn tương tự. Cách đây ba năm, cháu H. (năm tuổi) trong lúc chơi một mình đã rơi từ ban công CC Ngô Gia Tự, Q.10 xuống đất tử vong...

Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều nơi, khâu an toàn trong thiết kế, xây dựng các hạng mục cầu thang, cửa sổ, ban công... vẫn không được chú trọng. Những hạng mục này đang trở thành “bẫy” tử thần trong chính căn nhà của người dân.

Ban công CC Ngô Gia Tự (P.2, Q.10, chỉ cao đến thắt lưng người lớn, phía trên được lắp đặt thêm một vài thanh sắt chắn ngang. Thiết kế như vậy rất dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. “Nhiều lần tôi muốn nâng cao thêm ban công nhưng chính quyền địa phương không cho vì làm thay đổi thiết kế. Tôi chỉ còn cách khóa cố định cửa ra ban công để tránh tụi nhỏ ra ngoài” - anh Duy, một cư dân ở đây lo lắng.

Tre con truoc nhung bay
Ban công thấp là nguy cơ mất an toàn với trẻ - Ảnh: P.Huy

Tương tự, tại CC Vĩnh Hội (Q.4), ban công CC cũng khá thấp. Nhiều người đã tự bảo vệ mình bằng cách làm một lồng sắt trùm ban công lại. Tuy nhiên, các cư dân lại quên mất, “chuồng cọp” trên đã đẩy họ đến nguy hiểm khác, vì nếu xảy ra cháy nổ, rất khó tìm lối thoát.

Không chỉ CC cũ, một số CC mới xây dựng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Chị Thanh Hoa (H.Bình Chánh) cho biết, vừa qua, chị đến một CC mới xây tại Q.Tân Phú thuê, và không khỏi giật mình khi phát hiện cửa sổ CC thiết kế chỉ cao khoảng 1m và chỉ được lắp cửa kính, không có song sắt. Chị đề nghị được lắp thêm song sắt để đảm bảo an toàn, nhưng không được chủ căn hộ đồng ý. Tại CC Hưng Phát (huyện Nhà Bè) cũng không khác. Hầu hết các cửa sổ CC ở đây đều thiết kế không có song sắt. Trong khi khung cửa sổ rộng gần 2m2 vô cùng nguy hiểm.

Nhiều nhà phố cao tầng cũng ít chú trọng đến sự an toàn. Trong vai người thuê nhà, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thành (trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh). Căn nhà có ban công cao gần 1,5m, nhưng song sắt che chắn lại thiết kế thanh ngang. Thiết kế kiểu này chẳng khác nào… bắc thang cho trẻ.

Cách đó khoảng 500m, căn nhà của chị Nguyễn Thị Tú không chỉ có ban công thấp, cửa sổ không song sắt mà khu vực cầu thang cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn. Các thanh chắn cầu thang thiết kế rộng hơn 30cm, khiến trẻ dễ dàng lọt qua. Chúng tôi đứng ở cầu thang tầng năm nhìn xuống sâu hun hút mà không khỏi lo lắng. “Sao không thiết kế thanh chắn cầu thang khít hơn cho an toàn?”. Chị Tú vô tư: “Thiết kế vậy mới đẹp, ai tự nhiên chui ra làm gì cho té chứ”.

Rủi ro vì "gu" thẩm mỹ

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành quy định khá cụ thể về thiết kế xây dựng lan can, ban công... Theo đó, với tòa nhà từ chín tầng trở lên phải đảm bảo lan can chắc chắn các cạnh trống của sàn, ban công và các nơi khác có người đi lại.

Đối với công trình có trẻ dưới năm tuổi sử dụng, lan can phải có cấu tạo không cho trẻ em dễ dàng trèo qua và không có lỗ trống có thể lọt quả cầu đường kính 100mm. Các lan can sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã...

Quy định là vậy, nhưng theo kỹ sư Nguyễn Văn Danh (Công ty TNHH xây dựng Trường Phát), nhiều chủ đầu tư vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt. Phần lớn các chủ đầu tư từ CC đến nhà ở riêng lẻ đều chú trọng tính thẩm mỹ trong thiết kế công trình hơn tính an toàn. Trong đó, tại các công trình nhà ở riêng lẻ, các hạng mục cầu thang, ban công, cửa sổ thường bị gia chủ ít chú trọng tính an toàn. Nhiều gia chủ được nhà tư vấn thiết kế song sắt che chắn ban công là thanh dọc nhưng họ vẫn chọn thiết kế thanh ngang vì “gu” thẩm mỹ.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Hội xây dựng Việt Nam, quan trọng nhất hiện nay vẫn là ý thức của người sử dụng. Thực tế, thị trường CC mới phát triển mạnh ở nước ta khoảng 10 năm gần đây, vì vậy, việc sinh sống tại các tòa nhà CC còn khá mới mẻ với nhiều người dân. Phần lớn cư dân chưa được trang bị kiến thức đề phòng những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra với chính họ và trẻ nhỏ.

Nhiều gia chủ vẫn vô tư kê giường sát cửa sổ hoặc để bàn ghế sát ban công. Trong trường hợp này, cửa sổ, ban công dù thiết kế cao đến đâu cũng không an toàn. “Rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng CC an toàn đối với cư dân khi nhận nhà vào ở.

Đồng thời cần có giải pháp khắc phục các khoảng trống tại các cửa sổ, ban công. Chẳng hạn, thay vì làm song sắt không đảm bảo an toàn phòng cháy, có thể thiết kế song chắn bằng dây, vừa an toàn, vừa đảm bảo phòng cháy”, ông Nguyễn Văn Đực chia sẻ.

Sơn Vinh - Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI