Ngô Thị Trừng: Bác sĩ kiên cường, người mẹ quên thân

27/07/2016 - 15:53

PNO - Cô chỉ có một con đường “đời đẹp nhất là đời đi chiến đấu” như nhiều người con miền Nam dấn thân vượt Trường Sơn vào Nam, chân cứng đá mềm, với cái đầu kiên định ý chí sắt đá “Đã đi thì phải đến đích chiến trường”.

Ngày 3/6/2014, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và kết nối, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh đã tổ chức được cuộc họp mặt tại một quán cơm chay ở đường Nguyễn Huy Tưởng, TP.HCM. Người mà anh mong muốn chúng tôi gặp là ông Trần Thanh Khiết, thường được gọi là Hai Liên Xô - người chồng của bác sĩ, liệt sĩ Ngô Thị Trừng (sinh ngày 15/4/1941, hy sinh ngày 16/3/1973).

Ông Hai Liên Xô mang theo gia tài quý báu nhất đời mình. Đó là bức ảnh bác sĩ Ngô Thị Trừng thời thanh xuân. Ông đã giữ bức ảnh ấy bên mình suốt hơn nửa thế kỷ. Cơ duyên nào mà một cô gái quê Thăng Bình, Quảng Nam lại có mặt ở cánh rừng miền Đông Nam bộ, phục vụ cho Ban Dân y miền Nam? Chị Trừng sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha ruột là Ngô Thắng, tham gia trong đoàn quân hải ngoại từ Thái Lan về nước chiến đấu từ thời chống Pháp, sau ông công tác ở Đài phát thanh Giải phóng. Sau Hiệp định Genève, chị Trừng tập kết ra Bắc, vào học một trường học sinh miền Nam, rồi được đào tạo trở thành bác sĩ.

Ngo Thi Trung: Bac si kien cuong, nguoi me quen than
Bút tích ông Hai Liên Xô (Trần Thanh Khiết) sau bức di ảnh của vợ

Nữ tri thức dấn thân

Tốt nghiệp Đại học Y khoa, ngành gây mê hồi sức năm 1966, Ngô Thị Trừng có nhiều cơ hội về những bệnh viện lớn ở Hà Nội làm việc. Chuyên ngành của bác sĩ Ngô Thị Trừng thời ấy rất được săn đón nhưng cô kiên quyết xin đi B, vào chiến trường miền Nam. Trong sâu thẳm, cô mong được gặp lại người cha thân yêu sau bao ngày xa cách. Cô thầm nghĩ chỉ có con đường vào Nam mới có thể gặp lại những người thân. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương miền Nam cồn cào gan ruột cô. Vậy là cô chỉ có một con đường “đời đẹp nhất là đời đi chiến đấu” như nhiều người con miền Nam đã dấn thân vượt Trường Sơn vào Nam, chân cứng đá mềm, với cái đầu kiên định ý chí sắt đá “Đã đi thì phải đến đích chiến trường”.

Vừa vào chiến trường miền Nam, bác sĩ Trừng đã nếm ngay mùi trận càn Johnson City đầu năm 1967. Người xác nhận chi tiết này là bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh. Anh có rất nhiều kỷ niệm với bác sĩ Ngô Thị Trừng. Sau trận càn, chị vẫn lặng lẽ cùng những ca phẫu thuật vô tiền khoáng hậu của ngành y tế cách mạng trong kháng chiến, giữa cánh rừng miền Đông với muôn vàn thiếu thốn, hiểm nguy, với muỗi mòng, rắn rít và bom pháo. Chị đã cùng đồng đội chia sẻ từng hớp không khí trong những căn hầm bí mật mà sự sống và cái chết ngỡ như trong gang tấc. Bao gian khổ hiểm nguy tưởng chừng chị vượt qua được hết, nào ngờ…

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh hôm đó kể: “Thuốc gây mê là hàng quý hiếm ở bệnh viện trong rừng. Để chữa trị cho thương binh, bác sĩ Trừng có những chuyến công tác vào vùng địch hậu mua thuốc. Chị cải trang, ôm con đi trên những chiếc ghe, hòa vào nếp sinh hoạt thường ngày của đồng bào vùng biên giới. Một lần trên đường về, gió bất ngờ nổi lên, chiếc ghe chao mạnh, bị lật ngang. Hai mẹ con chị Trừng rơi xuống sông, chị cố sức vẫy vùng, chòi đạp, hai tay cố nâng đứa trẻ lên. Nhờ vậy, đứa bé được cứu sống. Nhưng chị kiệt sức, chìm dần, bị dòng nước cuốn trôi, sau đó được bà con vớt lên. Hôm ấy là ngày 16 tháng 3 năm 1973 (Quý Sửu)”.

Ngo Thi Trung: Bac si kien cuong, nguoi me quen than
Bác sĩ Ngô Thị Trừng

Những kỷ niệm tình yêu

Chầm chậm, gượng nhẹ mở chiếc túi nhỏ, ông Hai Liên Xô lấy ra bức ảnh chân dung đã ố vàng, cũ kỹ. Đó là kỷ vật duy nhất của người vợ thân yêu để lại trên dương thế mà ông còn giữ được. Phía sau bức ảnh là dòng chữ nắn nót của ông: “Ngô Thị Trừng… Sinh ngày 15/4/1941. Ngày đi B 24/11/1966. Mất 16/3 (năm Quý Sửu, 12/2 âm lịch)”. Ông ngậm ngùi: “Đó là năm Quý Sửu. Hiệp định Paris vừa được ký kết, tuy chiến tranh vẫn còn ác liệt nhưng ánh sáng cho ngày hòa bình đã lóe lên phía chân trời rừng miền Đông. Vậy mà…”.

Chỉ mấy dòng ngắn ngủi về người vợ nhưng dường như ký ức gợi lên trong lòng ông cơn bão nhớ thương. Ông kể: “Chúng tôi yêu nhau lúc còn là học sinh ở miền Bắc. Cô ấy rất đẹp, rất hiền, kiến thức sắc sảo. Lúc Trừng vượt Trường Sơn, tôi còn học ở Liên Xô. Năm sau, tôi về nước, kiên quyết xin vào Nam, theo những bước chân em. Gặp lại nhau trong căn cứ Trung ương Cục, khỏi phải nói là chúng tôi hạnh phúc đến dường nào. Đồng chí Mười Lù - người phụ trách sức khỏe cho đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) tổ chức lễ cưới cho chúng tôi tại hội trường Ban Dân y. Cưới nhau xong, Trừng lao vào nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Tôi cũng miệt mài phục vụ cơ quan ở văn phòng Trung ương Cục. Khi Trừng hy sinh, con chúng tôi còn quá nhỏ. Năm 1974, tôi được tổ chức tạo điều kiện ra Hà Nội công tác. Tôi ngược Trường Sơn ra Bắc, lần này không với em mà là đứa con thơ…”

Hòa bình, ông Hai Liên Xô nhiều lần ngược vào Nam, trở lại cánh rừng dọc biên giới Campuchia đi tìm mộ vợ. Năm xưa, ông là người chôn chị, chính tay ông khắc tên chị cùng ngày sinh vào mộ bia nhưng cỏ mọc đầy, giờ khó có thể tìm ra. Ông kể: “Tôi không thể bỏ cuộc khi đi tìm mộ em. Khu vực này tôi đã làm dấu bằng cây sắt ấp chiến lược. Cây sắt vẫn còn đây. Tôi đốt cỏ tranh, lộ ra một khoảng đất trống. Tấm bia mộ dần hiện ra. Tôi lặng đi, tin là em vẫn còn đâu đây, quấn quýt cùng tôi trên dương thế. Biết bao người đã ngã xuống như em, đã dâng hiến tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc cho ngày hòa bình này!”.

Khi vợ hy sinh, chuyện ông Hai Liên Xô nuôi đứa con mới hai tuổi cho đến ngày lớn khôn, đối với những người thế hệ chúng tôi cũng là một ẩn số. Tôi không dám hỏi thêm về những năm tháng dài dằng dặc với đau thương, mất mát mà ông phải đối mặt khi mất đi người bạn đời “rất đẹp, rất hiền”. Ông đã sống chay tịnh nhiều năm ròng. Đó cũng là nguyên nhân ông gặp chúng tôi tại quán cơm chay trong con hẻm yên tĩnh vào một buổi trưa ở Sài Gòn, sau hơn 40 năm ngày chị Trừng hy sinh…

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI