Người TP. HCM mơ thực phẩm sạch: Công nghệ không "soi" được lòng người

26/07/2016 - 06:08

PNO - Dự án soi nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh qua con tem dán trên miếng thịt lợn đang đặt ra nhiều câu hỏi về sự hiệu quả.

Có khác dấu kiểm định?

Chiều ngày 25/7, khi được hỏi về việc TP. HCM đang nghiên cứu dự án "soi" thịt heo sạch bằng điện thoại thông minh, nhiều người dân đã tỏ ra băn khoăn, cho rằng điều này khó khả thi bởi vấn đề thực phẩm bẩn đã và đang trở thành vấn nạn bởi nhiều người bất chấp cả tính mạng của đồng loại để làm lợi cho lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, chị Phạm Thị Sim (36 tuổi, ngụ Q. 7, TP. HCM) tỏ ra hào hứng bày tỏ phương án soi nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại là một ý tưởng rất hay. Thế nhưng, việc triển khai ở khâu phân phối được thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng vì đây chính là giai đoạn quan trọng nhất để thực phẩm sạch đến được tay người tiêu dùng.

Chị Sim cho rằng: "Heo sau khi giết mổ sẽ được phân nhỏ lẻ đem đi các nơi bán, con tem được tiểu thương mua về có thể mang dán lên thực phẩm trôi nổi, chưa kiểm dịch. Khi đó, dù có soi tem ra thịt sạch nhưng thực chất chúng ta lại đang ăn thực phẩm bẩn".

Nguoi TP. HCM mo thuc pham sach: Cong nghe khong
Người tiêu dùng chỉ quan tâm tới thực phẩm sạch chứ không quan tâm đến xuất sứ sản phẩm?

Chị Phạm Thị Trang Nhung (27 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại Q.1, TP. Hồ Chí Minh) phân tích, ở Việt Nam, các cơ sở giết mổ thường nhỏ lẻ, không tập trung nên việc quản lý sẽ rất khó khăn. Tình trạng thực phẩm trôi nổi gắn mác thực phẩm sạch bày bán tràn làn ở các khu vực chợ và siêu thị. Ngay kể cả những cửa hàng cam kết bán thực phẩm sạch lâu lắm mà vẫn bị phát hiện việc chế biến sản phẩm của họ không đạt tiêu chuẩn.

Điều khiến chị Nhung lo lắng nhất trong dự án soi thịt heo sạch bằng điện thoại thông minh chính là ở khâu phân phối tem dán lên sản phẩm. "Việc gắn vòng khắc laser thì tôi có thể hiểu được và có phần yên tâm nhưng còn việc dán tem ở các cơ sở giết mổ liệu có giống như việc đóng dấu của đơn vị quản lý thị trường hiện nay đang làm hay không?" - chị Nhung nói.

Còn đối với chị Hoàng Thị Vân Anh (35 tuổi, ngụ Q. Thủ Đức, TP. HCM) thì cho rằng: "Người tiêu dùng đâu cần biết nguồn gốc thực phẩm ở đâu, họ chỉ cần biết thực phẩm đó có sạch hay không! Nếu rõ nguồn gốc nhưng ngay cả chính nơi sản xuất ra họ cũng đang lừa gạt người tiêu dùng thì dự án soi thực phẩm bằng điện thoại cũng không có nghĩa lý gì".

"Mỗi con gà, con heo ở ngoài chợ đều có dấu kiểm dịch. Còn trong siêu thị các mặt hàng này đều được dán nhãn mác từ đơn vị nuôi trồng, phân phân phối. Dự án gắn tem cũng chỉ tổng hợp tất cả những thông tin đó trong 1 bảng mã chứ không có gì mới, cải tiến hơn để người tiêu dùng có thể chắc chắn miếng thị dán tem sạch hơn miếng thịt không dán" - chị Vân Anh thẳng thắn bày tỏ.

Nguoi TP. HCM mo thuc pham sach: Cong nghe khong
Mô phỏng dự án Sở Công thương TP. HCM chuẩn bị áp dụng (Ảnh Diệp Đức Minh).

Diệt từ gốc vấn đề

Theo chị Sim, hiện nay có rất nhiều đơn vị đã và đang quản lý thực phẩm. Mỗi miếng thịt heo khi tới được tay người tiêu dùng cũng đã được cơ quan chức năng kiểm dịch, đóng dấu, kiểm soát từ vấn đề thức ăn chăn nuôi, con giống... nhưng thực phẩm bẩn vẫn diễn ra.

Nguồn gốc của thực phẩm bẩn độc xuất hiện và trở thành vấn nạn như hiện nay xuất phát từ chính lòng tham của cá nhân, họ bất chấp tất cả để đạt được lợi nhuận tối đa. "Nếu không thay đổi được nhận thức, con người của họ thì tem công nghệ cao hay con dấu như thế nào đi chăng nữa thì họ cũng vẫn có thể làm giả hoặc tìm cách mua được" - chị Sim nhận định.

Cùng chung quan điểm, chị Vân Anh chia sẻ: "Máy móc smartphone chỉ là công cụ không thể hơn được sự gian dối và lòng tham của những gian thương. Thay bằng việc giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn từ ngọn, đặt vào tay người tiêu dùng phải lựa chọn thì cần phải áp dụng các biện pháp cứng rắn, phạt thật nặng những cá nhân có hành vi gian dối, sản xuất thực phẩm bẩn".

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM, ủng hộ chủ trương truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng cho rằng cần quan tâm đến thực trạng kinh doanh thực phẩm để có giải pháp kỹ thuật phù hợp.

TP HCM mỗi ngày tiêu thụ từ 10.000-10.500 con heo nhưng nguồn nuôi trên địa bàn chỉ chiếm 18%-20%, còn lại từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...

Do vậy, để việc truy xuất đạt hiệu quả cần sự đồng thuận của các tỉnh cung cấp hàng. Tại chợ sỉ, ngoài hình thức bán heo mảnh (còn đeo vòng nhận diện), tiểu thương còn bán theo món sau khi pha lóc (nạc, đùi, sườn...). Cách bán hàng này sẽ khó quản vì đã mất dấu nhận diện.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI