Xu thế nhóm nhạc toàn cầu

14/04/2018 - 06:30

PNO - Đến đầu năm 2018, NCT đã có 18 thành viên từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Canada…

Đầu tháng 3/2018, nhóm nhạc NCT của “ông lớn” SM Entertainment tung sản phẩm mới chinh phục hàng triệu trái tim yêu nhạc châu Á.

NCT là mô hình nhóm nhạc đa thành viên từ các quốc gia nhằm tiếp cận tốt hơn với công chúng bản địa. Cuối năm 2017, SM cũng đăng tuyển thực tập sinh tại Việt Nam, nhằm bổ sung thành viên cho NCT.

Nhóm nhạc đa sắc

Xu the nhom nhac toan cau

NCT mang tham vọng bành trướng ra thế giới bằng mô hình nhóm nhạc đa thành viên

Đầu năm 2017, tại hội nghị Kinh doanh thương mại Indonesia - Hàn Quốc, ông Lee Soo Man - người đứng đầu SM Entertainment (công ty tạo nên hàng loạt nhóm nhạc tên tuổi, như: DBSK, Super Junior, SNSD, SHINee, EXO...) - đã chia sẻ về kế hoạch phát triển nhóm NCT (Neo Culture Technology): “Nhóm sẽ quảng bá một phần văn hóa của các thành phố trên toàn thế giới, tham vọng trở thành những ngôi sao thế giới thực sự”.

Ông Lee nhấn mạnh, số lượng thành viên của NCT không cố định, không giới hạn quốc tịch, nhằm tạo ra sự di chuyển linh hoạt giữa các thành viên, mang đến cơ hội cho thực tập sinh của công ty lẫn những nghệ sĩ tiềm năng ở các quốc gia tham gia vào thị trường âm nhạc Hàn Quốc.

Đến đầu năm 2018, NCT đã có 18 thành viên từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Canada… và được chia thành ba nhóm nhỏ là NCT U (hoạt động chủ yếu ở thị trường Mỹ, Canada), NCT 127 (hoạt động chủ yếu ở Hàn) và NCT Dream. Đây không phải lần đầu các công ty giải trí Hàn Quốc dùng ngoại binh (thành lập các nhóm có thành viên người nước ngoài) để thu hút sự quan tâm và chinh phục khán giả tại những quốc gia ít nhiều chịu ảnh hưởng của K-pop.

Có thể kể đến hàng loạt cái tên như Nichkhun của 2PM (Thái Lan), Ailee (Hoa Kỳ), Fei của Miss A, Ngô Diệc Phàm của EXO (Trung Quốc), Jackson Wang của GOT7 (Hồng Kông), Amber của F(x) (Hoa Kỳ)… Tuy nhiên, sự khác biệt lần này được đánh giá ở quy mô rộng khắp, thực hiện đồng bộ và quan trọng nhất là sự thay đổi trong tư duy âm nhạc.

NCT, thay vì chỉ gò bó với K-pop, theo đuổi nhiều thể loại âm nhạc: hip hop, drum n’ bass, cho đến trap… nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới. Các ca khúc The 7th sense, Fire truck, Cherry bomb, Boss… lạ lẫm với công chúng Hàn và lẹt đẹt tại các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước nhưng lại được lòng người nghe ở Mỹ, Canada.

Chỉ sáu tháng sau khi ra mắt, nhờ album Limitless, NCT 127 đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Albums Chart World của Billboard vào tháng 1/2017. Limitless cũng đã bán được 260.000 bản, lọt vào top các album thành công nhất của K-pop 2017.

Thị trường Việt được chú ý

Tại Đông Nam Á, SM Entertainment tuyển sinh ở cả Indonesia, Thái Lan lẫn Việt Nam. Vòng tuyển chọn cuối cùng dự kiến vào cuối tháng 7/2018. Liệu có tài năng Việt nào được chọn hay không và định hướng phát triển ra sao vẫn chưa thể biết, bởi hồi tháng 7/2017, JYP cũng từng thông báo tuyển thực tập sinh tại Việt Nam, nhưng kết quả, ngoài sự “truy lùng” của cộng đồng K-pop quanh cô gái tên J. Nguyệt thì không thấy thông báo nào chính thức.

Xu the nhom nhac toan cau
Nhóm nhạc P336

Trước đó, Cube (công ty của HyunA, CLC, BTOB), JNU Entertainment cũng thông báo tuyển sinh tại Việt Nam, nhưng kế hoạch đã bị bỏ dở. Sự tan rã của các boyband đình đám trong nước như 365, lùm xùm thành viên của Monstar… cộng với tấm gương đổ bộ thất bại của M-Tiful, I.C.E (trực thuộc HS Entertainment), V4Men hồi năm 2016 đủ khiến các công ty giải trí Hàn phải e dè.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, việc các công ty giải trí Hàn chú ý đến thị trường Việt Nam là điều tất yếu, bởi trong những năm qua, nhạc trẻ Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Mặt khác, việc tuyển thực tập sinh mang đến cơ hội cho những bạn trẻ tài năng tại Việt Nam và góp phần làm sôi động thêm thị trường nhạc Việt. “Mô hình nhóm nhạc toàn cầu đã và đang trở thành xu hướng tất yếu không chỉ riêng tại Việt Nam” - Châu Đăng Khoa khẳng định. 

Tương lai nào cho mô hình nhóm nhạc Việt phong cách Hàn?

Trong khi các nhóm nhạc Hàn theo mô hình toàn cầu mới bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam thì tháng 6/2016, mô hình nhóm nhạc tuổi teen P336, gồm 10 thành viên, do Đài Truyền hình Nhật Bản Asahi Hosou phối hợp cùng Công ty MBC Việt Nam đã chính thức trình làng khán giả. 

Trước đó, những nhóm nhạc Việt theo kiểu K-pop cũng lần lượt ra đời. Ngoại hình đồng đều, vũ đạo tốt, phong cách trình diễn trẻ trung, các nhóm nhạc này đi đúng quy trình vận hành của các công ty giải trí Hàn Quốc, bắt đầu từ việc tuyển chọn, đào tạo thanh nhạc, kỹ năng, ứng xử, phong cách thời trang… Có thể kể một vài cái tên như: Lime, Uni5, Monstar, G Plus, Lip B, The Air…

Ca sĩ Hoàng Bách, người gắn liền với P336 từ lúc nhóm mới thành lập chia sẻ trong buổi giới thiệu nhóm, rằng chính anh, khi bắt đầu, cũng hoài nghi việc có thể đào tạo được một lứa nghệ sĩ mới có tâm với nghề. Việc tuyển sinh và đào tạo này chẳng khác nào đập đi xây lại từ đầu trong một hệ thống. “Nhưng qua quá trình làm việc, niềm tin trong tôi càng được củng cố. Tôi tin sẽ có một thế hệ nghệ sĩ mới, văn minh hơn và vươn xa hơn, ngoài lãnh thổ Việt Nam” - Hoàng Bách cho biết.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI