Tranh giả ngang nhiên tồn tại: Người làm nghề đau đáu

05/04/2018 - 18:18

PNO - Bức xúc, giận dữ lẫn tổn thương là tâm trạng của các hoạ sĩ trước nạn tranh giả hoành hành hàng chục năm qua.

 Tranh giả ngang nhiên tồn tại

Bao nhiều năm và bao nhiều lần giới mỹ thuật Việt Nam ngồi lại, cùng lên tiếng, cùng bức xúc... nhưng rồi ở ngoài kia, trên những phố tranh và các phòng tranh, tranh giả vẫn cứ được bán-mua nhộn nhịp. 

Chất xám của hội hoạ Việt Nam bị coi rẻ, luật định của Việt Nam bỏ trống hay thật ra chính các nhà quản lý cũng thiếu đi khả năng thẩm định lẫn quản lý, để rồi nền mỹ thuật Việt gần như "tự bơi" trong bối cảnh tranh sáng tranh tối của cái gọi là thị trường tranh?

 Bài 1: Tranh giả như rươi vào mùa

Bài 2: Thị trường tranh Việt Nam chỉ là 'một mớ lộn xộn'

Hoạ sĩ Thành Chương: “Tranh giả khiến bộ mặt mỹ thuật Việt Nam trở nên bẩn thỉu”

Trong vụ tranh giả của tôi, bắt được cả người tang chứng, nhân chứng, vật chứng đầy đủ, thậm chí, hội đồng nghệ thuật quốc gia thẩm định đó là tranh giả, giao cho bảo tàng để cơ quan chức năng xử lý nhưng cuối cùng việc cũng không đi đến đâu.

Anh em trong nghề đã lên tiếng từ lâu, báo chí, truyền thông trong nước, thậm chí The New York Times, một tờ báo lớn của thế giới cũng  vào cuộc nhưng các cơ quan chức năng không xử lý tận gốc, đáp lại đó là sự im lặng đến đáng sợ. Cứ như thế, mỗi lần lên tiếng, vụ việc lại trôi qua, trong khi đó các cơ quan có đủ thẩm quyền để xử lý. Chúng ta làm không đến nơi đến chốn, không phạt, lợi nhuận lại cao thì hà cớ gì họ không tiếp tục làm tranh giả. Việc này, chẳng khác nào chúng ta đang tiếp tay cho họ. Thậm chí, họ còn ngang nhiên công khai việc làm sai trái đó.

Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Hoạ sĩ Thành Chương đứng bên cạnh bức tranh của ông, nhưng bị bôi xoá tên tác giả, để bút danh là Tạ Tỵ và thay đổi cả năm ra đời

Với tôi, ăn cắp là ăn cắp, ăn trộm là ăn trộm chứ không có bất kỳ nguyên nhân nào khác. Chẳng lẽ vì chuyện A, vì chuyện B, vì chuyện C bắt buộc tôi phải đi ăn cắp, làm việc trái pháp luật. Chẳng có nguyên nhân nào để giải thích cho hành động sai trái đó. Đừng đổ cho tư duy của người dùng mà đi làm tranh giả.

Các hoạ sĩ không phải không tự bảo vệ quyền lợi mà khi lên tiếng thì chuyện cũng đâu lại vào đó. Đặc biệt, Hiệp hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam, 2 đơn vị liên quan gần như trực tiếp nhất không có bất kỳ động thái tích cực nào.

Vấn nạn này, chính cuộc sống của các hoạ sĩ bị ảnh hưởng vì không mang lại được thu nhập từ thành quả của bản thân. Nhưng với tôi, đây chưa phải là vấn đề hàng đầu, mà đó chính là sự xuống cấp của thương hiệu mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.       

Việc chép nhảm nhí, không chất lượng khiến thương hiệu của tôi và các đồng nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nặng nề nhất là những nhà sưu tập, những đơn vị bán đấu giá lớn họ không còn niềm tin vào thị trường tranh Việt Nam nữa. Tranh giả khiến nền nghệ thuật Việt Nam trở nên lộn xộn, vàng thau lẫn lộn. Bộ mặt của nền mỹ thuật Việt Nam xuống cấp, bẩn thỉu vô cùng. Tranh giả không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn lan ra cả nước ngoài với đường dây vô cùng chặt chẽ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng nhưng không dám kỳ vọng gì cả. Chúng tôi sẽ làm hết sức để tự bảo vệ chính mình.

Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Hoạ sĩ Thành Chương cho biết anh em trong nghề sẽ tiếp tục lên tiếng để bảo vệ quyền lợi

Hoạ sĩ Phạm Hải An: “Thủ tục pháp lý gây không ít trở ngại”

Giá trị thặng dư từ tranh giả vô cùng lớn. Nếu như tranh chép có bản quyền, người ta chỉ bán tầm 1, 2 triệu nhưng tranh giả có thể bán vài nghìn USD, chục nghìn USD, hoặc với tranh của các hoạ sĩ danh giá thì giá có thể lên đến vài trăm nghìn USD. Thử hỏi, trước món lợi béo bở này, có ai cầm lòng được.

Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Hoạ sĩ Phạm Hải An

Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý hiện tại của Việt Nam cũng gây không ít trở ngại cho chúng tôi. Thậm chí, tôi đã bắt tận tay, tận người, giữ được chứng cứ luôn nhưng khi đến cơ quan có thẩm quyền lại yêu cầu khai các thông tin chi tiết về người làm giả, cho đến số chứng minh thư, địa chỉ và phải thống kê rõ mức độ thiệt hại. Những thông tin này làm sao chúng tôi có được khi họ làm lén lút. Còn về thiệt hại, chúng tôi cũng chỉ nói lên được ở phạm vi cá nhân, còn về tổng thể, về lâu dài thì làm sao định đoán được.

Luật bản quyền đã có, chế tài cũng đã quy định rõ nhưng chưa có bất kỳ cơ quan nào đứng ra nhận nhiệm vụ hoặc trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho anh và các đồng nghiệp, như trong lĩnh vực âm nhạc đã có VCPMC. Họ làm công tác tác quyền khá tốt trong thời gian qua.

Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Tranh thật của hoạ sĩ Phạm Hải An (trên) và tranh giả (dưới)

Trong câu chuyện này, ngoài các hoạ sĩ thì những người sưu tầm tranh thực sự cũng gánh chịu không ít thiệt hại. Nếu như mua tranh chép, họ chỉ tốn một khoản tiền nhỏ. Nhưng đằng này, lại chi đến hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn USD chỉ để nhận về một tác phẩm “đạo, nhái”.

Thị trường tranh của Việt Nam, 90% là người nước ngoài. Lượng khách Việt Nam chỉ chiếm 10%. Vấn nạn tranh giả khiến người ta khiếp sợ, và quay lưng không mua tranh từ Việt Nam nữa. Một vài năm trở lại đây, tranh của hoạ sĩ Việt Nam không còn được các phòng tranh, phòng đấu giá tranh lớn của thế giới như  Sotheby’s, Christie’s tiếp nhận nữa, trừ những tranh có giá trị hàng trăm nghìn, triệu USD đã được thẩm định. Tranh của Việt Nam bây giờ trong mắt khách nước ngoài không khác một mớ hỗn độn. Thành quả gầy dựng bao nhiêu năm qua của chúng tôi và các thế hệ đi trước xem như bị xoá sạch. 

Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: ‘kêu gọi lòng tự trong của tác giả

Sở dĩ tranh giả tồn tại vì người hoạt động nghệ thuật hám lợi, đánh mất lòng tự trọng, kể cả tác giả và người kinh doanh. Việc giáo dục ý thức tôn trọng quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hội hoạ chưa mạnh. Luật pháp nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể và hình thức xử phạt thật mạnh để ngăn chặn tình trạng tranh giả. Trước đây, chúng tôi từng đề nghị với Sở VH-TT cấp phép kinh doanh theo từng mục đích, ví dụ nơi nào là tranh chép, nơi nào là Art Gellary để có sự phân biệt rõ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tranh gia ngang nhien ton tai: Nguoi lam nghe dau dau
Ông Huỳnh Văn Mười, chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM

Gần đây khi tham dự một cuộc họp với Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành, chúng tôi nói đến vấn đề đăng ký bản quyền tác giả - một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định quyền sở hữu trí tuệ. Theo tôi, phí đăng ký quyền tác giả hiện tại không hợp lý, đang cao. Thứ hai, khi có sự kiện tranh chấp về tranh giả tranh thật thì hiện tại vấn đề này vẫn còn đang bỏ lửng, trong khi đó Hội Mỹ thuật không có chức năng phân xử, cơ quan toà án các cấp cũng chưa rõ những đâu để anh em trong giới thực hiện việc tranh chấp, xử lý.

Riêng về Hội Mỹ thuật, chúng tôi luôn luôn kêu gọi lòng tự trọng của tác giả và thứ 2 là chịu trách nhiệm bản quyền về tác phẩm của mình. Họ phải viết cam kết toàn bộ tranh tham dự triển lãm hay tham gia giải thưởng phải là tranh chính chủ, không vi phạm luật sở hữu bản quyền. Cuối năm vừa qua, Hội Mỹ thuật tổ chức cuộc họp đưa ra quy chế trao thưởng và thu hồi các giải thưởng mà tác giả vi phạm bản quyền đạt được để tăng tính răn đe.

Nhà nghiên cứu Phạm Long:Không thể xử lý triệt để nạn tranh giả

Nếu hỏi có xử lý được triệt để nạn tranh giả hay không, thì xin trả lời không thể. Nếu có thể dẹp thì chuyện đã không bức xúc đến mức này. Tôi nghĩ chỉ có thể giảm bớt một phần để dư luận bớt hoang mang và giới nghệ sĩ chân chính có thể hoạt động trong môi trường lành mạnh hơn. Trong thị trường, tranh cũng là một sản phẩm mà đã là sản phẩm mua đi bán lại thì chắc chắn sẽ có hàng giả.

Nếu người mua tranh, người sưu tầm tranh cẩn trọng hơn trong việc mua tranh, đòi hỏi bản quyền, giấy tờ cụ thể thì tình trạng này có thể giảm bớt một phần. Còn người tiêu dùng như giới đại gia, doanh nghiệp nếu họ có ý thức không chọn hàng rẻ tiền, không chọn qua loa thì lượng tranh giả sẽ không có cơ hội hoành hành như hiện tại.

Theo tôi thấy, các cơ quan hữu quan như Hội Mỹ thuật, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ VH-TT&DL… vẫn chưa có những hoạt động nào cụ thể hay chủ động cả. Việc đẩy lùi thực trạng tranh giả không chỉ một đơn vị có thể làm được. Nếu không có hội đồng chuyên môn thì phải có những ban chuyên trách để hỗ trợ quyền lợi của anh em hoạ sĩ, cũng như tác động đến ý thức công chúng. Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ mới nhằm tạo ra môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh, cũng như lấy lại được uy tín của mỹ thuật Việt Nam với bạn bè thế giới.

Thuỵ Khuê - Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI