Sau hiệu ứng Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, xiếc Việt vẫn 'bình chân như vại'

23/06/2018 - 12:21

PNO - Sau 'Britian’s Got Talent', không ngoa khi nói, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã góp phần nâng tầm xiếc Việt lên một bậc. Nhưng cơn lốc mà Cơ - Nghiệp tạo ra ấy đang dần qua, xiếc Việt lại trở về những ngày im ắng.

Từ Cơ - Nghiệp nghĩ đến xiếc Việt

Gọi chung xiếc - ảo thuật - kungfu là xiếc Việt thì những ngày qua, bộ môn này được khán giả trong nước nhắc đến liên tục. Họ nhắc đến vì màn trình diễn thuyết phục của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tại Britian’s Got Talent, cảm phục tinh thần chiến đấu của hai anh em tại sân chơi quốc tế.

Ngày sang Anh, mục đích của Cơ - Nghiệp không phải giành giải thưởng mà là giới thiệu xiếc Việt với bạn bè quốc tế và chính khán giả trong nước. Họ đã làm được điều này khi đông đảo công chúng đã biết đến xiếc, nhưng hiệu ứng hai anh em tạo được đang dần qua.

Sau hieu ung Quoc Co - Quoc Nghiep, xiec Viet van 'binh chan nhu vai'
Xiếc Việt nội lực nhưng chưa phát triển đúng tiềm năng

Giới chuyên môn, những nghệ sĩ xiếc nhà nghề nhận định xiếc Việt có nội lực, nghĩa là không thiếu những cá nhân đam mê, nhân tố giỏi nhưng chưa bật lên được như Cơ - Nghiệp.

“Anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp là trường hợp hiếm của xiếc Việt Nam. Hai bạn xuất thân không qua trường lớp đào tạo mà chủ động xin vào Đoàn xiếc TP.HCM để học nghề, không có trợ cấp. Điều bất ngờ là từ khi kết hợp với nhau ở tiết mục thăng bằng, càng ngày họ càng phát triển. Mấy chục năm qua, trường xiếc (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam - PV) duy nhất của Việt Nam không đào tạo được ai như anh em Cơ - Nghiệp” - sư phụ Kao Long, Chủ tịch Chi hội Xiếc - Ảo thuật, Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết.

Những ngày anh em họ Giang thi đấu tại Anh, chưa bao giờ xiếc Việt được khán giả trong nước ngợi ca nhiều đến như vậy. Điều đó có phần bẽ bàng cho những người đã hoạt động, cống hiến cho loại hình nghệ thuật này bấy lâu. Nhưng, trước những hoạt động chìm nổi thiếu định hướng, truyền thông và chưa có những điểm nhấn ấn tượng, xiếc Việt đang nằm ngoài luồng các nhóm nghệ thuật thường thức của khán giả Việt mà không thể trở mình.

Sau hieu ung Quoc Co - Quoc Nghiep, xiec Viet van 'binh chan nhu vai'
Xiếc Việt đang gặp nhiều khó khăn

Ảo thuật gia K’Tay - truyền nhân của “Ông hoàng bồ câu” Z27 chia sẻ: “Xiếc - ảo thuật Việt Nam có nội lực lớn. Tôi nói điều này vì hai lý do: nội lực nhờ nhiều cá nhân đam mê và chính họ tạo ra được những dụng cụ làm nghề cho bản thân mà không nhiều nước làm được. Nhưng nội lực chưa bật ra được do yếu kém ở chỗ chúng ta không có trường lớp đào tạo bài bản. Nhiều nhân tố giỏi nhưng họ tự học thành ra con đường đi tới thành công thiếu các bước sơ khởi, lâu và thiếu an toàn”.

Ngoài ra, ảo thuật gia K’Tay cũng cho rằng sân khấu để xiếc - ảo thuật được trình diễn ở Việt Nam đang thiếu, hầu như chỉ được kèm vào các chương trình, không thể đứng độc lập.

“Xiếc tại Việt Nam chỉ được nhắc đến vào các dịp lễ, ngày của thiếu nhi khi ba mẹ tìm cho con nơi giải trí, hoàn toàn không có những sân khấu để xiếc chuyên nghiệp được xuất hiện. Người Việt cũng không có thói quen xem xiếc mà họ hoàn toàn bị động. Điều này là thói quen, nhận thức khó lòng thay đổi ngay được”, sư phụ Kao Long nói.

Xiếc Việt trước nhiều thách thức

NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho rằng, trường hợp của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp là động lực cho những lớp kế cận.

“Những vinh quang mà Quốc Cơ - Quốc Nghiệp mang về, cùng là đồng nghiệp, chúng tôi tự hào vì điều đấy. Cơ - Nghiệp là tấm gương để người trẻ noi theo vì lớp kế cận phải học được tinh thần lao động, cống hiến của hai anh em. Nhìn rộng ra, khi nghệ sĩ đã nỗ lực và được quốc tế ghi nhận thì các cấp lãnh đạo Việt Nam cũng nên quan tâm hơn đến bộ môn xiếc”, NSND Tạ Duy Ánh cho biết.

Theo ông Ánh, xiếc Việt đang đứng trước nhiều khó khăn mà một trong số đó là đào tạo lớp kế cận. Hiện tại, ở Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc - Tạp kỹ Việt Nam là cơ sở đào tạo duy nhất cho bộ môn nghệ thuật này. Trường vẫn hoạt động suốt nhiều năm qua nhưng gần đây, số lượng sinh viên đăng ký học đã giảm.

“Gần đây, đầu vào của trường đã giảm đi nhiều. Tôi nghĩ nhiều người trẻ nhận ra được khó khăn của nghề này trong khi xã hội phát triển, nếu không thật sự đam mê và chấp nhận hy sinh, họ hoàn toàn có thể tìm công việc khác để làm. Do vậy, tìm ra những người trẻ, yêu nghề để đào tạo không dễ”, ông Ánh nói.

Sau hieu ung Quoc Co - Quoc Nghiep, xiec Viet van 'binh chan nhu vai'
Nghệ sĩ xiếc Kao Long thực hiện tiết mục kéo đâm xuyên bụng

Nhận thức được những khó khăn về sân khấu biểu diễn, cơ chế hỗ trợ, trường lớp đào tạo nhưng nguyên do ông Ánh cho rằng xiếc vẫn hoạt động chìm nổi là vì công tác truyền thông chưa tốt. Theo ông Ánh, Cơ - Nghiệp được khán giả biết đến nhiều vì truyền thông ủng hộ. Trong 15 năm trở lại đây, NSND Tạ Duy Ánh thông tin rằng Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia những cuộc thi quốc tế, ngay tại những cường quốc về xiếc đều đạt được huy chương bạc, vàng. Đó là niềm tự hào, nhưng vì không kèn không trống nên ít khán giả biết đến.

Khác với Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sư phụ Kao Long cho rằng, điều khó khăn không phải công tác đào tạo, không phải trường lớp bài bản (vì như Cơ - Nghiệp, nghề dạy nghề rồi thành danh), mà khó khăn từ chính sân khấu và thói quen nghe - nhìn của khán giả Việt.

“Có nhiều chương trình ca nhạc, nhiều trò giải trí trên truyền hình nên khán giả có nhiều sự lựa chọn. Trong khi, sân khấu dành riêng cho xiếc vẫn chưa có, phải lồng ghép trong nhiều show để được xuất hiện thì khó lòng để khán giả làm quen với nghệ thuật xiếc thường xuyên”, Kao Long khẳng định.

Sau hieu ung Quoc Co - Quoc Nghiep, xiec Viet van 'binh chan nhu vai'
Xiếc Việt đứng trước nhiều thách thức nếu muốn phát triển hơn

Nỗi niềm cho sự phát triển chung của xiếc - ảo thuật còn ở chỗ thiếu sự quan tâm của cơ quan đầu ngành. “Chúng ta có Liên đoàn Xiếc Việt Nam và tất cả những loại hình nghệ thuật đều có cơ quan đầu ngành nhưng với ảo thuật thì không. Ảo thuật thiếu sự quan tâm nên trường đào tạo không có như xiếc. Vậy, nếu một cá nhân đứng ra mời nghệ sĩ quốc tế về dạy ảo thuật cũng sẽ được, nhưng rất khó vì không có trường lớp cụ thể, sao họ tin để nhận lời”, ảo thuật gia K’Tay chia sẻ.

Sau sự kiện Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, nhiều người nặng lòng với xiếc Việt ngỡ tìm được phao cứu sinh khi xiếc đang nhận được sự quan tâm đông đảo của khán giả. Nhưng, cơn lốc mà Cơ - Nghiệp tạo được với truyền thông, khán giả cả trong và ngoài nước chỉ như đóm sáng le lói, rằng xiếc Việt có nội lực nhưng chưa phát triển xứng tầm.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI