Phía sau một show diễn

11/04/2018 - 07:12

PNO - Đạo diễn, biên kịch và các nghệ sĩ từ Trung Quốc đã rất khéo léo che giấu, xếp đặt cảnh trí, con người, từng món đạo cụ trong chương trình của mình để nói điều Trung Quốc muốn nói, ngay trên vùng đất thiêng liêng của Việt Nam.

Chương trình Ký ức Hội An, với nhiều người, thuần túy là một show diễn, một chương trình sân khấu hóa tái hiện lại lịch sử đất và người Hội An, mang tính giải trí, trong một không gian du lịch. Chương trình hợp tác giữa hai quốc gia núi liền núi, sông liền sông để phục vụ du khách và người dân địa phương. Và, với sự hoành tráng, rực rỡ sắc màu ấy, Ký ức Hội An dễ dàng thỏa mãn tai và mắt của đông đảo khán giả.

Phia sau mot show dien
Hình ảnh Ký ức Hội An trên báo Trung Quốc

Nhưng mọi thứ không đơn giản thế. Như trả lời của tổng đạo diễn Mai Soái Nguyên trên Tân Hoa Xã ngày 18/3 thì đây là một bước tiến nữa trong lộ trình quảng bá sức mạnh mềm của Trung Quốc ra thế giới. Đó rõ ràng là một tính toán đầy ý tứ của Trung Quốc trong việc kể câu chuyện của thế giới “theo cách của Trung Quốc”.

Bài báo của Tân Hoa Xã mô tả chương trình hết sức thành công, khiến mọi người phải thán phục với những trang phục truyền thống thướt tha của phụ nữ Việt Nam - thứ trang phục mà khán giả ta không nhìn thấy chút nào tính Việt, thể hiện qua phần “đuôi sam” dưới vành nón lá. Đó là một Việt Nam dưới mắt nhìn của Trung Quốc và sẽ là Việt Nam trong mắt nhìn của thế giới nếu như chúng ta chấp nhận hoặc hời hợt xem đó chỉ là tác phẩm thuần giải trí.

Ký ức Hội An của Mai Soái Nguyên không trực tiếp nói về “hương sầu” - nỗi sầu cố hương - cảm giác mong nhớ và mong muốn được “trở lại quê nhà”, nhưng “tự nhiên nó đã được nhập vào từng cảnh diễn”. Ê-kíp đạo diễn, biên kịch và các nghệ sĩ từ Trung Quốc đã rất khéo léo che giấu, xếp đặt cảnh trí, con người, từng món đạo cụ trong chương trình của mình để nói điều Trung Quốc muốn nói, ngay trên vùng đất thiêng liêng của Việt Nam.

Những nhà chiến lược của Trung Quốc (dù chỉ là một đạo diễn) cũng cho thấy họ hết sức thông minh khi chọn Hội An - di sản văn hóa thế giới - làm nơi biểu diễn để thu hút sự chú ý của thế giới, thể hiện Hội An là thương cảng sầm uất và là khởi nguồn của “con đường tơ lụa trên biển” - cái mà chính quyền Trung Quốc luôn nỗ lực để được thế giới thừa nhận, để làm cơ sở hợp thức hóa “đường lưỡi bò” của họ trên biển Đông.

Phia sau mot show dien
Tên tiếng Trung của chương trình được gọi là Ký ức Việt Nam

Chỉ trong một chương trình giao lưu văn hóa, giải trí tưởng như hết sức bình thường, vô hại, ở một khu du lịch; một đạo diễn và một công ty của Trung Quốc đã ý thức cao đến thế về việc quảng bá hình ảnh của mình, tiêm vào não khán giả điều họ muốn thế giới nghe và tin, khơi gợi về “hương sầu”, lồng văn hóa Trung Quốc ẩn vào văn hóa bản địa thì vở kịch thực cảnh sơn thủy này quả thực đã rất thành công.

Được biết, sau Việt Nam (là nước đầu tiên), Trung Quốc sẽ tiếp tục men theo con đường tơ lụa trên biển đi qua Singapore, Malaysia, Campuchia… để tiếp tục kể chuyện thế giới bằng phương thức của Trung Quốc.

Nếu bóc Ký ức Hội An (tên tiếng Trung của chương trình này là Ký ức Việt Nam) ra như một chương trình riêng lẻ, ta đã có thể nhìn thấy ở đó vô số ẩn ý được cài cắm trong từng bộ trang phục, trong phần âm nhạc, và những gì các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu - trong những gì mà người Hội An không thể chấp nhận vì không hề giống mình. Song nếu ráp Ký ức Hội An vào một tổng thể lớn hơn - bức tranh về một Trung Quốc đang bành trướng ra thế giới mà câu chuyện Điệp vụ biển Đỏ mới đây là ví dụ thì rõ ràng người Trung Quốc không hề đùa và không hề xuê xoa, dễ dãi.

Họ cũng sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho mục đích của mình. Như thừa nhận của Chủ tịch UBND TP.Hội An thì “đó là ý chí của UBND tỉnh”. Nếu không đạt được mục đích mình muốn ở cấp nhỏ, Trung Quốc có để giải quyết ở cấp cao hơn. Và đó là cái tài của họ. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI