Những người giữ hồn cho đất

06/07/2018 - 08:49

PNO - Cải lương nào chỉ đâu là ngũ cung, vũ đạo; nào chỉ là chuyện hát ca, kèn trống. Trong từng thời điểm quan trọng của đất nước, nghệ sĩ cải lương đã đồng hành và tự nguyện gắn bổn phận mình vào vận mệnh của dân tộc.

NSƯT Minh Vương: Bản Văn Thiên Tường (lớp dựng) trong Đời cô Lựu (tác giả Trần Hữu Trang) là do tôi xin nhạc sĩ, đạo diễn để thêm vào. Trong nguyên tác của bác Tư Trang, đoạn này chỉ là thoại, khi ông Năm Hương (chứ không phải thành… bà Năm Hương - vai diễn do NSND Ngọc Giàu đảm nhận trong chuyến lưu diễn 7 nước châu Âu năm 1984) thuật lại chuyện cũ với Võ Minh Thành và sắp cho Võ Minh Luân nhận cha.

Tôi nghĩ, sự bàng hoàng khi nhận ra mình có một người cha ruột, nỗi xót xa tủi phận khi cám cảnh là đứa con lạc loài, sự dồn nén phải được vỡ ra thành tiếng kêu thảng thốt “ba hỡi… ba” (oan). 

Cũng như tình huống cô Lựu gặp lại Võ Minh Luân, chị Bạch Tuyết đã viết hẳn một bài bản mới.

Nhung nguoi giu hon cho dat
NSƯT Minh Vương kể chuyện nghề từ nhiều năm trước

NSND Bạch Tuyết: Trong tâm trạng mẹ gặp lại con, mọi người khuyên tôi nên hát lý ru con cho mùi. Nhưng gặp lại đứa con “tưởng đã sút nôi”, cũng là gặp lại oan tình 20 năm, hát lý trong cảnh huống này không phù hợp.

Lựu giãi bày cùng con hay với chính sự ngang trái đời mình, nên bật thành như một lời oán mà không ai, buồn mà không lụy bởi thẳm sâu, Lựu là người tự gánh vác mọi bi kịch đời mình, làm chủ số phận mình - một biểu hiện của phong trào Gái Mới lúc bấy giờ.

Và bài bản mới đã được tôi xướng âm trên nền ký âm của nhạc sĩ - NSND Thanh Hải: “Nhưng ai có ngờ đâu/ Màn chăn xưa bụi úa khói vàng/ Thềm rêu phủ giăng sương lạnh/ Bếp cũ tàn tro nguội lửa tự bao giờ/ Nên bước chân của ba con thêm ngần ngại/ Khi ruột rà thân thích chẳng còn ai/ Cưu mang khối tình mà ngày tháng đã đổi thay”. 

Xin nói thêm, nếu ca theo dây đào, chỗ này tôi sẽ về chữ hò nhưng dứt ở dấu huyền sẽ… làm khó Minh Vương nên tôi chuyển ca dây kép, ra chữ liu - dấu ngang, làm bước đệm để Minh Vương vô câu vọng cổ một cách vừa vặn nhất.

Nhung nguoi giu hon cho dat
NSƯT Thanh Tuấn: "Hơi, nhịp, điệu thức là máu, là hơi thở của chúng tôi"

NSƯT Thanh Tuấn: Có thể nói, trong rất nhiều vở tuồng, mang lại sự thành công cho tác giả, ngoài tính tư tưởng, chủ đề của nguyên tác thì đóng góp của nghệ sĩ biểu diễn - thông qua thiết kế và sự sáng tạo về bài bản âm nhạc là rất lớn. Nghệ sĩ chúng tôi trong từng tình huống, tính cách, tâm trạng nhân vật mà cảm và hiểu nên đặt bài ca nào, “cắt lớp” từng bài bản ra sao, chuyển hơi gì… Hơi, nhịp, điệu thức là máu, là hơi thở của chúng tôi.

...

Một buổi nói chuyện nghề, chuyện đời, cũng chỉ là đời làm nghề đã được bắt đầu như thế. Những lý giải, phân tích về nghề không từ chương, lý luận nhưng bao hàm tính nền tảng, chuyên sâu, tôi nghĩ nó chẳng nằm đâu trong sách vở, nó lặn từ những trầm tích qua nửa thế kỷ làm nghề mà đời đã thầm ban cho cái danh Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương, danh ca Thanh Tuấn…

Nhung nguoi giu hon cho dat
Quái kiệt Giang Châu hạnh phúc dõi theo từng câu chuyện của đồng nghiệp

Ngay cả khi bất động trên chiếc xe lăn, mọi biểu cảm nhích dần nơi đầu mỗi ngón tay thì quái kiệt Giang Châu vẫn đủ thấu hiểu những gì mà các đàn anh đàn chị mình đang bộc bạch. Ông lặng lẽ, nhẹ nhàng, chăm chú…

Trong một khán phòng không đủ lớn, ráng sắp xếp để treo câu liên đối đã từng được yết trên bảng hiệu của Đoàn Cải lương Tân Thinh cả trăm năm trước (1920): “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”… chúng tôi như được xuôi theo chuyến lưu diễn đầu tiên của loại hình ca kịch cải lương.

Âm nhạc cải lương lọt lòng từ chiếc nôi của đờn ca tài tử, của lý, hò, dân ca… Nhưng với tinh thần cải cách tiến bộ, với tính thích nghi mạnh mẽ, biên độ tiếp nhận, chọn lọc rộng và phóng khoáng đã tạo nên một cuộc cách tân về điệu thức lẫn các trình thức vừa ước lệ của sân khấu phương Đông vừa đi vào hệ biểu cảm tâm lý, tính cách của sân khấu phương Tây mà văn học cổ điển Pháp, hệ Stanilavski là cuộc hòa trộn uyển chuyển, ý nhị nhất.

Nhung nguoi giu hon cho dat
Khán phòng buổi gặp mặt với hậu cảnh là câu liên đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”

Cùng là bản vọng cổ, nhưng khi diễn tả tâm trạng của cuộc hội ngộ Kim - Kiều (trong vở cải lương Kim Vân Kiều - chuyển thể Quy Sắc, Mộc Linh), chất trữ tình được giữ trọn qua chất giọng nồng nàn, quyến rũ của NSƯT Thanh Tuấn.

Độ luyến láy, nhả chữ không phải để làm dáng mà biểu đạt đến tận cùng độ chất ngất của chàng Kim, len vào đấy cả tâm trạng âu lo mà buổi giao bôi đã chớm hồi trắc trở. Thả một khúc ngâm, tình tứ, man mác, Thúy Kiều - Bạch Tuyết làm nền cho bạn diễn bay bổng.

Nhung nguoi giu hon cho dat
NSND Bạch Tuyết say sưa hát trong buổi gặp gỡ

Ba mươi năm có lẽ, họ mới bồi hồi, hòa quyện đến từng giây từng nhịp như thế! Cái lạ là, chẳng ai chịu thuộc đoạn ca của mình mà lại nằm lòng phần ca của bạn diễn. Họ nhắc tuồng cho nhau. Bởi đơn giản họ nhận ra nhau, quý trọng nhau cũng vì một chữ tài mà chỉ những kẻ tri âm trong nghệ thuật mới lần tìm nhau dễ dầu đến thế.

Nhưng khi Nguyễn Trãi - Minh Vương vào Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong), đĩnh đạc, trang nghiêm mà chất ngất niềm ưu tư vận nước, mệnh nhà. Giữa lòng bản, là đoạn trở để ca đảo, mạnh mẽ, dứt khoát. Âm nhạc biểu thị hồn nước non, hồn của kẻ sĩ thời tao loạn…

Lọt giữa vùng âm thanh quyến rũ ấy, đôi lúc tôi tự hỏi, chẳng biết là ngón đờn điêu luyện của nhạc sĩ Thái An - truyền nhân của nhạc sĩ Năm Vĩnh, sở hữu ngón đờn kìm tay trái trác tuyệt - đang dẫn dắt hay chính từng làn hơi, điệu thức trong mỗi nghệ sĩ tài danh kia đang dẫn dụ và mê đắm.

Nhung nguoi giu hon cho dat
Niềm vui ngày gặp mặt của nhạc sĩ Thái An và nghệ sĩ Kim Hương

Chỉ một tiếng bỏ nhỏ rất khẽ của Bạch Tuyết, “lấy hơi xuân cho chị Ba”, nhạc sĩ Thái An gật đầu, người đàn bà hát, ở tuổi 73, lập tức lẫy hơi Xuân để vào bài Ngựa Ô Nam - vốn dĩ thuộc về hơi ai - trong vở Kiều Nguyệt Nga (soạn giả Ngọc Cung). Vỗ nhịp theo tiếng song lan cho Bạch Tuyết là Thanh Tuấn, Minh Vương, Kim Hương…

Còn gì đẹp hơn thế! 

Còn gì hào hùng và kiêu hãnh hơn thế!

Một Kim Hương của nàng Tía trong Tiếng trống Mê Linh, Tiểu Loan của Bên cầu dệt lụa; đặc biệt là cô đào trẻ của đoàn Thanh Minh đã tự nguyện và sau đó được chọn thay NSƯT Thanh Nga đảm nhận vai Thái hậu Dương Vân Nga để cùng ra trận với 6 Dương Vân Nga khác, thời điểm cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Nhung nguoi giu hon cho dat
Nhạc sĩ Thái An tấu nhạc cho "Thái Hậu Dương Vân Nga" Kim Hương bay bổng theo lời ca

Hơn 40 năm sau, “bà Thái hậu” vẫn ngời ngời thanh sắc, sang sảng lời hiệu triệu trong cảnh dâng long bào: “Mỗi nếp áo còn sáng ngời khí thế, mỗi đường thêu còn rạng vẻ sơn hà. Tấm long bào này là niềm kiêu hãnh của dân ta, một dân tộc dám tự xưng là Đại Cồ Việt…” (soạn giả Huy Trường).

Tiếp lời, một phiên bản Thái hậu Dương Vân Nga - của soạn giả Hoa Phượng qua phần thị phạm của NSND Bạch Tuyết: “Đôi tay tôi thay cho triệu cánh tay người đã làm nên lịch sử, nâng long bào tiên đế như nâng gánh nặng sơn hà. Đây là quyền tự chủ, là niềm khát khao lạc nghiệp âu ca, là nghiệp cả của Tiên vương mà nghìn xưa vừa rửa thẹn. Để trời Nam rực rỡ ánh minh châu, để văn minh hào kiệt giống Tiên  Rồng, đời đời bất khuất”.

Cải lương nào chỉ đâu là ngũ cung, vũ đạo; nào chỉ là chuyện hát ca, kèn trống. Trong từng thời điểm quan trọng của đất nước, nghệ sĩ cải lương đã đồng hành và tự nguyện gắn bổn phận mình vào vận mệnh của dân tộc.

Nhung nguoi giu hon cho dat
NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Minh Vương kể về những ngày tháng rực rỡ của sân khấu cải lương

Minh Vương bùi ngùi nhắc lại một thời biểu diễn ở mặt trận 479, sàn diễn luôn đào sẵn cái hố, có tiếng nổ là nhảy ngay xuống trú ẩn, ngưng tiếng súng, nghệ sĩ lại leo lên mặt đất hát phục vụ chiến sĩ.

Thời điểm 1984, lần đầu tiên có một đoàn nghệ thuật Việt Nam hòa bình công diễn quốc tế, cũng là những ngày sóng gió ở đất khách, khi nhóm quá khích tìm cách bắt cóc hai nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, cả đoàn mất ăn mất ngủ bởi đã nguyện đi cùng đi về cùng về. Và họ đã không sai lời.

Thanh Tuấn hồn nhiên nói về những ngày tháng rong ruổi mọi miền, cái khổ, cái đói, cái sức chịu đựng của người dân khiến ông quay quắt viết trên dưới 70 bài vọng cổ, đơn giản chỉ vì muốn được làm dịu đi những vết thương, người dân vui mà tin vào cuộc sống, vào sự tốt đẹp mà chỉ có một đất nước thanh bình mới kiến tạo và giữ gìn.

Có một ngày, người nghệ sĩ hào hoa, lãng tử, phong trần trong Đường gươm nguyên bá, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa… lại ngược dòng về miền Tây sau cơn bão Linda 1997, ông lặng người trước biển, không phải cái màu trắng xóa của sóng mà của những dải khăn sô nơi những người mẹ, người chị, người vợ, người con.

Ông đau đớn viết từng dòng trong bài vọng cổ Cơn bão biển. Ông lặng lẽ thu âm và hát, có nhiêu tiền lại đi về miền Tây, mang theo những lời mộc mạc: “Ta được hạnh phúc hơn không bị cơn sóng biển tràn ngập phủ văng cướp đi tài sản mạng người… Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, chúng ta là người đâu đành lòng mà nỡ bỏ nhau”.

Nhung nguoi giu hon cho dat
Niềm vui trong buổi hội ngộ ngắn ngủi của những tài danh sân khấu cải lương - Ảnh: P.Huy

...

***

Vừa trở về từ phim trường của cuộc thi Sao nối ngôi, NSND Bạch Tuyết lại tất bật với Bông lúa vàng. NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn tiếp tục ngồi ghế nóng Chuông vàng vọng cổ 2018. Giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi, các đồng nghiệp từ An ninh TV, VTV xin phỏng vấn NSƯT Minh Vương cho kịp giờ phát sóng.

Chào nhau một tiếng, nghệ sĩ Thanh Tuấn tức tốc lên xe về Rạch Giá để hát show, xong Rạch Giá khuya nay ông chạy về Hà Tiên, rồi quành lên Đồng Tháp… Họ còn sức để hát là còn đi, đi là vì bà con khán giả vẫn còn chờ, còn mong họ đến. Nhân dân đấy, họ đang chờ nghệ sĩ, nghệ sĩ của nhân dân. 

Lê Huyền Ái Mỹ
Ảnh: Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI